Ngày 15/9, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Xuân Sang đã đến thăm và kiểm tra các đơn vị thành viên của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) bị thiệt hại sau bão số 3.
Ghi nhận tinh thần chủ động, nỗ lực của ban lãnh đạo từ tổng công ty đến các đơn vị thành viên trong việc chỉ đạo, triển khai phòng chống bão, khắc phục hậu quả sau bão, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang biểu dương các tập thể người lao động đã đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, khắc phục khó khăn, sửa chữa nhà xưởng, thiết bị chung tay cùng đơn vị sớm tổ chức lại sản xuất.
Thứ trưởng yêu cầu lãnh đạo SBIC chỉ đạo các đơn vị thành viên bị ảnh hưởng do bão nhanh chóng tổ chức kiểm soát, thống kê thiệt hại, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan để ghi nhận thiệt hại, đầu tư, sửa chữa khắc phục hậu quả một cách nhanh nhất, đảm bảo đúng quy định, quy trình và hướng dẫn của các cấp về khắc phục hậu quả do thiên tai.
Đồng thời, tính toán các chi phí phát sinh khi thu dọn, tháo dỡ, sửa chữa trang thiết bị để cập nhật, báo cáo cơ quan liên quan. Đơn vị cần lưu ý công tác đảm bảo an toàn lao động khi tái sản xuất sau bão, đánh giá kỹ tác động của bão đối với nhà xưởng, thiết bị cho an toàn trong lao động sản xuất. Cùng đó, nhanh chóng gặp gỡ chủ các hợp đồng để tháo gỡ khó khăn tiến độ giao hàng cũng như xúc tiến các hợp đồng trong thời gian tới.
“Cần nhanh chóng gặp gỡ, trao đổi với các chủ tàu về thiệt hại do bão gây ra để có sự cảm thông, chia sẻ, cùng tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất đảm bảo chất lượng, tiến độ giao hàng cũng như đẩy mạnh xúc tiến các hợp đồng mới trong thời gian tới”, Thứ trưởng nói và yêu cầu SBIC sớm thăm hỏi, động viên người lao động có hoàn cảnh khó khăn, các gia đình bị thiệt hại nặng nề và các đơn vị có biện pháp hỗ trợ phòng chống dịch bệnh sau mưa bão.
Thứ trưởng đề nghị doanh nghiệp cần nhanh chóng gặp gỡ, trao đổi với các chủ tàu về thiệt hại do bão gây ra để có sự cảm thông, chia sẻ, cùng tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất đảm bảo chất lượng, tiến độ giao hàng.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, lãnh đạo Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ khẳng định sẽ tiếp tục quyết tâm thực hiện mọi biện pháp khắc phục nhanh nhất các hậu quả để các đơn vị ổn định sản xuất, đảm bảo tiến độ, chất lượng các sản phẩm và nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2024.
Theo báo cáo của các đơn vị, sau bão số 3, Công ty Đóng tàu Hạ Long bị hỏng 6 cẩu, trong đó cẩu cổng trục 300T là nặng nhất; hỏng 1 xe rơ moóc; nhiều nóc nhà văn phòng, phân xưởng tốc mái khoảng 37.000m2; 80% cây xanh trong công ty bị đổ, gãy; 162/1198 gia đình công nhân lao động bị thiệt hại do bão.
Công ty Đóng tàu Nam Triệu bị đổ 1 cần cẩu chân đế KONE 10T; chìm 1 Ponton 2000T tại cầu tàu trong công ty; 80% nhà xưởng, văn phòng bị tốc mái không còn nguyên vẹn; 83 gia đình công nhân lao động thiệt hại tài sản nhà cửa, cây trồng, vật nuôi.
Công ty Đóng tàu Phà Rừng bị đổ 1 cẩu giàn 2x5T ngoài trời; một số tàu đang sửa chữa bị nước mưa tràn vào; nhiều máy hàn, máy cắt, máy tính văn phòng bị nước mưa do nhà bật nóc; nhiều nhà xưởng, văn phòng bị tốc mái; gia đình người lao động bị thiệt hại nhiều.
Ngoài ra, nhiều đơn vị khác cũng bị ảnh hưởng tốc mái tôn, vỡ cửa kính, đổ cây xanh nhẹ như: Công ty TNHH MTV Đóng tàu Thịnh Long, Công ty CP Công nghiệp tàu thuỷ Nam Hà, Công ty CP Công nghiệp tàu thuỷ Sông Đào (Nam Định); Khu vực Hải Phòng như Công ty TNHH MTV đóng tàu Thành Long, Công ty CP Công nghiệp tàu thuỷ An Đồng; Khu vực Hà Nội có Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thuỷ và xây dựng Sông Hồng.
Giaothong.vn