Các tổ chức, doanh nghiệp đã áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo, từ việc sử dụng thiết bị bay không người lái đến các ứng dụng di động, nhằm đưa hàng cứu trợ đến những nơi khó tiếp cận và kết nối những người cần giúp đỡ với các nguồn lực sẵn có.
Tiếp tế hàng cứu trợ
Một trong những giải pháp nổi bật là việc sử dụng thiết bị bay không người lái để tiếp tế hàng cứu trợ. Đỗ Quốc Việt, thành viên của Công ty Vietflycam, đã chia sẻ về một trường hợp cứu trợ đặc biệt tại thành phố Tuyên Quang.
Nhóm của anh đã nhận được thông tin về một sản phụ vừa sinh con đang mắc kẹt trong vùng nước xoáy. Do điều kiện nước lũ dâng cao, các tàu cứu hộ đường bộ không thể tiếp cận ngay.
Nhóm Vietflycam đã nhanh chóng triển khai flycam để xác định vị trí chính xác của gia đình gặp nạn.
Sau đó, họ đã sử dụng drone để vận chuyển các vật dụng thiết yếu như bình tích điện, nước uống, sữa và thực phẩm… thả xuống cho gia đình này, giúp họ có thể cầm cự trong khi chờ đợi lực lượng cứu hộ đến nơi.
Kể từ khi nhận được thông tin về tình hình lũ lụt nghiêm trọng, Vietflycam đã huy động toàn bộ nguồn lực của công ty, bao gồm xe cộ, thiết bị bay không người lái và hàng cứu trợ, để hỗ trợ các tỉnh bị ảnh hưởng như Thái Nguyên và Yên Bái.
Công ty sở hữu nhiều loại thiết bị bay không người lái với khả năng đa dạng, từ máy M600 Pro có thể mang tải trọng 7kg, máy T50 mang được 50kg, đến máy M350 chuyên dùng để khảo sát địa hình và máy Mavic được trang bị camera nhiệt để tìm kiếm người.
Sau hơn một ngày hoạt động, nhóm đã thực hiện được hơn 300 chuyến bay mỗi ngày. Họ không chỉ vận chuyển hàng cứu trợ mà còn thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm người gặp nạn, khảo sát các khu vực ngập lụt và có nguy cơ sạt lở, đồng thời xác định vị trí chính xác của những người cần cứu giúp để thông báo cho cơ quan chức năng.
Việc sử dụng thiết bị bay không người lái trong công tác cứu trợ đã chứng minh được hiệu quả vượt trội.
Ban ngày, chúng giúp tìm kiếm người dân nhanh hơn, trong khi ban đêm, chỉ cần người dân có phương tiện gây chú ý như đèn hoặc điện thoại, flycam vẫn có thể tiếp cận và thả đồ cứu trợ ngay cả ở những khu vực bị cô lập hoàn toàn mà các phương tiện cứu hộ truyền thống chưa thể đến được.
Kêu gọi trợ giúp, báo vị trí qua ứng dụng
Song song với việc sử dụng công nghệ bay, các ứng dụng di động cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối người dân với nguồn lực cứu trợ.
Ứng dụng Zalo đã triển khai tính năng Zalo SOS từ ngày 7-9, nhằm hỗ trợ người dân tại các tỉnh bị ảnh hưởng bởi siêu bão Yagi.
Tính năng này cho phép người dùng chia sẻ tình trạng hiện tại của mình hoặc yêu cầu trợ giúp khẩn cấp. Với “Chia sẻ tình trạng”, người dân có thể đăng trạng thái “Tôi an toàn” hoặc “Tôi gặp khó khăn” kèm theo thông tin cụ thể về tình hình của họ.
Ngoài ra, tính năng “Yêu cầu hỗ trợ” cho phép người dùng thực hiện hai thao tác là “Kết nối cứu trợ” và “Liên hệ khẩn cấp” trực tiếp trên Mini App “Phòng chống thiên tai Việt Nam”.
Đây là ứng dụng do văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai phối hợp cùng Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) phát hành trên nền tảng Zalo.
Tính năng “Kết nối cứu trợ” giúp người dân kêu gọi sự trợ giúp trong tình huống khẩn cấp, trong khi “Liên hệ khẩn cấp” cung cấp danh sách các đường dây nóng tại những địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ.
Theo số liệu thống kê của Zalo, tính đến hết ngày 10-9, đã có 72.000 người sử dụng tính năng kết nối cứu trợ và 36.400 người liên hệ khẩn cấp.
Bên cạnh đó, 586.000 người đã cập nhật trạng thái an toàn thông qua tính năng Zalo SOS. Hiện tại, tính năng này đã được mở rộng cho người dân tại 23 tỉnh thành phía Bắc, bao gồm cả Hà Nội và các tỉnh thành lân cận.
Nguồn: https://tuoitre.vn/dung-flycam-drone-cuu-tro-lu-lut-20240913083310363.htm