Doanh nghiệp, người dân mong mỏi được hỗ trợ
Chị Vy Thanh Quý – chủ xưởng gỗ Tuấn Thư (xã Lệ Viễn, Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) bần thần nhìn cơ nghiệp cả đời gây dựng của mình bị đổ nát. Nỗi đau vì xót của làm chị quên đi nỗi đau về thể xác khi mà trước đó chị đã bị đứt một ngón tay do tường đè khi bão số 3 đổ bộ.
Năm 2012, chị cùng con trai đã dồn toàn bộ tiền tiết kiệm và bán cả căn nhà ở thị trấn để vào Sơn Động (Bắc Giang) mở xưởng. Chị đã vay mượn thêm người thân và ngân hàng tổng số tiền 10 tỉ đồng để đầu tư vào xưởng gỗ và rừng keo. Tuy nhiên, cơn bão số 3 đã làm tốc mái toàn bộ xưởng gỗ, gây hư hỏng nghiêm trọng máy móc sản xuất và hàng hóa.
“Không chỉ riêng nhà xưởng mà rừng keo của tôi cũng bị dập gãy tơi tả, keo mới chỉ trồng được 2 năm chưa đến vụ thu hoạch nên cũng xác định chỉ bán rẻ được bằng 1/5 giá thị trường. Đến thời điểm hiện tại không tính tiền vay người thân, chỉ tính số vốn vay các ngân hàng tôi còn nợ hơn 500 triệu đồng. Với tình hình hiện tại, gia đình tôi không biết vay vốn ở đâu để tái đầu tư và khôi phục sản xuất” – chị Quý cho biết.
Chị Quý mong mỏi được hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp, hoặc được hỗ trợ trực tiếp để có thể tái đầu tư, khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo sinh kế cho bản thân và gia đình.
Tại Hải Phòng, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề như PHA Việt Nam, LS Metal, Pegatron Việt Nam, IDP Đình Vũ, Suhil Việt Nam.
Nhà xưởng của Công ty Environ Star và Vật liệu xây dựng Jinka (khu công nghiệp Đồ Sơn) bị ngập, hỏng máy móc thiết bị; Công ty Wayne (nhà xưởng 6.000m2 tốc mái, khung nhôm thép gãy đổ, hỏng hóc máy móc thiết bị và hàng hóa thành phẩm); Công ty Daito Rubber (nhà xưởng bị ngập nước, tốc mái, hỏng máy móc thiết bị); Công ty Vina Bingo (3 nhà xưởng đều bị tốc mái, hàng hóa hỏng hóc)…
Tại Quảng Ninh, bão số 3 cũng làm hư hỏng mái nhà xưởng của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp ngành than, thủy, hải sản.
Chia sẻ với PV Lao Động, bà Nguyễn Thị Hải Bình – CEO STP Group cho hay, doanh nghiệp của bà bị thiệt hại không nhỏ sau bão lũ, bà rất đồng cảm với những người nuôi biển và muốn hỗ trợ người nuôi biển ổn định sản xuất, sớm vực dậy sau thiệt hại.
Theo bà Bình, hiện ngân hàng chưa có cơ chế hỗ trợ đầu tư cho DN hay bà con nuôi trồng trên biển nên nhiều bà con “cắm nhà” để vay tiền nuôi biển. DN rất mong được giảm lãi suất, ân hạn gốc lãi trong việc kinh doanh.
Ngân hàng sẵn sàng đồng hành cùng người dân
Theo báo cáo nhanh của các ngân hàng về tình hình các khách hàng bị ảnh hưởng sau bão số 3, có tổng số 890 khách hàng với tổng dư nợ là 15.686 tỉ đồng bị ảnh hưởng sau bão, tập trung vào các ngành nghề như lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản, lĩnh vực sản xuất kinh doanh và thương mại, lĩnh vực cầu cảng, tàu bè đánh bắt thủy hải sản…
Chia sẻ với những khó khăn của người dân, doanh nghiệp, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã yêu cầu các ngân hàng nhanh chóng rà soát từng trường hợp khách hàng, làm rõ mức độ thiệt hại, nắm được những nguyện vọng, đề xuất của khách hàng. Các chi nhánh cân nhắc xem xét hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng, mạnh dạn cho vay để doanh nghiệp tái sản xuất, kinh doanh, phục hồi…
“Sau bão là trách nhiệm của ngành ngân hàng chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp; cần hỗ trợ trong vấn đề vay vốn để người dân có cơ hội sớm ổn định làm ăn, sản xuất” – Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng xem xét miễn giảm lãi vay, cơ cấu nợ, hỗ trợ khách hàng vay mới bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Người dân, doanh nghiệp tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão (Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái…) sẽ được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay và tiếp tục cho vay mới để vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết, VPBank đã triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân hiện hữu chịu ảnh hưởng do bão Yagi. VPBank sẽ giảm trực tiếp lãi suất cho vay cho tất cả các khách hàng cá nhân có khoản vay hiện hữu tại ngân hàng và có tài sản bảo đảm, mức giảm từ 0,5 – 1% lãi suất.
