Thưa các đồng chí!
Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ chiến lược, xuyên suốt của cách mạng nước ta. Bảo vệ Tổ quốc là điều kiện, tiền đề quan trọng tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước nhanh, bền vững. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân, toàn quân ta, Tổ quốc ta được bảo vệ vững chắc từ sớm, từ xa theo phương châm “giữ nước từ khi nước chưa nguy”. Hình ảnh Việt Nam hòa bình, ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, đóng góp tích cực gìn giữ hòa bình trên thế giới; đã trở thành nguồn cảm hứng mãnh liệt của nhiều quốc gia, nguồn lực phát triển đất nước trong thời đại mới, góp phần thu hút mạnh mẽ đầu tư, khách du lịch nước ngoài, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Lực lượng vũ trang cách mạng được xây dựng tinh, gọn, mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao trong tình hình mới.
Cần không ngừng mở rộng đối ngoại quân sự, hợp tác quốc tế của Học viện với học viện, đại học quốc phòng, quân sự, viện nghiên cứu quốc phòng, an ninh các nước trên thế giới để tiếp thu kinh nghiệm, trí tuệ nhân loại trong hòan thiện nghệ thuật quân sự thời đại mới.
Có được những kết quả to lớn trong bảo vệ Tổ quốc, có sự đóng góp quan trọng của Học viện Quốc phòng – địa chỉ tin cậy hàng đầu của Đảng, Nhà nước về đào tạo cán bộ cấp chiến lược, bao gồm cán bộ cao cấp của lực lượng vũ trang nhân dân. Trong nhiều năm qua, thực hiện vai trò trung tâm giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế hàng đầu của quân đội và quốc gia, Học viện luôn nghiêm túc quán triệt, triển khai có hiệu quả các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng; làm tốt công tác tham mưu chiến lược về quân sự, quốc phòng, an ninh, xây dựng quân đội.
Bám sát thực tiễn, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và chủ trương của Đảng về đổi mới toàn diện giáo dục, đào tạo, Học viện đã tích cực điều chỉnh nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, huấn luyện; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; chú trọng nghiên cứu, học tập thực tế; công tác đào tạo có nhiều tiến bộ, chất lượng ngày càng cao, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang. Học viện đã đào tạo hàng vạn cán bộ cao cấp của quân đội; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho hàng nghìn cán bộ cao cấp; đào tạo hàng trăm tiến sĩ, thạc sỹ khoa học quân sự, hàng trăm cán bộ cao cấp của quân đội của một số nước; tổ chức nhiều khoá đào tạo quan chức quốc phòng quốc tế cho học viên của 34 quốc gia trên thế giới.
Chủ động, sáng tạo trong hoạt động nghiên cứu khoa học; tích cực nghiên cứu tổng kết thực tiễn, Học viện đã làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng những vấn đề quân sự, quốc phòng, góp phần hòan thiện lý luận, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy và phát triển đường lối quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, nâng khoa học quân sự lên tầm Nghệ thuật quân sự trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Tích cực thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đối ngoại quốc phòng, Học viện đã hòan thành tốt nhiệm vụ đào tạo sĩ quan cao cấp cho Quân đội Lào, Cam-pu-chia, quan chức quốc phòng một số nước; tăng cường trao đổi, nghiên cứu học thuật, chia sẻ kinh nghiệm tại các diễn đàn quốc tế, với các học viện, viện nghiên cứu quốc phòng nhiều nước, góp phần củng cố tin cậy, nâng cao vị thế quốc tế của Quân đội và đất nước.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước tôi nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương những thành tích và sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ của Học viện Quốc phòng trong những năm qua.
Thưa các đồng chí!
Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, thúc đẩy chạy đua vũ trang, khiến môi trường an ninh quốc tế ngày càng căng thẳng, không gian sinh tồn ở những nơi là tâm điểm cạnh tranh có nguy cơ bị thu hẹp, gia tăng thách thức đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang làm thay đổi phương thức hoạt động, tổ chức cách thức tiến hành chiến tranh, can dự/can thiệp của các nước và nhiều khía cạnh khác của hoạt động quân sự, an ninh, tình báo. Những vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, thiên tai, dịch bệnh… diễn biến ngày càng phức tạp, tác động đa chiều, trực tiếp đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đe dọa an ninh toàn cầu, tác động trực tiếp đến nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Trong nước, những yếu tố có thể gây đột biến, bất lợi đang gia tăng. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ráo riết thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” với nhiều thủ đoạn thâm độc, tinh vi, nguy hiểm; thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, đòi “phi chính trị hoá” lực lượng vũ trang.
Bối cảnh tình hình bên ngoài, bên trong đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đòi hỏi nhận thức đúng và giải quyết tốt mối quan hệ giữa đối tác, đối tượng; nhận thức đúng về chủ trương, giải pháp chiến lược để đẩy lùi thách thức, nắm bắt thời cơ, tiến tới làm chủ không gian vũ trụ, tiến sâu nghiên cứu làm chủ mặt nước, đại dương, đáy biển; nghiên cứu phát triển phòng không không quân, làm chủ vùng trời, xử lý tốt thiết bị bay không người lái trên không, trên biển, robot đáy biển. robot phòng thủ khu vực rừng núi… Phát triển nghệ thuật quân sự không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy; cao hơn, phải tranh thủ tối đa thời cơ, biến thách thức thành cơ hội, không ngừng củng cố tiềm lực quốc phòng, gia tăng đóng góp của Việt Nam cho hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và xây dựng lực lượng Quân đội tinh, gọn, mạnh, đến năm 2030 chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng lớn đối với công tác đào tạo của Học viện. Để đạt được các yêu cầu, nhiệm vụ của Học viện trong giai đoạn mới, Tôi đề nghị các đồng chí tập trung thực hiện tốt một số công tác sau:
Thứ nhất, quán triệt, thực hiện có hiệu quả chủ trương, quan điểm của Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo gắn với bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang thời kỳ mới. Có 03 vấn đề cụ thể: (i) Học viện phải thể hiện rõ nét là đơn vị đi đầu thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng về đổi mới giáo dục, đào tạo và quân sự, quốc phòng, an ninh, trọng tâm là Kết luận số 91, ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” và Nghị quyết Trung ương 8 (khoá XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. (ii) Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ chương trình, nội dung, phương pháp huấn luyện – đào tạo, quản trị nhà trường theo hướng khoa học, hiện đại với phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”. Mục tiêu cao nhất của huấn luyện-đào tạo tại Học viện là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ hiện đại theo phương châm “người trước, súng sau”, hiện đại về tư duy, phương pháp làm việc. Nội dung huấn luyện-đào tạo phải sát với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của đất nước, sự phát triển của Quân đội; sâu sắc về lý luận, phong phú về thực tiễn, cập nhật, bổ sung kiến thức lý luận, thông tin mới về khoa học quân sự hiện đại, nhất là lý luận và thực tiễn về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, phù hợp với đối tượng tác chiến và thực tiễn các phương thức tiến hành chiến tranh trên thế giới hiện nay. (iii) Chú trọng chuyển đổi số, quản lý, khai thác dữ liệu lớn, phát triển giáo dục số, giáo dục thông minh, giáo dục sáng tạo, giáo dục thích ứng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, xây dựng học viện số, học viện thông minh.
Phát triển nghệ thuật quân sự không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy; cao hơn, phải tranh thủ tối đa thời cơ, biến thách thức thành cơ hội, không ngừng củng cố tiềm lực quốc phòng, gia tăng đóng góp của Việt Nam cho hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Nguồn: https://nhandan.vn/phat-bieu-cua-dong-chi-to-lam-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-tai-le-khai-giang-nam-hoc-2024-2025-cua-hoc-vien-quoc-phong-post830379.html