Một chén chè nóng cùng không khí ấm áp tại xe chè Lâm Vinh Mậu khiến nhiều người phải quay lại – Ảnh: ĐĂNG KHƯƠNG
Ghé quán vào một chiều tối trời mưa, thực khách bỗng cảm thấy ấm cúng khi ngồi quanh xe chè luôn “đỏ lửa”.
Chủ quán là một ông lão người Hoa, căn nhà hiện tại được xây theo văn hóa của người Tiều. Bản thân ông không còn nói tiếng Hoa được nữa.
Khi được hỏi, ông cho Tuổi Trẻ Online biết bản thân không muốn chia sẻ thông tin gì, chỉ muốn thực khách ngồi xuống thưởng thức và trò chuyện với ông, để từ đó mà ngẫm và hiểu về hương vị của món ăn.
Xe chè được đặt tên theo người chủ đầu tiên – chè Lâm Vinh Mậu.
Cái tên ấy không chỉ nổi danh với bà con gần đây mà còn gợi cơn thèm của những khách hàng tỉnh xa, đến nỗi “tới Sài Gòn phải ghé ăn một chén rồi làm gì làm”.
Chè Lâm Vinh Mậu: “Phù phép” để giữ hương thơm
Xe chè nằm trên con đường Nguyễn Thái Bình, thường xuyên bán vào ban đêm.
Năm 1958, ông Lâm Vinh Mậu chính là người “gây dựng” nên chiếc xe chè mang chính tên ông trên đất Sài Gòn. Về sau, ông sang nước ngoài định cư, nên hai người cháu “kế nghiệp” đến hiện tại.
Vừa đến quán, thực khách dễ dàng ấn tượng với chiếc xe đẩy bằng gỗ, được khắc họa các họa tiết hàm chứa những câu chuyện lâu đời của người Hoa. Trung tâm của hàng họa tiết chính là biển hiệu viết tên Lâm Vinh Mậu.
Vừa ngồi xuống, người ăn liền phân vân để chọn món chè cho riêng mình giữa những tô, nồi đựng nguyên liệu tươi mát nằm san sát nhau như là nhãn, hạt sen, bột báng, đậu đỏ, đậu xanh…
Điểm đặc biệt là bên dưới các nồi nguyên liệu chính là bếp than bằng đất luôn cháy rực.
Chủ quán chia sẻ nhờ nấu trong một thời gian dài như thế mà phần nước cốt của mỗi loại chè mới thơm, đậm đà mùi hương hoa quả như vậy.
Bên cạnh việc giữ lửa lâu, người nghệ nhân nấu chè phải “phù phép” để giữ lại hương thơm tinh túy được chắt ra từ những loại củ quả, bằng cách canh nồi chè đang nóng mà cho đường vào. Đường là yếu tố lưu giữ lại hương thơm.
Đó là một quá trình mà người nấu phải nhuần nhuyễn từng bước một.
Một nồi nước màu vàng nhạt đặt chính giữa xe mà khi làm bất cứ món chè nào, chủ quán đều “thẳng tay” múc vài muỗng vào.
Người ăn dễ dàng tò mò mà đoán rằng đó là nước đường để chè ngọt hơn. Nhưng ít ai biết đó là loại nước được nấu với thảo mộc, giúp cho những chén chè giảm bớt vị ngọt lại.
Khi được hỏi, chủ quán khôi hài bảo: “Đó là “nước phép” của tôi đó, phải có nó thì ăn chè mới ngon”.
Chỉ khi ăn tại đây, quan sát từng thao tác của chủ quán, người ăn mới cảm nhận sâu sắc sự tỉ mỉ, cẩn thận của những ngón tay điệu nghệ “phù phép” lên mỗi ly chè.
Tranh cãi về mức giá 45.000 đồng/chén
Một trong những loại chè mà thực khách yêu thích nhất, có người còn đánh giá đây là “bảo vật” của tiệm, chính là chè bạch quả hạnh nhân.
Mỗi khi múc chè cho khách, chủ quán thường có câu cửa miệng: “Húp nước một phát là biết chè ngon hay dở”. Thật vậy, nước chè rất thanh mát, ngọt và có độ ngấy nhẹ, đặc biệt là rất thơm mùi hạnh nhân và bạch quả.
Phần hạnh nhân được làm thành thạch, thực khách sẽ cảm thấy hơi tanh khi cắn vào, nhưng chính vị đăng đắng của bạch quả làm dịu lại cảm giác tanh và giúp tổng thể chén chè hòa quyện hơn.
Chủ quán cho biết đây là đặc sản mà người ăn không thể tìm ở đâu có hương vị tương tự.
Bên cạnh đó, chè đậu đỏ cũng có sức hút mạnh mẽ, vì không chỉ kích thích vị giác mà còn khơi lên sự tò mò của người ăn.
Khi ăn chè đậu đỏ, một số thực khách đoán mò với nhau xem mùi thơm dịu, thanh, “quen quen mà không nhớ ra” đó là gì. Người bán chia sẻ đó là quýt khô nấu chung với chè.
Hương thơm của quýt khử đi vị tanh của đậu đỏ. Hơn nữa, trong ẩm thực của người Hoa, cách nấu này cũng giúp món ăn nên thuốc. Nước chè cũng thơm mùi đậu, khiến thực khách ngỡ rằng đó là thứ nước chảy từ hạt đậu mà ra.
Mang lại trải nghiệm độc lạ cho người ăn, tiệm chè vẫn nhận một số ý kiến trái chiều với mức giá 45.000 đồng.
Tại phần đánh giá của Google Maps, một thực khách chia sẻ:
“Một ly 3 củ sen cắt và 3-4 quả bạch quả với giá 45.000 đồng thì có lẽ hơi đắt dù cảm nhận được cách nấu tinh túy và ít ngọt”.
Một số người ăn khác cũng đồng tình và cho rằng món này nên thử chứ không nên quay lại.
Nỗi “phẫn nộ” chung của khách hàng đến quán chính là đây là quán vỉa hè, không máy lạnh nhưng vẫn giữ mức giá quá cao, bằng một tô hủ tiếu.
Tuy vậy, một số thực khách khi ăn tại quán cũng cho biết mình ở Hà Nội và là khách của quán lâu năm. Khi có việc vào Sài Gòn thì ghé quán ăn trước một ly rồi mới bắt tay vào việc.
Nguồn: https://tuoitre.vn/xe-che-lam-vinh-mau-va-mon-bao-vat-bach-qua-hanh-nhan-20240912212957653.htm