Ngày 15-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 về các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh, trực tuyến tới 26 tỉnh thành địa phương.
Lấy người dân làm trung tâm
Đến nay, Chính phủ đã hỗ trợ cho các địa phương khoảng 350 tỉ đồng, tiếp tục thống kê thiệt hại; cấp gần 300 tấn gạo; Mặt trận Tổ quốc đã kịp thời kêu gọi ủng hộ…
Nêu ra bài học kinh nghiệm, Thủ tướng cho rằng cần dự báo chính xác; thông tin nhanh, kịp thời; các cấp ngành cần chủ động, tích cực “3 trước”, “4 tại chỗ”, lấy người dân là trung tâm, chủ thể, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết; người dân phải tham gia; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị.
Với yêu cầu trước mắt, Thủ tướng cho rằng cần đảm bảo không để người dân nào bị thiếu ăn, thiếu mặc, đói rét, thiếu nước sạch, thiếu chỗ ở, các sinh hoạt thiết yếu hàng ngày. Khẩn trương khắc phục hậu quả siêu bão hiệu quả; nhanh chóng ổn định tình hình cho nhân dân.
Khôi phục hiệu quả sản xuất, kinh doanh; kiểm soát tốt lạm phát và phấn đấu tăng trưởng cả năm khoảng 7%.
Theo đó, cần thống kê, rà soát lại thiệt hại, có hỗ trợ ưu tiên cho gia đình bị mất nhà cửa, có người thiệt hại. Tất cả các gia đình bị mất nhà, trôi nhà, bị vùi lấp nhà thì phải có nhà với tinh thần “3 cứng” (nền cứng, vách cứng, mái cứng) với điều kiện tốt hơn nơi ở cũ bị thiệt hại.
Rà soát thống kê các cơ sở giáo dục y tế, để trong tháng 9 này các cháu được đến trường. Kết nối giao thông thông suốt; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nghiên cứu miễn giảm học phí cho các cháu học sinh, sinh viên bị tác động bởi con bão.
Hỗ trợ giống cho nông nghiệp, đảm bảo cho sản xuất
Về khôi phục sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng yêu cầu thống kê các cơ sở bị ảnh hưởng để hỗ trợ về tín dụng; chính sách thông thoáng. Hỗ trợ cây con giống để khôi phục sản xuất nông nghiệp; khôi phục các loại hình dịch vụ; các khu công nghiệp phải triển khai sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, không được làm chậm các đơn hàng.
Về tài chính, nghiên cứu miễn, giảm, hoãn thuế phí, lệ phí; thúc đẩy đầu tư công. Bảo đảm cung ứng vật tư, nguyên liệu đầu vào, có phương án cho vay cho các hộ gia đình; bảo hiểm thanh toán kịp thời mất mát của doanh nghiệp; khắc phục các kho bãi để tập kết hàng hoá, không bị ứ đọng.
Nguồn: https://tuoitre.vn/da-ho-tro-cac-dia-phuong-350-ti-khac-phuc-bao-lu-se-co-chuong-trinh-hoi-phuc-sau-bao-20240915132104379.htm