BT- Năm 1999, nhạc sĩ Văn Chừng – một cựu binh Trung đoàn 812 dẫn đầu đoàn nhạc sĩ về thâm nhập thực tế và sáng tác ca khúc cho Bình Thuận. Đây là đoàn nhạc sĩ hùng hậu bao gồm những tên tuổi tài năng vào hàng “cây đa cây đề” của làng âm nhạc Việt Nam hiện đại như: Hoàng Vân, Văn Ký, Huy Thục, Thuận Yến, Ánh Dương và một số nhạc sĩ khác. Theo thông lệ, Sở VHTT là đơn vị được giao nhiệm vụ đón tiếp, bố trí nơi ăn nghỉ. Và một nội dung quan trọng bậc nhất là tạo nguồn cảm xúc, gợi mở sự sáng tạo bằng cách đưa các nhạc sĩ đi thâm nhập thực tế ở một số công trình trọng điểm và những địa chỉ văn hóa tiêu biểu của Bình Thuận. Tất nhiên, trước đó đoàn sẽ được nghe lãnh đạo báo cáo khái quát tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà, hướng phát triển chủ yếu trong tương lai để có một cái nhìn tổng thể về Bình Thuận.
Nhạc sĩ Thuận Yến (bên phải) và tác giả bài viết (Ảnh chụp tại Bình Thuận năm 1999). |
Yêu cầu cơ bản của sáng tạo là tác phẩm phải mang dấu ấn riêng biệt của từng
nghệ sĩ, âm nhạc cũng không ngoại lệ. Do đó, mỗi nhạc sĩ sẽ tự chọn đề tài mà
mình tâm đắc nhất trong thời gian lưu lại Bình Thuận. Tôi nhớ, các nhạc sĩ Hoàng
Vân, Huy Thục, Văn Ký viết về thầy giáo Nguyễn Tất Thành với mái trường Dục
Thanh; nhạc sĩ Ánh Dương viết về chiến khu Lê, với rừng Ô rô – một thời huyền
thoại; anh Thuận Yến viết về Bình Thuận hôm nay đi lên từ truyền thống hào hùng
năm xưa (phỏng thơ của Đỗ Kim Ngư); nhạc sĩ Văn Chừng viết về Mũi Né-Hòn Rơm –
một điểm đến quen thuộc của du lịch Bình Thuận; một số tác giả khác viết về
thành phố Phan Thiết vươn mình trước biển Đông, công trình hồ chứa nước Sông
Quao – Hàm Thuận Bắc…
Về sau, toàn bộ sáng tác của đoàn nhạc sĩ được UBND tỉnh phối hợp với
nhà xuất bản Âm nhạc Việt Nam in
ấn thành tập sách nhạc (kèm theo băng cassette) với tên gọi “Hát về Bình Thuận”
để phổ biến rộng rãi trong phong trào văn nghệ quần chúng của tỉnh. Quá trình
tiếp xúc với các nhạc sĩ lớp đàn anh trong đoàn, tôi đặc biệt gắn bó và quý mến
nhạc sĩ Thuận Yến vì mấy lý do sau đây:
– Anh là dân gốc Quảng Nam (xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên) – một vùng quê nổi
tiếng với nghề ươm tơ, dệt lụa, còn ông tổ tộc họ Đỗ của tôi cũng xuất phát từ
Quảng Nam, mang theo nghề trồng dâu nuôi tằm vào tận vùng đất mới để sinh cơ lập
nghiệp nên đã khai sinh ra cái tên “xóm Lụa”.
– Anh là tác giả của hàng chục ca khúc nổi tiếng mà tôi hằng yêu thích, trong đó
giai điệu chủ đạo đều được phát triển trên nền dân ca Việt, nhất là dân ca khu
vực miền Trung – nơi chôn nhau cắt rốn của anh.
– Là nhạc sĩ có tên tuổi nhưng anh vô cùng gần gũi, giản dị, dễ hòa đồng với các
nhạc sĩ trẻ của địa phương. Đây cũng là tác phong mà tôi bắt gặp ở hầu hết các
nhạc sĩ có mặt trong đoàn.
