VOV.VN – Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ “mỗi người làm việc bằng hai”, khắc phục hậu quả bão số 3, mưa lũ, sạt lở, ngập lụt nhằm khẩn trương ổn định đời sống và sản xuất.
Sáng nay (14/9), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9/2024, nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, khắc phục hạn chế, tháo gỡ vướng mắc, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển.
Dự Phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Nguyễn Hòa Bình, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Bùi Thanh Sơn, Hồ Đức Phớc; các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan.
Trước khi vào phiên họp, trước tình trạng mưa bão, sạt lở, ngập lụt gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản, Chính phủ dành một phút mặc niệm các nạn nhân bị thiệt mạng do bão lũ gây ra.
Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, bão số 3 (Yagi) với cường độ đặc biệt lớn đổ bộ trực tiếp vào nước ta và hoàn lưu sau bão gây mưa lớn kéo dài trên diện rộng, gây lũ lụt tại nhiều địa phương khu vực phía bắc gây những thiệt hại rất lớn cả về tính mạng và tài sản; ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân.
Trong những ngày qua, cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, nhất là các lực lượng vũ trang tại các tỉnh, thành đã dồn sức, chung tay hỗ trợ người dân ở khu vực bị ảnh hưởng. Trong cơn hoạn nạn, tinh thần đoàn kết, “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, tình yêu thương đồng bào, bản lĩnh sức mạnh của dân tộc đã góp phần giảm thiểu thiệt hại của cơn bão.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thấu hiểu và chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân, nhất là những người có thân nhân mất, hy sinh trong bão lũ; ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước, trong đó có rất nhiều nghĩa cử cao đẹp thể hiện sâu sắc “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”.
“Tôi đề nghị các thành viên Chính phủ “mỗi người làm việc bằng hai”, tiếp tục thực hiện tốt các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và 8 Công điện của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3, mưa lũ, sạt lở, ngập lụt nhằm khẩn trương ổn định đời sống và sản xuất, nhất là tạo công ăn, việc làm, tạo sinh kế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển – xã hội đã đề ra”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu ngay trong Phiên họp xây dựng pháp luật này, các thành viên Chính phủ thể hiện tinh thần, trách nhiệm, trí tuệ, thảo luận đóng góp ý kiến để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, khắc phục hạn chế, tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho phát triển.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ, xây dựng, hoàn thiện thể chế là đột phá của đột phá; là động lực, nguồn lực cho phát triển. Trong đó, việc kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nút thắt về thể chế, khơi dậy mọi tiềm năng và khơi thông mọi nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội, là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
Việc sửa đổi, bổ sung một số luật trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư và tài chính nhằm xử lý ngay các bất cập, vướng mắc pháp lý phát sinh trong thực tiễn, cản trở sự phát triển, qua đó khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng.
Việc sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật giúp thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm trong xây dựng pháp luật, đơn giản hóa cách làm, tăng cường phân cấp, phân quyền, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật. Việc sửa đổi Luật Báo chí nhằm xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.
Tại phiên họp các thành viên Chính phủ đã cùng thảo luận xem xét, cho ý kiến, thông qua đối với 5 đề nghị, dự án Luật, gồm: Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia; đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) và đề nghị xây dựng Luật Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Đặc biệt về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) các thành viên Chính phủ đa số đồng tình việc sửa đổi luật này là cần thiết để tạo điều kiện khơi thông nguồn lực cho phát triển đất nước.
Kết luận về nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao cách làm Bộ Kế hoạch Đầu tư đã tích cực chủ trì phối hợp với các bộ ngành để tiếp thu, sửa đổi luật này, nhất là trong việc ngoài lấy ý kiến của các bộ ngành còn lấy ý kiến của các địa phương và được đồng thuận rất cao. Thủ tướng đề nghị, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn, cố gắng rồi thì cố gắng cao hơn để hoàn thành luật đúng tiến độ, chất lượng.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc sửa đổi bổ sung hoàn thiện Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) là do yêu cầu thực tiễn và đáp ứng sự phát triển đất nước, nhất là trong thu hút nguồn lực. Tinh thần là những vấn đề đặt ra cấp bách của đất nước cần xử lý ngay, phải làm, phải đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết; cái gì tốt nhất, có lợi nhất cho đất nước thì phải làm, những gì tốt thì kế thừa, cái gì không tốt thì mạnh dạn thay đổi cho phù hợp với tình hình; cái gì đã chín, đã rõ, thực tiễn chứng minh là đúng thì luật hóa ra; những gì chưa rõ, thực tiễn còn biến động, còn băn khoăn thì giao cho Chính phủ quy định nghị định, thí điểm, mở rộng dần.
