Quảng Ninh: Gặp mặt doanh nghiệp, người dân, tìm giải pháp đưa hoạt động kinh tế – xã hội ổn định
Để kịp thời ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh sau bão số 3, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang tìm giải pháp nhằm đưa hoạt động kinh tế – xã hội trở lại bình thường.
Cơn bão số 3 vừa qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến người và tài sản, ảnh hưởng lớn, tác động mọi mặt đến đời sống xã hội của nhân dân nói chung và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Riêng trên địa bàn TP. Hạ Long, theo thống kê thiệt hại trong lĩnh vực công nghiệp khoảng 638 tỷ đồng; các công trình điện, viễn thông khoảng trên 125 tỷ đồng; lĩnh vực du lịch dịch vụ ước 420 tỷ đồng…
Ngày 12/9, Thành ủy Hạ Long đã tổ chức hội nghị gặp gỡ và làm việc với đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố về mức độ thiệt hại và phương án khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3. Để kịp thời ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh và đồng hành, chia sẻ cùng các doanh nghiệp, TP. Hạ Long đã đưa ra giải pháp tháo gỡ các khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trên địa bàn.
Khu vực Bãi Cháy, TP. Hạ Long bị ảnh hưởng nặng nề do bão số 3 gây ra (ảnh ngày 8/9). Ảnh: Đỗ Phương |
Cụ thể, về chính sách thuế, Chi cục Thuế TP. Hạ Long hiện đang thực hiện rà soát những chính sách thuế để giúp người nộp thuế vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, kịp thời xử lý về tiền chậm nộp; gia hạn nộp thuế; miễn thuế, giảm thuế; chi phí được trừ khi tính thuế TNDN; khấu trừ thuế GTGT đầu vào liên quan đến thiệt hại do gặp thiên tai. Hiện nay, Chi cục Thuế của Tỉnh đang trực tiếp hướng dẫn người nộp thuế bị thiệt hại do bão số 3 gây ra làm hồ sơ quy trình để được hưởng các chính sách thuế.
Trong lĩnh vực ngân hàng, TP. Hạ Long đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Ninh xử lý hoặc tham mưu để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có các biện pháp kịp thời tháo gỡ vốn vay ngân hàng cho các doanh nghiệp và tổ chức bị thiệt hại do bão số 3. Đồng thời, rà soát đánh giá thiệt hại của các doanh nghiệp và người dân để phối hợp với các địa phương xác nhận thiệt hại của khách hàng trong trường hợp xử lý khoanh nợ, xoá nợ; cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét miễn, giảm lãi vay; tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định hiện hành.
Đại diện doanh nghiệp trên địa bàn TP Hạ Long đóng góp ý kiến, đề xuất các phương án hỗ trợ. Ảnh: Báo Quảng Ninh |
Đối với khôi phục sản xuất nông nghiệp, miễn giảm thu quỹ PCTT&TKCN cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh nói chung và lĩnh vực Nông nghiệp nói riêng theo Quyết định số 1904/QĐ-UBND ngày 10/6/2020 và Quyết định số 1905/QĐ-UBND ngày 10/6/2020 của UBND tỉnh Quảng Ninh. Bên cạnh đó, hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp theo nghị định, quy định của Trung ương và địa phương.
Trước đó, ngày 9/9/2024, UBND thành phố Hạ Long đã có văn bản số 7180/UBND-TCKH báo cáo và đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ thiệt hại cây trồng, vật nuôi của các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất; tham mưu điều chỉnh tăng mức hỗ trợ cây trồng, vật nuôi; bổ sung hỗ trợ nhà, kiến trúc phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Các cửa hàng kinh doanh bị tốc mái che, biển quảng cáo khi bão số 3 đi qua. Ảnh: Báo Quảng Ninh |
Tại hội nghị, ông Vũ Quyết Tiến, Bí thư Thành ủy Hạ Long đánh giá cao sự đóng góp của các doanh nghiệp cho sự phát triển của thành phố nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Sau khi nghe đại diện các doanh nghiệp đóng góp ý kiến, đề xuất các phương án hỗ trợ, Bí thư Thành ủy Hạ Long đề nghị các phòng, ban tiếp thu đầy đủ kiến nghị của các doanh nghiệp để báo cáo Tỉnh. Thành phố cũng sẽ tăng cường ngay các lực lượng hỗ trợ tập đoàn SunGroup, Bim, VinGroup… chỉnh trang, dọn dẹp vệ sinh môi trường; tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp sẵn sàng các điều kiện để đón khách du lịch sớm nhất.
