Tại kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới diễn ra tại Lyon (Pháp) từ ngày 10/9 đến 15/9, một trong những hoạt động bên lề dành cho thí sinh các nước là buổi tìm hiểu, trao đổi văn hóa với một trường tại địa phương thông qua dự án “One school, one country” (OSOC).
Và đoàn thí sinh Việt Nam có dịp giao lưu với trường THCS Boris Vian (quận Saint-Priest, Lyon).
Tại đây, bên cạnh lời chào mừng đoàn thí sinh Việt Nam, bà Belaich, hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Được biết bão Yagi và sau đó là lũ quét đang gây ra nhiều thiệt hại không đo đếm được về cả vật chất lẫn tinh thần, Ban giám hiệu và toàn thể học sinh trường cấp 2 Boris Van xin được gửi lời hỏi thăm và chia sẻ tới người dân Việt Nam và đặc biệt là học sinh tại các vùng bị ảnh hưởng. Xin chúc các bạn học sinh bình an và sức khỏe để vượt lên khó khăn”.
Thay mặt các thí sinh dự thi, ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, phó trưởng đoàn Việt Nam tại kỳ thi nghề thế giới, đã gửi lời cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu, tình cảm chân thành và đặc biệt là sự thăm hỏi, động viên của trường Boris Vian tới người dân nói chung và học sinh Việt Nam nói riêng.
Tại buổi giao lưu, các em học sinh Pháp tỏ ra rất hào hứng khi có cơ hội tìm hiểu về một đất nước cách xa khoảng 10.000km.
Không chỉ là những lời hỏi thăm như “Đoàn Việt Nam đến Pháp lâu chưa?”, “Mọi người ở khách sạn nào tại Pháp?” mà những câu hỏi về Việt Nam được các em đưa ra như “Các anh đến từ thành phố nào của Việt Nam?”, “Đặc sản ở thành phố mình là gì?”, “Bài hát nào đang được học sinh Việt Nam ưa thích hiện nay”…
Ngoài ra, nội dung về các nghề thi của đoàn Việt Nam tại kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới 2024 cũng được các em quan tâm như cách đào tạo nghề tại Việt Nam, nghề thi có gì đặc biệt, lý do lựa chọn nghề của các thí sinh, quá trình luyện tập để có thể thi đấu quốc tế…
Trước những câu hỏi của các em, đại diện đoàn Việt Nam dành thời gian để giới thiệu về địa danh, phong tục, đất nước, con người Việt Nam nói chung và những nghề mà đoàn dự thi tại WSC 2024 cũng như quá trình tập luyện nói riêng.
Sau phần “chất vấn” mà nhiều cánh tay còn giơ cao muốn hỏi tiếp, giáo viên của trường và thí sinh Việt Nam có dịp giới thiệu trò chơi đá cầu quen thuộc.
Những động tác còn nhiều bỡ ngỡ nhưng điều đó không làm giảm sự hưng phấn của các em. Đặc biệt, sau khoảng hơn một giờ tập luyện, những “tuyển thủ nhí” không ngần ngại thi đấu giao lưu với các thí sinh Việt Nam.
Buổi giao lưu kết thúc với sự hào hứng kết nối, tìm hiểu thông tin của các em học sinh với các thí sinh trong đoàn cũng như mong muốn một ngày nào đó sẽ được tới Việt Nam để cảm nhận vẻ đẹp và tình cảm con người nơi đây.
Tại kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới đang diễn ra ngày 10-15/9 tại Lyon (Pháp), vượt qua vấn đề về chênh lệch múi giờ, khác biệt về thiết bị thi ở một số nghề thi, hiện tại các thí sinh Việt Nam và gần 70 nước khác đã bước sang ngày thi thứ hai.
Thay vì môi trường “đóng”, Ban tổ chức quyết định mở cửa để đón học sinh và người dân có thể tới tham quan và quan sát thí sinh làm bài thi.
Điều này đòi hỏi các thí sinh phải thật tập trung và chịu áp lực tốt suốt 18-22 giờ đồng hồ (tùy từng nghề thi) trong 4 ngày liên tiếp.
Lê Trường
(Từ Lyon, Pháp)
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/hoc-sinh-phap-chia-se-kho-khan-voi-ban-hoc-viet-nam-vi-bao-lu-20240912211554994.htm