Sau bão, các cơ sở y tế đang khẩn trương, nỗ lực để điều trị cho những bệnh nhân chịu ảnh hưởng do mưa lũ gây ra.
Thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho hay cơ sở đã tiếp nhận 100 ca cấp cứu, trong đó có 50% là ca nặng, đa phần là các trường hợp chấn thương sọ não, kèm theo chấn thương cột sống cổ, ngực, bụng, tứ chi sau mưa bão.
Bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. |
Theo thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trong 2 ngày 6 và 7/9, tua trực của bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho 14 ca cấp cứu nhập viện do siêu bão tác động, cụ thể trong đó có 1 trường hợp do cây đổ đè xuống người gây chấn thương sọ não; 2 trường hợp chấn thương chi, chấn thương sọ não do tường và kính vỡ đổ vào người cùng gần 10 trường hợp tai nạn ô-tô, xe máy khi đang tham gia giao thông vượt bão về nhà.
Theo TS.Quách Văn Kiên, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trong ngày thứ 7 (7/9), đa phần các trường hợp tới cấp cứu là người ở khu vực Hà Nội. Đến ngày Chủ nhật (8/9), số lượng ca cấp cứu tăng lên gấp 5 lần, đa phần được chuyển lên từ bệnh viện tuyến tỉnh.
Kíp trực đã nỗ lực cấp cứu người bệnh trong cơn bão nhằm bảo vệ tính mạng và sức khỏe của họ trong tình huống khẩn cấp. Việc cấp cứu kịp thời giúp bệnh nhân tránh khỏi nguy cơ tổn thương thêm, duy trì quá trình điều trị liên tục, đồng thời giảm thiểu rủi ro tử vong hoặc các di chứng nặng nề do thiên tai gây ra. Đây cũng là trách nhiệm y tế quan trọng của bệnh viện, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau trong thời điểm nguy hiểm.
“Nặng nhất hiện tại đang nằm tại bệnh viện chúng tôi là trường hợp chấn thương sọ não, phải thở máy do trượt mái tôn. Trường hợp khác cưa cây sau bão bị lưỡi máy cưa văng vào chân…”, bác sỹ Kiên cho hay.
Thời gian qua, bệnh viện sắp xếp tua trực 24/24 bao gồm đội ngũ y, bác sỹ, kỹ thuật viên và nhân viên y tế với phân công nhiệm vụ cụ thể, thu dung cấp cứu nạn nhân do mưa, bão gây ra, không để gián đoạn trong công tác cấp cứu điều trị cho người bệnh, đảm bảo sẵn sàng xử lý bất kỳ tình huống khẩn cấp nào.
Bệnh viện đã thành lập mạng lưới Telemedicine gồm 8 bệnh viện; Sơn La, Quảng Ninh, Lào Cai, Lai Châu, Hải Phòng… hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới như tư vấn hội chẩn từ xa hỗ trợ vụ bệnh nhân sau vụ sập cầu Phong Châu tại Bệnh viện Tam Nông.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thành lập Ban điều hành và các tổ y tế lưu động ứng phó bão do TS.Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện làm Trưởng ban, 8 tổ y tế lưu động gồm các bác sỹ, điều dưỡng, lái xe thuộc bệnh viện sẵn sàng hỗ trợ cho các cơ sở y tế lân cận và các bệnh viện tuyến dưới trong công tác cấp cứu, vận chuyển cấp cứu người bệnh… để kịp thời ứng phó với mưa bão.
Tại Bệnh viện E, TS.Nguyễn Minh Tuấn, Phó Trưởng Khoa Thận tiết niệu và lọc máu cho biết, trong ngày cơn bão số 3 đổ bộ vào TP.Hà Nội, Bệnh viện E đã tiếp nhận tổng cộng 36 ca cấp cứu.
Trong số đó có 16 ca cấp cứu ngoại khoa: 10 trường hợp cấp cứu do người bệnh gặp tai nạn liên quan đến bão số 3; 20 ca cấp cứu nội khoa.
Nhằm chủ động ứng phó khi cơn bão số 3 đổ bộ và chống ngập lụt Bệnh viện do mưa hoàn lưu sau bão, Ban Giám đốc Bệnh viện E chỉ đạo các khoa, phòng trong toàn bệnh viện đảm bảo sẵn sàng nhân lực, vật tư, cơ số thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn; đảm bảo công tác trực ban, trực cấp cứu 24/24 giờ.