Còn tại huyện Vân Đồn, cơn bão số 3 đi qua cũng đã gây thiệt hại nặng nề cho các cơ sở, hộ gia đình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện. Theo thống kê đến thời điểm này, tổng sản lượng thủy sản trên địa bàn huyện đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại khoảng 32.112 tấn, trong đó: Hàu 25.638 tấn, cá 636 tấn, hải sản khác 5.840 tấn. Ngoài ra, còn gây thiệt hại cho 2.000 ha hàu và 3.500 ô lồng nuôi cá mới thả giống. Tổng thiệt hại dự kiến đối với hàu là 1.353 tỷ đồng; cá 533 tỷ đồng; hải sản khác 395 tỷ đồng.
UBND huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị gặp mặt động viên, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các cơ sở, hộ gia đình nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Ảnh: Báo Quảng Ninh |
Trong tối 12/9, UBND huyện Vân Đồn cũng đã gặp mặt, động viên, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các cơ sở, hộ gia đình nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Tại đây, các cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Vân Đồn đã đề xuất lãnh đạo UBND huyện Vân Đồn kiến nghị với cấp có thẩm quyền ra những cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ người dân, để người dân có thêm động lực tái sản xuất trong thời gian sớm nhất. Các ngân hàng cũng khoanh nợ và tạo điều kiện cho người dân vay vốn mới để tái sản xuất ở mức lãi suất thấp nhất; hoãn, giãn, giảm thu thuế đối với diện tích thuê mặt biển của các hợp tác xã.
Đại diện cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản phát biểu kiến nghị tại hội nghị. Ảnh: Báo Quảng Ninh |
Hiện nay trên một số vùng biển xuất hiện tình trạng “hôi của”, không phải tài sản của mình vẫn ra biển thu gom, dẫn đến mất an ninh trật tự, do đó các hộ dân kiến nghị công an triển khai các biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Khu vực nuôi trồng thủy sản tại huyện Vân Đồn bị bão đánh sập. Ảnh: Báo Quảng Ninh |
Đồng cảm, thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn mà các hộ nuôi trồng thủy sản; từ những kiến nghị của người dân, lãnh đạo huyện Vân Đồn đã nghiêm túc tiếp thu và cho rằng đây là những ý kiến tâm huyết, xác đáng, phù hợp với bối cảnh hiện tại. Huyện cam kết sẽ luôn đồng hành với các cơ sở, người dân nuôi trồng thủy sản để tháo gỡ những khó khăn trước mắt; tạo điều kiện tối đa nhất giúp người dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của các ngân hàng.
Phao HDPE trong nuôi trồng thủy sản bị bão số 3 đánh trôi trên biển. Ảnh: Báo Quảng Ninh |
Cũng trong ngày hôm nay (13/9), các điểm tham quan trên Vịnh Hạ Long hoạt động bình thường trở lại, sẵn sàng đón tiếp, phục vụ khách du lịch.
Theo thông tin từ Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, những ngày qua, Ban Quản lý Vịnh đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương khẩn trương tập trung lực lượng khắc phục thiệt hại do cơn bão gây ra. Đến nay, một số điểm tham quan đã đủ điều kiện đón tiếp, phục vụ khách du lịch. Hiện, tại các điểm đủ điều kiện tham quan là tuyến 1 (Điểm tham quan Thiên Cung – Đầu Gỗ); tuyến 2 (Điểm tham quan Sửng Sốt, Hang Luồn, Ti Tốp); tuyến 5 (trừ Ba Hang). Các điểm lưu trú nghỉ đêm như: Hòn 587 – nhà Lát – hang Luồn; điểm trung chuyển xuồng cao tốc Hòn Cát Lán đã đủ điều kiện để đón khách.
Các tàu tham quan trên Vịnh Hạ Long đã sẵn sàng đón tiếp, phục vụ khách du lịch. Ảnh: Quảng Ninh Portal |
Trước đó, khu vực cửa khẩu Bắc Luân I, Bắc Luân II thành phố Móng Cái đã hoạt động trở lại sớm nhất ngay sau khi bão tan, từ ngày 8/9.
Nguồn: https://baodautu.vn/quang-ninh-gap-mat-doanh-nghiep-nguoi-dan-tim-giai-phap-dua-hoat-dong-kinh-te—xa-hoi-on-dinh-d224859.html