Thủ tướng chỉ rõ, việc liên quan đến đầu tư công cần thực hiện theo nguyên tắc, một việc chỉ giao cho một người, ai làm tốt nhất thì giao, ngoài ra cũng cần có sự phối hợp. Đặc biệt khi làm luật phải phân cấp phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường thiết kế công cụ giám sát kiểm tra nhất là kiểm soát đầu ra, tiền kiểm hơn hậu kiểm.
Bên cạnh đó, cắt giảm thủ tục hành chính, cương quyết cắt bỏ cơ chế xin cho và phải xóa bỏ môi trường tiêu cực, tham nhũng; tăng cường khen thưởng kỷ luật nghiêm minh.
Cùng với đó phải huy động năng lực quản lý, nguồn lực của mọi thành phần kinh tế trong xã hội, kích hoạt mọi đầu tư khác, nhất là về ODA phải tập trung không dàn trải, giảm bớt thủ tục hành chính nguyên tắc là vướng ở đâu sửa ở đó, những vấn đề cấp bách phải ứng xử cấp bách, những tình huống không bình thường thì phải ứng xử không bình thường
Về đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi), các thành viên Chính phủ yêu cầu, cần bám sát và thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về quản lý và phát triển hoạt động báo chí; sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành nhằm khắc phục vướng mắc, bất cập, bảo đảm phù hợp thực tiễn; thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực báo chí phù hợp với tình hình thực tiễn và xu hướng chuyển đổi số báo chí; hoàn thiện các cơ quan báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, giữ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội; giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng.
Thảo luận về vấn đề này, ông Đỗ Tiến Sỹ – Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam bày tỏ nhất trí cho rằng nên có quy định cơ quan báo chí chủ lực. Tức cơ quan báo chí hội tụ đủ các yếu tố đủ năng lực và đủ sức dẫn dắt dư luận, đủ năng lực bản lĩnh để đấu tranh phản bác thông tin xấu độc; đủ độ lớn về mặt công chúng; tiếp cận với phương pháp, cách thức của truyền thông thế giới; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và trong thực tế, cơ quan báo chí chủ lực làm những việc khó, việc mà các cơ quan báo chí khác ít làm hoặc không làm.
“Luật cần tạo khung khổ, cơ chế thuận lợi để tháo gỡ những khó khăn, mở ra cơ hội mới cho báo chí nói chung và báo chí chủ lực phát triển; không phải chỉ là đặt hàng mà khi giao nhiệm vụ chính trị thì giao tiền, hay nói cách khác là giao cơ sở vật chất và giao con người và giao nhiệm vụ chính trị trên cơ sở quy định của pháp luật” – ông Đỗ Tiến Sỹ nói.
Góp ý vào quy định liên quan từng cơ quan báo có văn phòng ở các địa phương được bao nhiêu người, như thế nào, ông Đỗ Tiến Sĩ cho rằng nên để cơ quan báo chí linh hoạt và tùy từng nhiệm vụ chính trị, từng khu vực để sắp xếp cho phù hợp.
Tổng Giám đốc VOV cũng cho biết, có những quy định của Đảng cần được cụ thể hóa trong luật này, đã có góp ý nhưng tổng hợp chưa hết. Ông nêu ví quy định số 101 ngày 28/2/2023 của Ban Bí thư về trách nhiệm, quyền hạn về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí và một số quy định của Đảng liên quan thì cần luật hóa trong luật này.
Kết luận về luận này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Bộ Thông tin và Truyền thông đã tích cực nghiên cứu, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đánh giá thực tiễn, xây dựng các chính sách mới để xây dựng Đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi).
Về thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí, Thủ tướng cơ bản thống nhất với các mục tiêu của chính sách này nhưng cần cân nhắc thận trọng việc thành lập các tập đoàn báo chí vì đây là vấn đề mới, quan trọng, liên quan đến định hướng, quy hoạch các cơ quan báo chí của Đảng.
Bộ TT – TT tiếp tục nghiên cứu, đánh giá việc thực hiện Đề án về quy hoạch báo chí đã được Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo về mô hình cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện đối với 6 cơ quan báo chí và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đề xuất mô hình phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam; bảo đảm cơ chế, chính sách đồng bộ, thống nhất, ổn định của các tổ chức này.
Đặc biệt cần làm rõ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn để quy định điều kiện thành lập tập đoàn báo chí; cân nhắc về tên gọi “tập đoàn báo chí” để tránh cách hiểu tập đoàn theo quy định của Luật Doanh nghiệp và phù hợp với các chỉ đạo của Đảng về nội dung này.
Ngoài ra, đề nghị rà soát, tổng hợp các bất cập về cơ chế, chính sách đối với Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam để sửa đổi, bổ sung cho đồng bộ, phù hợp.
VOV.vn