Sau khi kiểm toán, nhiều doanh nghiệp từng được đánh giá cao về hiệu quả kinh doanh bỗng sụt giảm mạnh lợi nhuận so với con số tự công bố trước đó, tác động đến niềm tin của nhà đầu tư.
Tổng công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn từ lãi chuyển thành lỗ
Tổng công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn (Saigonres) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2024 với nhiều khoản mục biến động mạnh và lợi nhuận từ lãi sang lỗ hàng chục tỉ đồng.
Doanh thu thuần của Saigonres giảm 21,4% sau soát xét, từ 76,6 tỉ đồng ở báo cáo tự lập xuống 60,2 tỉ đồng. Doanh thu giảm nên khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp chỉ đạt 25,4 tỉ đồng thay vì 40,5 tỉ đồng như trong báo cáo tự công bố trước đó. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng lên 33 tỉ đồng.
Sau khi điều chỉnh các mục nêu trên, Saigonres chuyển từ lãi 2,4 tỉ đồng trong báo cáo tự lập sang lỗ 23,4 tỉ đồng sau soát xét. Doanh nghiệp này lý giải nguyên nhân lãi sang lỗ là bởi điều chỉnh giảm doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản, khoản thu này sẽ được chuyển sang kỳ sau khi đủ điều kiện ghi nhận.
Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp sau kiểm toán tăng mạnh do thực hiện trích lập dự phòng phải thu theo đề nghị của kiểm toán.
So với mục tiêu doanh thu 628 tỉ đồng và lãi ròng 190 tỉ đồng, Saigonres còn cách xa cả mục tiêu doanh thu lẫn lợi nhuận.
Danh Khôi lỗ, doanh thu thuần giảm mạnh
Tương tự, sau kiểm toán soát xét, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn Danh Khôi ghi nhận lỗ ròng hơn 10 tỉ đồng, trong khi ở báo cáo tự lập thì doanh nghiệp này báo lãi hơn 7 tỉ đồng.
Một trong các nguyên nhân chính dẫn đến kết quả chuyển lãi thành lỗ của Danh Khôi là doanh thu thuần giảm đến 78% sau soát xét, chỉ còn gần 3 tỉ đồng.
Lãnh đạo doanh nghiệp này cho hay việc giảm doanh thu chủ yếu nằm ở khoản doanh thu của các hợp đồng tư vấn. Các khoản doanh thu từ hợp đồng dịch vụ tư vấn doanh nghiệp đã hoàn thành sẽ được ghi nhận bổ sung sau khi xuất hóa đơn giá trị gia tăng.
Lý do thứ hai dẫn đến khoản lỗ của Danh Khôi là chi phí quản lý soát xét gấp 2,5 lần so với báo cáo tự lập, với gần 26 tỉ đồng. Công ty giải trình chi phí này tăng là do điều chỉnh dự phòng công nợ phải thu khó đòi và thực hiện trích lập dự phòng phải thu khó đòi theo đề nghị kiểm toán.
Tuy vẫn chưa thể có lãi nhưng khoản lỗ này ít hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước (lỗ 35,4 tỉ đồng). Ngoài ra, đơn vị kiểm toán cũng nhấn mạnh việc giả định hoạt động liên tục và các cam kết về hoạt động liên tục của ban điều hành tập đoàn.
Doanh nghiệp địa ốc lỗ chồng lỗ
Công ty cổ phần Tập đoàn Tiến Phước (Tiến Phước Group) cũng vừa có báo cáo về tình hình tài chính 6 tháng đầu năm với khoản lỗ ròng hơn 181 tỉ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, doanh nghiệp này cũng báo lỗ cả trăm tỉ đồng.
Tính đến cuối tháng 6-2024, vốn chủ sở hữu của Tiến Phước giảm còn 2.075 tỉ đồng, khiến tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của công ty rơi vào mức âm 8,8%, con số này ở cùng kỳ năm trước là âm 4,7%. Nợ phải trả của Tiến Phước hiện vượt xa vốn chủ sở hữu, đạt gấp 4,1 lần, tương đương 8.507 tỉ đồng.
Trong số đó, công ty đang gánh khoản nợ trái phiếu trị giá gần 300 tỉ đồng. Tiến Phước Group hiện là chủ đầu tư của nhiều dự án địa ốc quy mô tại TP.HCM, đặc biệt là các dự án có vị trí đắc địa ở TP Thủ Đức.
Còn Công ty cổ phần Đầu tư LDG không chỉ giảm lợi nhuận, còn bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục trong báo cáo tài chính bán niên năm 2024.
Sau kiểm toán, lợi nhuận của doanh nghiệp địa ốc này giảm thêm hơn 100 tỉ đồng so với báo cáo tự lập, tương ứng từ lỗ 296 tỉ đồng về lỗ 396 tỉ đồng. Trong đó, chủ yếu do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 572% so với trước kiểm toán, tương ứng tăng thêm 116 tỉ đồng, từ 20 tỉ đồng lên 136 tỉ đồng.
Thị trường địa ốc Việt đối diện nhiều thách thức
Shinhan Securities vừa có báo cáo đánh giá thị trường địa ốc Việt, trong đó doanh nghiệp này nhận định ngành bất động sản bắt đầu có nhiều tín hiệu hồi phục khi số lượng căn hộ mở bán đã cải thiện hơn so với quý 1, tỉ lệ hấp thụ và số lượng dự án được cấp phép tăng mạnh. Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có dấu hiệu phục hồi.
Tuy nhiên, theo Shinhan Securities, thị trường bất động sản vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức khi tín dụng bất động sản chưa có chuyển biến tích cực dù lãi suất thuận lợi và áp lực tài chính thị trường trái phiếu doanh nghiệp tuy có dấu hiệu cải thiện nhưng vẫn ở trạng thái cao.
Từ giữa cuối năm 2024, ngành bất động sản tiếp tục hồi phục khi các luật liên quan đến bất động sản được thi hành đồng bộ và lãi suất vẫn duy trì ở mức hấp dẫn sẽ hỗ trợ thị trường khi pháp lý được tháo gỡ. Tuy vậy, Shinhan Securities cảnh báo rủi ro vẫn hiện hữu liên quan đến thanh toán trái phiếu doanh nghiệp lớn vào năm 2024.
Nguồn: https://tuoitre.vn/loat-doanh-nghiep-dia-oc-boc-hoi-loi-nhuan-tu-lai-sang-lo-sau-soat-xet-20240915172333773.htm