Hội viên chung tay làm đường giao thông
Tháng 7/2024, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 694 về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với 3 di tích trên cả nước, trong đó xã Tân Lập (Lạc Sơn, Hòa Bình) có 1 di tích khảo cổ được công nhận là Hang xóm Trại. Để gìn giữ và phát huy giá trị của di tích gắn với xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã tích cực tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ di tích.
Ông Bùi Văn Bằng – Bí thư Chi bộ xóm Trại (xã Tân Lập) cho biết: Chính quyền xã đã cắt cử người tới trông nom để giữ gìn, bảo vệ toàn bộ di vật khảo cổ và khu di tích nguyên trạng. Chính quyền và người dân xóm Trại cũng tích cực tham gia, phối hợp trong công tác gìn giữ và bảo vệ khu di tích. Bởi với người dân nơi đây, được công nhận di tích quốc gia đặc biệt là một niềm vui, niềm tự hào vô cùng to lớn.
Các nguồn lực thực hiện xây dựng nông thôn mới tiếp tục được xã Tân Lập huy động và cân đối để đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Năm 2024, dự kiến tổng nguồn vốn thực hiện xây dựng nông thôn mới của xã là trên 1.000 triệu đồng; trong đó vốn trực tiếp từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên 8.000 triệu đồng, nguồn vốn từ nhân dân đóng góp và các nguồn huy động khác trên 2.200 triệu đồng.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với những mục tiêu cụ thể đã đặt ra trong năm 2024; ngay từ đầu năm, UBND xã Tập Lập tiếp tục đầy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, phát huy cao sự tham gia tích cực chủ động của cộng đồng nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Không ngừng đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, xây dựng kế hoạch tuyên truyền phù hợp với điều kiện thực tiễn, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm.
Tiêu chí số 2 về giao thông được đẩy nhanh tiến độ thực hiện để hoàn thành đúng thời gian. Dưới sự chỉ đạo của xã, từ đầu năm đến nay, người dân các xóm, hội viên, đoàn viên các hội, đoàn thể đã tiến hành tu sửa, phát quang, vá ổ gà đường giao thông liên xóm, đường giao thông nội đồng, các đoạn đường tự quản với tổng chiều dài 6km.
Một số đoạn đường tiếp tục được thi công như: đoạn đường tại xóm Tôm Dưới có chiều dài gần 80m được đào đắp gần 1.000m3 đất và rải sỏi dày 30cm; đoạn đường giao thông nông thôn tại xóm Tôm Dưới được mở rộng, nâng cấp với chiều dài 670m, rộng 4m, được rải sỏi dày 16cm; đoạn đường xóm Trại Sào cũng đang được đôn đốc đẩy nhanh tiến độ. Ngoài ra, xã tiếp tục phối hợp với các đơn vị tư vấn, khảo sát đường các xóm: Mòi 2, Tôm Dưới, Đấc, Nganh, tạo điều kiện thi công đường Tân Lập – Miền Đồi.
Dạy nghề, giải quyết việc làm để tăng thu nhập
Nỗ lực hoàn thành tiêu chí số 11 về nghèo đa chiều, xã Tân Lập đã và đang chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể của xã phối hợp với các xóm tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân khắc phục khó khăn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Xã tập trung mọi nguồn lực từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia để triển khai những dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân. Chú trọng, liên kết làm tốt công tác dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm. Khuyến khích người dân khôi phục một số nghề truyền thống để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống. Qua các hoạt động đó, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều xuống còn khoảng 5,71%.
Ông Bùi Lý Tưởng – Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết: Để hoàn thành các tiêu chí số 2 về giao thông, số 11 về nghèo đa chiều, số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, số 15 về y tế trong năm nay, xã đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của xã; trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, dân vận khéo, triển khai hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững…
Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân của xã đạt khoảng 52 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 7%. Những tháng tiếp theo, cùng với nỗ lực hoàn thành các tiêu chí, xã tiếp tục tận dụng những lợi thế sẵn có, điều kiện thiên nhiên ưu đãi để phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt là tập trung vào liên kết, đầu tư hạ tầng phát triển du lịch, thu hút du khách khám phá văn hóa dân tộc vùng mường Vang qua các di tích văn hóa, lịch sử tại địa phương và các vùng lân cận…
Nguồn: https://danviet.vn/mot-xa-cua-tinh-hoa-binh-nguoi-dan-quyet-tam-ve-dich-nong-thon-moi-dung-hen-thu-nhap-dat-53-trieu-nguoi-20240912182025573.htm