“Cuộc họp nhằm thúc đẩy nỗ lực chấm dứt xung đột ở Gaza, tìm lối thoát khỏi vòng xoáy bạo lực bất tận giữa Palestine và Israel… Việc thực hiện giải pháp hai nhà nước là con đường rõ ràng duy nhất”, Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha Jose Manuel Albares phát biểu với các phóng viên.
Tham dự cuộc họp có những người đồng cấp từ Na Uy và Slovenia, người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell, Thủ tướng Palestine Mohammad Mustafa và các thành viên của Nhóm liên lạc Ả Rập – Hồi giáo tại Gaza bao gồm Ai Cập, Ả Rập Xê Út, Qatar, Jordan, Indonesia, Nigeria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Albares cho biết những người tham gia phiên họp có “thiện chí rõ ràng để chuyển từ lời nói sang hành động và tiến tới một lịch trình rõ ràng để thực hiện hiệu quả giải pháp hai nhà nước”, bắt đầu bằng việc Palestine gia nhập Liên hợp quốc.
Ông Albares cho biết Israel không được mời vì nước này không phải thành viên của Nhóm liên lạc, nói thêm rằng “chúng tôi rất vui mừng nếu thấy Israel có mặt tại bất kỳ bàn đàm phán nào thảo luận về hòa bình và giải pháp hai nhà nước”.
Vào ngày 28/5, Tây Ban Nha, Na Uy và CH Ireland đã chính thức công nhận một nhà nước Palestine thống nhất do Chính quyền Palestine quản lý bao gồm Dải Gaza và Bờ Tây, với Đông Jerusalem là thủ đô.
Hiện tổng cộng đã có 146 trong số 193 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc hiện công nhận nhà Nước Palestine. Trong số các nước, phần lớn các quốc gia phương Tây đều chưa công nhận Nhà nước Palestine, như Mỹ, Canada, Vương quốc Anh, Úc và hầu hết các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã nhiều lần mô tả việc hai quốc gia có chủ quyền cùng tồn tại là con đường khả thi duy nhất dẫn đến hòa bình trong khu vực.
Giải pháp hai nhà nước như vậy đã được nêu trong Hội nghị Madrid năm 1991 và Hiệp định Oslo năm 1993 – 1995, nhưng tiến trình hòa bình đã đình trệ trong nhiều năm.
Hiện việc tìm kiếm giải pháp hòa bình đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết do cuộc chiến kéo dài 11 tháng ở Dải Gaza giữa Israel và nhóm chiến binh Hamas của Palestine, cũng như tình trạng bạo lực leo thang ở Bờ Tây bị chiếm đóng.
Bờ Tây, bao gồm cả Đông Jerusalem, đã bị Israel chiếm giữ trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967 và đã bị chiếm đóng kể từ đó, với việc mở rộng các khu định cư Do Thái làm phức tạp thêm vấn đề. Israel đã sáp nhập Đông Jerusalem vào năm 1980 trong một động thái không được quốc tế công nhận.
Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy Espen Barth Eide cho biết cuộc họp cũng cần thảo luận về việc giải giáp Hamas và bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một số quốc gia khác, đặc biệt là Ả Rập Xê Út.
Ngọc Ánh (theo Reuters)
Nguồn: https://www.congluan.vn/cac-nuoc-chau-au-va-hoi-giao-hop-ban-ve-lich-trinh-thanh-lap-nha-nuoc-palestine-post312357.html