(CLO) Mặc dù vấn đề thu nhập không được đề cập trong cuộc tranh luận tổng thống Mỹ vừa diễn ra, nhưng nó có thể đóng vai trò quan trọng đối với kết quả cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay.
Vài giờ trước khi Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đối đầu trong cuộc tranh luận tổng thống quan trọng, Cục Thống kê Dân số Mỹ đã công bố một số dữ liệu kinh tế quan trọng cho thấy thu nhập trung bình của các hộ gia đình ở Mỹ đã tăng lần đầu tiên vào năm ngoái kể từ đại dịch COVID-19.
Sau khi điều chỉnh theo lạm phát, thu nhập hộ gia đình trung bình ở Mỹ năm 2023 là 80.610 USD, tăng so với mức 77.450 USD năm 2022 sau ba năm liên tiếp suy giảm.
Mặc dù phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch, con số này vẫn thấp hơn một chút so với mức 81.210 USD được ghi nhận vào năm 2019, thời điểm ông Trump đang làm Tổng thống Mỹ.
Ông Trump được đánh giá cao hơn về nền kinh tế
Thống kê phần nào giải thích được động lực của cuộc đua và lý do tại sao các ứng cử viên đang tranh đua rất sít sao. Nhiều lần, cử tri đã nói rằng nền kinh tế là vấn đề số 1 của họ.
Trong khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew công bố hôm 10/9, 81% cử tri cho biết nền kinh tế “rất quan trọng” trong việc quyết định lá phiếu của họ, cao hơn 16% so với tỷ lệ người trả lời tương tự về vấn đề chăm sóc sức khỏe.
Số liệu của Cục Thống kê Mỹ đưa ra lời giải thích cho lợi thế của ông Trump. Về vấn đề kinh tế, ông luôn được đánh giá là đáng tin cậy hơn so với cả bà Harris và Tổng thống đương nhiệm Joe Biden.
Trong phần lớn thời gian bà Harris phục vụ dưới quyền Tổng thống Biden, sức mua của người Mỹ đã giảm do lạm phát cao. Đặc biệt vào giữa năm 2022, lạm phát ở Mỹ đạt đỉnh 9,1%.
Trong khi đó, dưới thời ông Trump, thu nhập hộ gia đình trung bình sau khi điều chỉnh theo lạm phát đã tăng từ 75.100 USD vào năm 2017 lên 79.560 USD vào năm 2020 (sau khi đạt đỉnh ở mức 81.210 USD vào năm 2019). Lạm phát đã giảm bớt kể từ đó, dao động ở mức dưới 3% vào tháng 7.
Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy người Mỹ vẫn có cuộc sống tốt về mặt tài chính dưới thời ông Trump, mặc dù năm cuối cùng ông tại nhiệm trùng với thời điểm nền kinh tế bị tàn phá bởi COVID-19.
Một cuộc thăm dò của CBS News vào tháng 3 cho thấy 65% số người được hỏi đánh giá tốt về nền kinh tế dưới thời ông Trump, gần gấp đôi số người có cùng cảm nhận về nền kinh tế dưới thời ông Biden vào thời điểm đó.
Bà Harris và thách thức về lạm phát
Với tư cách là Phó Tổng thống, bà Harris phải nhấn mạnh những khía cạnh tích cực trong di sản kinh tế của ông Biden, bao gồm tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và tỷ lệ thất nghiệp thấp, trong khi không có lỗi về tình trạng lạm phát cao.
Điều đáng lo ngại đối với bà Harris là cuộc thăm dò của CBS News được thực hiện vào tháng trước cho thấy 48% số người được hỏi tin rằng giá cả sẽ tăng nếu bà được bầu, so với 37% trả lời tương tự về Trump.
Nhiệm vụ khẳng định bản thân của bà Harris đặc biệt cấp bách khi các cuộc thăm dò cho thấy hơn 25% cử tri cảm thấy họ không biết đủ về bà. Trong cuộc tranh luận vừa diễn ra, ông Trump đã chỉ trích bà Harris về chi phí sinh hoạt, mô tả lạm phát là “thảm họa” đối với người Mỹ ở mọi tầng lớp.
“Mọi người không thể ra ngoài và mua ngũ cốc, thịt xông khói, trứng hay bất cứ thứ gì khác”, ông nói. “Người dân đất nước chúng ta đang chết dần chết mòn vì những gì họ đã làm”.
Về phần mình, bà Harris coi kế hoạch cắt giảm thuế của ông Trump là một món quà dành cho các tỷ phú và tập đoàn, giúp “những người giàu nhất” giảm thuế, đồng thời ví đề xuất áp thuế nhập khẩu rộng rãi của ông như “thuế bán hàng” đối với tầng lớp trung lưu.
Phó Tổng thống cũng nhấn mạnh các đề xuất mà bà đưa ra sẽ tạo ra một “nền kinh tế cơ hội”, bao gồm khoản khấu trừ thuế 50.000 USD cho các doanh nghiệp nhỏ mới thành lập và khoản tín dụng thuế dành cho trẻ em là 6.000 USD.
Hoài Phương (theo Al Jazeera)
Nguồn:https://www.congluan.vn/van-de-thu-nhap-co-the-xoay-chuyen-cuc-dien-cuoc-bau-cu-tong-thong-my-post311782.html