Tôi nhớ, khi xe đưa Đoàn đến viếng Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bình Thuận,
trên đường về, anh đề nghị dừng xe để vào thăm chợ Phan Thiết. Một lát sau, anh
trở ra với 10 trái bắp (ngô) luộc còn bốc khói và phân phối cho các thành viên
trong đoàn. Anh vừa ăn vừa tấm tắc: “bắp
ngon quá, nếu chợ gần chỗ ở, mình sẽ mua thêm 10 trái nữa”. Cả đoàn bật cười ồ,
làm cho không khí trong xe vừa náo nức vừa rộn ràng, gợi nhớ về một không gian
ấm cúng, thanh bình, thấm đẫm hương đồng, cỏ nội Việt Nam.
Kết thúc đợt thâm nhập thực tế, UBND tỉnh đã tổ chức buổi gặp mặt thân mật với
đoàn, đồng chí Đinh Trung – Bí thư Tỉnh ủy đích thân đến dự, nghe báo cáo tác
phẩm và trao quà cho các thành viên trong đoàn. Hầu hết các tác giả đều đã có
tác phẩm (một số còn ở dạng phác thảo), nhạc sĩ Thuận Yến là một trong những tác
giả có tác phẩm hoàn chỉnh trong buổi báo cáo. Ca sĩ Đinh Trung Kiên (Đoàn CMN
Biển Xanh) là người giúp anh thể hiện khá tốt tác phẩm này. Trước đó, đoàn còn
có buổi tiếp xúc thân mật tại Đài PT-TH Bình Thuận cùng với các nhạc sĩ địa
phương, qua đó trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trên lĩnh vực sáng
tác ca khúc; đồng thời các nhạc sĩ cũng bộc lộ tình cảm với Bình Thuận thông qua
đợt thâm nhập thực tế, dù chỉ là ngắn hạn. Đài PT-TH Bình Thuận đã thu và phát
lại gần như trọn vẹn chương trình giao lưu này, không hề cắt xén nội dung.
Nhạc sĩ Văn Chừng – đại diện đoàn nhạc sĩ cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, chu đáo
của tỉnh, nhất là Sở VHTT, Đài PT-TH Bình Thuận. Tất cả những tình cảm đó đã góp
phần làm nên chất xúc tác, giúp cho các nhạc sĩ sớm hoàn thành tác phẩm viết về
Bình Thuận.
Quan tâm đến lực lượng sáng tác nhạc ở Bình Thuận, nhạc sĩ Thuận Yến đã mang về
hàng chục ca khúc của anh Đức An, anh Việt Trải và tôi (ĐQV). Sau khi thẩm
định, anh đã chuyển cho Ban Văn nghệ – Đài Tiếng nói Việt Nam (nơi trước đây,
anh từng công tác, khi anh nghỉ hưu thì chuyển giao cho nhạc sĩ Cát Vận phụ
trách) thu, phát 4 ca khúc đạt chất lượng, đó là: Nơi Bác dừng chân; Gió chiều
qua phố biển (của anh Đức An) và Thôi đừng thổi nữa, gió ơi; Mũi Né – giai điệu
xanh (của Đỗ Quang Vinh).
Anh còn gửi cho tôi một lá thư góp ý, nhận xét về các ca khúc và chỉ ra những
điều cần đặc biệt lưu ý khi sáng tác. Bức thư có đoạn viết: “…Với Vinh cần
rút kinh nghiệm – chú ý tới màu sắc âm nhạc, ngôn ngữ âm nhạc, xúc cảm âm nhạc.
cái riêng của mình không để lặp
lại ai cả. Ngôn ngữ của riêng mình có nghĩa là có cả tính cách, hát lên là biết
ngay tác giả nào. Xúc cảm là yếu tố quan trọng, nếu là vui thì thật vui, là buồn
thì thật buồn, là thương nhớ thật nồng nàn khát cháy. Việc này không ai dạy mình
được mà từ trái tim chân thành mà nên…”. Cùng với thư của anh, tôi còn
nhận được thư thăm hỏi, động viên của các nhạc sĩ Huy Thục, Văn Chừng.
Sau những “lùm xùm” về những điều bất hợp lý trong quy chế xét tặng giải thưởng
Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT, cuối cùng ngày 19/4/2017 anh đã được
Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về âm nhạc. Đây là sự ghi nhận
tuy có hơi muộn nhưng hoàn toàn xứng đáng với tài năng và bề dày cống hiến xuất
sắc của nhạc sĩ – chiến sĩ Thuận Yến.
ĐỖ QUANG VINH
(*)
Nhạc sĩ Thuận Yến tên thật là Đoàn Hữu Công, sinh ngày 15/8/1932 tại Duy Xuyên,
Quảng Nam, mất ngày 24/5/2014 tại Hà Nội, hưởng thọ 82 tuổi.