Hai thành viên khác cùng tham gia sứ mệnh đặc biệt này nhưng không đi bộ ra ngoài không gian là cựu phi công không quân Mỹ Scott Poteet (51 tuổi) và bà Anna Menon (39 tuổi, giám đốc điều hành không gian của SpaceX).
Tăng trưởng nhanh
Trên mạng xã hội X, SpaceX thông báo chuyến đi bộ ngoài không gian đầu tiên từ tàu Crew Dragon bắt đầu vào lúc 10h12 GMT ngày 12-9 (tức 17h12 theo giờ Hà Nội). Trước đó, tàu vũ trụ Crew Dragon cải tiến được phóng lên vũ trụ bằng tên lửa đẩy Falcon 9 và đưa bốn phi hành gia tư nhân bay vào vũ trụ vào sáng sớm 10-9, khởi động sứ mệnh Polaris Dawn kéo dài năm ngày.
Theo báo Washington Post, sứ mệnh Polaris Dawn là cột mốc lớn của ngành công nghiệp vũ trụ thương mại tư nhân đang trên đà phát triển, giúp nền kinh tế vũ trụ dần thoát ly khỏi sự độc quyền của chính phủ.
Báo The Sunday Times của Anh dẫn thống kê hồi năm 2023 của tổ chức phi lợi nhuận về các hoạt động vũ trụ hàng không Space Foundation (Mỹ) cho thấy nền công nghiệp vũ trụ toàn cầu tăng trưởng 8% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 546 tỉ USD. Trong vòng 5 năm tới, ngành công nghiệp vũ trụ dự kiến đạt doanh thu gần 800 tỉ USD.
Đáng chú ý, lĩnh vực thương mại chiếm đến 78% tổng doanh thu của toàn ngành kinh tế vũ trụ toàn cầu. Giới quan sát nhận định toàn bộ ngành công nghiệp vũ trụ thương mại được dự đoán sẽ có những đóng góp lớn cho toàn bộ nền công nghiệp vũ trụ nói chung.
Theo trang tin News Space Economy, ngành công nghiệp vũ trụ thương mại đang trải qua sự tăng trưởng và chuyển đổi với số lượng các vụ phóng ngày càng tăng, công nghệ mới xuất hiện ngày càng nhiều, các thị trường mới nổi đang phát triển giúp dần định hình tương lai của ngành.
Theo dữ liệu của Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA), khoảng 676 vụ phóng được cấp phép kể từ năm 1989 đến nay. Đáng chú ý, một nửa trong số hơn 670 vụ phóng diễn ra trong vòng 5 năm qua, tức từ năm 2019 – 2023. Riêng năm 2023 đã lập kỷ lục mới với 113 hoạt động hàng không, chiếm 17% tổng số hoạt động của ngành kể từ năm 1989.
Thành công của ngày hôm nay đại diện cho bước tiến vượt bậc của ngành công nghiệp vũ trụ thương mại.
Giám đốc NASA BILL NELSON chúc mừng phi hành đoàn của sứ mệnh Polaris Dawn và SpaceX vào hôm 12-9.
Chia sẻ của người trong cuộc
Theo báo Washington Post, việc đi bộ ngoài không gian là một trong những hoạt động nguy hiểm nhất trong số những hoạt động thám hiểm không gian mà các phi hành gia thực hiện. Năm 1965, phi hành gia người Mỹ Ed White của NASA là người Mỹ đầu tiên thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian.
Ngoài ra, trong chuyến đi bộ ngoài không gian đầu tiên của các phi hành gia tư nhân, phần khoang tàu của phi thuyền trong sứ mệnh Polaris Dawn đã bay cao hơn bất kỳ sứ mệnh du hành vũ trụ mang theo con người kể từ sứ mệnh Apollo lên Mặt trăng vào năm 1972.
“Đây chỉ mới là sự khởi đầu” – tỉ phú công nghệ Isaacman nói khi nhìn ra khoảng không gian vô tận và đen kịt, bên cạnh màu xanh biếc của Trái đất ở độ cao hơn 740km so với mặt đất vào hôm 12-9.
Trước đó, người đứng đầu chương trình xử lý thanh toán Shift4 Payments đã “chắp cánh” cho chuyến bay Inspiration4 đưa một phi hành đoàn gồm các phi hành gia tư nhân khác lên quỹ đạo Trái đất trong vòng ba ngày vào năm 2021.
Sau sứ mệnh Polaris Dawn, ông Isaacman đang lên kế hoạch cho hai chuyến bay vào vũ trụ khác. Theo tiết lộ của ông, nhiệm vụ thứ ba trong chương trình thám hiểm vũ trụ Polaris Dawn sẽ là chuyến bay có người lái đầu tiên của Starship – tên lửa và tàu vũ trụ khổng lồ thế hệ tiếp theo của SpaceX.
“Chúng tôi sẽ đi xa hơn, nhanh hơn và thăm vũ trụ trong khoảng thời gian dài hơn trong tương lai. Chúng tôi cần nghiên cứu càng nhiều càng tốt để chuẩn bị cho các phi hành gia của chúng tôi trong tương lai” – cựu phi công không quân Mỹ Poteet, cũng là một trong bốn người đi bộ ngoài không gian vào hôm 12-9, trả lời báo Washington Post.
Tăng cường hợp tác công tư
Đối với Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), cũng như các cơ quan hàng không vũ trụ thuộc chính phủ quản lý khác, mối quan hệ đối tác giữa chính phủ và lĩnh vực tư nhân là điều rất quan trọng để thúc đẩy ngành công nghiệp vũ trụ thương mại phát triển.
Ngoài các sứ mệnh khám phá của các đoàn chuyên nghiệp, NASA cũng đang phối hợp với các đối tác thương mại khác để sản xuất và đưa các thiết bị khoa học, những công nghệ thám hiểm bằng robot lên Mặt trăng. NASA đang đầu tư khoảng 4 tỉ USD vào việc phát triển phương tiện thám hiểm vũ trụ có người lái này và dự định sẽ đưa các phi hành gia lên Mặt trăng trong tương lai gần.
Trong khi đó, công ty Virgin Galactic và Blue Origin đang mở các chuyến du ngoạn ở quỹ đạo Trái đất cho những du khách đam mê thiên văn và khoa học vũ trụ, cho phép du khách lơ lửng trong môi trường không trọng lượng trong vòng vài phút, ngắm nhìn hành tinh của họ từ độ cao gần 100km so với mặt đất.
Nguồn: https://tuoitre.vn/ky-nguyen-moi-cua-kinh-te-vu-tru-20240914083442343.htm