Đại diện Agribank cho biết, Agribank đã chỉ đạo Công ty Bảo hiểm ABIC khẩn trương tiến hành các thủ tục hỗ trợ, đền bù đối với các khách hàng, đảm bảo kịp thời.
Bên cạnh đó, Agribank cũng đã thành lập các đoàn công tác đi thực địa, đánh giá tổng thể mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn, dự kiến dư nợ bị ảnh hưởng, khả năng trả nợ cơ cấu nợ, giảm lãi suất các khoản vay cũ, cho vay mới… nhằm hỗ trợ khách hàng khôi phục, ổn định hoạt động kinh doanh.
Chi trả bồi thường hơn 7.000 tỉ đồng thiệt hại do bão lũ
Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến 14h ngày 13.9, đã tiếp nhận thông tin khoảng hơn 9.000 vụ thiệt hại về tài sản và xe cơ giới; ghi nhận 14 trường hợp tử vong, 18 vụ thuộc nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe. Tổng số tiền chi trả thiệt hại về con người và tài sản ước tính hơn 7.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, đây là những số liệu sơ bộ ban đầu. Theo AIA Việt Nam, đơn vị ghi nhận có 5 khách hàng đã tử vong do Bão số 3 gây ra, trong đó có 4 khách hàng tại Hải Dương và 1 khách hàng tại Quảng Ninh. Tổng quyền lợi bảo hiểm của 5 khách hàng này tại AIA Việt Nam là khoảng 6,5 tỉ đồng.
Tại Bảo hiểm Daiichi, công ty xác định có 6 nạn nhân tử vong trong vụ sạt lở ở Yên Bái. Số tiền ước tính chi trả là 2,7 tỉ đồng. Các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường bám sát địa bàn và khẩn trương có phương án hỗ trợ tốt nhất cho tổ chức và cá nhân tham gia bảo hiểm khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất kinh doanh theo đúng quy định. Bích Hà
Cần có chính sách hỗ trợ kịp thời, thiết thực
Ông Trịnh Văn Cường – Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Draco Việt Nam – cho biết, sau bão số 3 đổ bộ đã để lại hậu quả vô cùng nặng nề cho người dân tỉnh Yên Bái, trong đó có xưởng sản xuất đồ chơi của doanh nghiệp (nhà xưởng tại xã Lâm Giang (Văn Yên, Yên Bái) bị đất vùi lấp tới 40% diện tích do sạt lở.
“Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ kịp thời từ chính quyền và các tổ chức tài chính, ngân hàng để có thể khắc phục thiệt hại và sớm ổn định hoạt động trở lại. Những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề mong mỏi ngân hàng có những chính sách hỗ trợ kịp thời, thiết thực để đồng hành cùng doanh nghiệp sớm ổn định, khôi phục sản xuất” – ông Cường chia sẻ.
Cùng Quỹ XHTT Tấm lòng Vàng chung tay xoa dịu nỗi đau, mất mát sau bão, lũ
Gần 30 năm qua, Quỹ XHTT Tấm lòng Vàng đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm để trở thành một địa chỉ, một nhịp cầu để nối rộng những vòng tay nhân ái, lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội.
Bạn đọc có thể hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của bão lũ qua Quỹ XHTT Tấm lòng Vàng.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Quỹ XHTT Tấm lòng Vàng, số 51 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: 024.39232756. Số tài khoản (STK): 113000000758 tại Vietinbank Chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội. STK: 0021000303088 – tại Vietcombank – Chi nhánh Hà Nội, STK: 12410001122556 – tại BIDV – Chi nhánh Hoàn Kiếm. Hoặc quét mã QR:
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/gian-no-giam-lai-suat-de-ho-tro-nguoi-dan-doanh-nghiep-on-dinh-san-xuat-1393955.ldo