TS.Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E khẳng định, lợi thế của Bệnh viện E là bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh với nhiều chuyên khoa mũi nhọn như tim mạch, cơ xương khớp, chấn thương chỉnh hình, tiêu hóa, gan mật, hồi sức tích cực… đáp ứng được nhu cấp cấp cứu và điều trị bệnh của người dân.
Bên cạnh đó, hệ thống cấp cứu ngoại viện Bệnh viện E sẽ phối hợp với Trung tâm cấp cứu 115 sẵn sàng tiếp nhận người bệnh cấp cứu từ các nơi chuyển đến.
Tổ cấp cứu ngoại viện luôn túc trực sẵn sàng lên đường chi viện cho các địa phương khi có yêu cầu. Khi người dân gặp bất kỳ một sự cố nào về y tế cần được cấp cứu hãy gọi 115 hoặc số hotline của hệ thống cấp cứu ngoại viện, Bệnh viện E là 0243.7480648 (24/7) để được giúp đỡ và đưa người bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất, đảm bảo tính mạng cho người bị nạn.
Ngay sau cơn bão, Ban lãnh đạo Bệnh viện đã tổ chức cuộc họp khẩn, giao nhiệm vụ cho các lãnh đạo chủ chốt và tua trực, các lực lượng tích cực dọn dẹp cây đổ, làm sạch cảnh quan bệnh viện, khoa phòng để chuẩn bị cho hoạt động khám chữa bệnh ngày mai được diễn ra ổn định.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, từ chiều tối 7/9 đến sáng 8/9, Trung tâm Cấp cứu A9, đã tiếp nhận 10 bệnh nhân bị thương sập nhà, đổ mái và bị cây đổ ngoài đường do ảnh hưởng của bão số 3. Những bệnh nhân này sau khi chuyển đến đều được cấp cứu kịp thời.
Trong số 5 bệnh nhân vào viện lúc rạng sáng 8/9, hai trường hợp nặng bị chấn thương vùng đầu, vùng cổ do mái tôn rơi xuống người và bị ngã từ trên cao.
PGS-TS.Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết bệnh viện tổ chức nhân lực, cán bộ trực, kiểm soát, sẵn sàng xử lý sự cố như cây đổ, ngập lụt, tốc mái… do mưa bão gây ra.
Bệnh viện còn bố trí thêm các đội cấp cứu cơ động với đầy đủ thuốc men, phương tiện, sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu. Hội đồng chuyên môn gồm các chuyên gia hàng đầu ở nhiều lĩnh vực cũng sẵn sàng hội chẩn từ xa, hỗ trợ cho đồng nghiệp ở các tỉnh chịu ảnh hưởng của mưa bão nhằm cấp cứu người bệnh hiệu quả nhất.
Trung tâm Cấp cứu A9 – Bệnh viện Bạch Mai đảm bảo phục vụ bệnh nhân cấp cứu 24/24h trong bão số 3 . Đồng thời tập trung cứu chữa người bị thương; khẩn trương khắc phục hậu quả tại các cơ sở y tế, không để gián đoạn trong công tác cấp cứu, điều trị cho người dân, không để người dân, người bệnh không được khám chữa bệnh, chăm sóc y tế. Tổ chức vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo nước sạch, an toàn thực phẩm.
Về công tác khám chữa bệnh trên cả nước, chiều 8/9, Bộ Y tế đã có công văn hỏa tốc gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế khu vực miền Bắc, miền Trung về việc chủ động khắc phục hậu quả sau mưa lũ.
Trong công điện do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký ban hành nêu rõ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp sáng 8/9/2024 về việc đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
Để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả sau bão số 3 năm 2024 và giảm thiểu thiệt hại đối với đợt mưa lũ lớn, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét có thể xảy ra, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự Quốc gia; Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và của Bộ Y tế về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra.
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị trên tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, mưa lũ trên địa bàn, đặc biệt là nguy cơ xảy ra ngập úng cục bộ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại khu vực miền núi do ảnh hưởng của mưa lớn sau bão để chủ động nắm bắt tình hình, triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả theo phương châm “bốn tại chỗ”.
Báo cáo tình hình thiệt hại, nhu cầu, khả năng bảo đảm của địa phương và đề xuất hỗ trợ khi vượt quá khả năng bảo đảm của địa phương về Bộ Y tế (qua Vụ Kế hoạch – Tài chính) để tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bộ Y tế đề nghị Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, các đơn vị có liên quan khẩn trương tổ chức và phối hợp triển khai nhiệm vụ.
Nguồn: https://baodautu.vn/no-luc-cuu-chua-nguoi-benh-trong-mua-lu-d224517.html