Giải billiards carom 3 băng nữ vô địch thế giới (World Championship Ladies) diễn ra tại Pháp vừa khép lại vào ngày 12.9. Tại giải đấu này, billiards carom 3 băng Việt Nam có 2 đại diện tham dự là Nguyễn Hoàng Yến Nhi và Phùng Kiện Tường. Trong đó, Yến Nhi đã xuất sắc vào đến bán kết và đoạt huy chương đồng giải vô địch thế giới. Thành tích này đã thiết lập cột mốc mới trong lịch sử billiards thể thao Việt Nam, khi Yến Nhi là cơ thủ đầu tiên giành được huy chương ở giải nữ vô địch thế giới.
Danh hiệu tại giải vô địch thế giới ở Pháp góp phần giúp Yến Nhi khẳng định vị thế là nữ cơ thủ billiards carom 3 băng số 1 của Việt Nam. Trước đó, cơ thủ người Đà Nẵng từng giành HCB carom 3 băng tại SEA Games 32, HCV quốc gia nội dung carom 3 băng nữ năm 2023 và 2024, HCV cúp VBSF 2024.
Số tiền tự chi để đi du đấu là quá lớn với VĐV
Nguyễn Hoàng Yến Nhi bày tỏ tâm trạng khi không nhận được khoản hỗ trợ nào từ VBSF, để cô trang trải cho chuyến du đấu ở Pháp. Yến Nhi cho biết, cô cùng đồng đội Phùng Kiện Tường đã tốn khoảng 55 triệu đồng/người cho lần đi Pháp dự giải nữ vô địch thế giới 2024 (gồm tiền vé máy bay khứ hồi, ăn uống trong 6 ngày, di chuyển tàu xe đến địa điểm thi đấu).
“Vào tháng 3.2024 , khi VBSF ra thông báo thu tiền để trở thành thành viên VBSF, với số tiền 500.000 đồng/cơ thủ/năm, và 200.000 đồng (số tiền này chỉ đóng 1 lần) để làm thẻ thành viên. VBSF đã thu tiền VĐV và hoàn toàn không chi trả dù chỉ là một khoản tiền nhỏ cho chúng em tham dự giải đấu, dù thi đấu với tư cách là VĐV đại diện cho Việt Nam. Vậy số tiền VBSF đã thu của chúng em và các VĐV khác, nếu không hỗ trợ cho VĐV đại diện quốc gia thì chúng ở đâu? Trong khi đó, việc thi đấu với số tiền trên là rất nhiều so với 1 VĐV có thu nhập lương đội tuyển là 11,5 triệu đồng/tháng như chúng em”, Yến Nhi thắc mắc.
Nữ cơ thủ Đà Nẵng cho biết thêm: “Tháng 8.2024, em nhận được thông tin là em và chị Phùng Kiện Tường (VĐV đội tuyển Billiard & Snooker TP.Vũng Tàu) sẽ được xuất tham dự giải đấu World Championship Ladies tại Pháp từ ngày 10 – 12.9.2024. Đây là giải đấu danh giá nhất của cuộc đời sự nghiệp VĐV billiards chúng em. Nhưng kèm thông tin rằng: chi phí tham dự giải vô địch thế giới sẽ do đơn vị chủ quản (Đà Nẵng và Vũng Tàu) chi trả. Nhưng đây là một thông tin đưa ra ngay trước khi giải đấu bắt đầu, và không được đưa ngay từ đầu năm nên thành phố của chúng em đã không đưa ra kế hoạch từ đầu năm về số tiền phải chi trả này. Đồng nghĩa với việc, chúng em sẽ không được nhận hỗ trợ từ đơn vị chủ quản. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, em và chị Phùng Kiện Tường sẽ phải tự chi trả 100% cho toàn bộ chuyến du đấu tại Pháp (khoảng 55 triệu đồng). Em cảm thấy thật sự rất bất công với các VĐV đang thi đấu và cống hiến cho nước nhà mà không nhận được một khoản chi phí hỗ trợ nào từ VBSF. Vậy câu hỏi được đặt ra là thành lập VBSF để được gì, trong khi trước đó khi VBSF chưa thu tiền VĐV thì đơn vị chủ quản của em sẽ tự lên kế hoạch cho việc có VĐV đi thi đấu nước ngoài”.
VBSF và Yến Nhi đã thống nhất trước khi VBSF ra quyết định
Sau khi có phản ánh của cơ thủ Nguyễn Hoàng Yến Nhi, Báo Thanh Niên đã liên hệ với ông Đoàn Tuấn Anh – Tổng thư ký VBSF (kiêm phụ trách bộ môn này ở Cục TDTT) và nhận được câu trả lời. Ông Tuấn Anh chia sẻ: “Đó là ý kiến cá nhân của Yến Nhi thôi. Thật ra, khi hỗ trợ Yến Nhi làm thủ tục đi thi đấu, thì hai bên đã bàn bạc với nhau về việc sẽ không có kinh phí hỗ trợ từ VBSF. Quyết định của VBSF về việc cử Yến Nhi đi thi đấu cũng không đề cập gì về việc hỗ trợ kinh phí cả”.
Ông Tuấn Anh cho biết, theo quy trình, VBSF phải xác nhận tư cách thành viên của Yến Nhi thì Liên đoàn Billiards carom 3 băng thế giới (UMB) mới gửi thư mời tham dự giải vô địch thế giới. “Khi UMB gửi thư mời về, VBSF đã bàn bạc với VĐV. Trước khi ra quyết định cử VĐV đi thi đấu, hai bên đã thống nhất với nhau là không có kinh phí hỗ trợ từ liên đoàn, mà do cá nhân hoặc địa phương tự chi trả”, Tổng thư ký VBSF khẳng định.
Về các khoản thu từ hội viên, ông Tuấn lý giải: “Tiền từ các hội viên đóng vào, chừng đó là không đủ cho các sự kiện của liên đoàn làm trong năm. Hai giải, của carom lẫn pool, chỉ tính riêng tiền giải thưởng nằm trong điều lệ là đã 700 triệu rồi. Tiền hội phí từ các thành viên, tối đa chỉ khoảng 350 triệu/năm”.
Tổng thư ký VBSF nói thêm: “Về các bộ môn của sở, hằng năm sẽ có một nguồn tiền để sẵn đó rồi. Nếu tiền ngân sách nhà nước, thì phải có kế hoạch từ đầu năm không phải chờ đến khi bộ môn hay liên đoàn thông báo”.
Nguồn: https://thanhnien.vn/thuc-hu-co-thu-khong-duoc-ho-tro-tien-di-phap-thi-dau-lien-doan-billiards-noi-gi-185240915183750932.htm