Cùng với sự phát triển công nghệ, nhất là khi đặt trong bối cảnh thiên tai, đại dịch, phương thức học tập trực tuyến đã và đang được coi là một giải pháp quan trọng, tạo điều kiện cho người học có thể học mọi nơi, mọi lúc, nhất là những nhà trường, giáo viên và học sinh tại vùng nông thôn, miền núi như Tuyên Quang, Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa, Quảng Trị… thường chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt.
Dạy và học trực tuyến đang được ứng dụng rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới
Hiện nay học trực tuyến mang lại rất nhiều lợi ích cho cả người dạy và người học. Khi mạng Internet có mặt ở khắp mọi nơi, kết hợp với những thiết bị thông minh dễ dàng mang theo như điện thoại di động hay laptop thì việc học trở nên đơn giản, dễ dàng và chủ động. Học sinh có thể linh hoạt lựa chọn thời gian, không gian, khóa học, nội dung học tập phù hợp…
Bên cạnh đó, tài liệu học tập đa dạng, có tính đồng bộ cao, luôn có sẵn 24/7 giúp học sinh thoải mái ôn tập, và chủ động hơn với tiến trình học của mình: học 15 phút mỗi ngày vào buổi tối hay học vào thời gian nghỉ trưa hay có thể xem đi xem lại, dừng lại nếu cần.
Hơn nữa với các thiết bị thông minh, học sinh học được ở bất cứ đâu, giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian và tiền bạc dành cho việc di chuyển. Học sinh có thể tham gia vào khóa học của những giáo viên uy tín khắp nơi, tiếp cận với nguồn học liệu quốc tế với mức học phí thấp, thậm chí là 0 đồng.
Việc kết hợp giữa dạy và học truyền thống với dạy và học có ứng dụng công nghệ sẽ hỗ trợ cho hoạt động đào tạo được tốt hơn, tạo động lực khuyến khích, thúc đẩy sự sáng tạo của người dạy và người học, góp phần đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo.
Xu hướng học trực tuyến đã và đang lan tỏa trên toàn thế giới, với sự hỗ trợ của cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại và sự quan tâm lớn từ chính phủ, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã trở thành một trong những “điểm nóng” của giáo dục tương lai.
Dạy và học trực tuyến tại Việt Nam – Xu thế tất yếu cho giáo dục phát triển bền vững, thích ứng tương lai |
Ở châu Á – Thái Bình Dương, việc áp dụng dạy và học trực tuyến trên thiết bị di động chiếm thị phần cao. Trung Quốc và Ấn Độ đóng góp nhiều nhất vào dân số dùng điện thoại di động, với lần lượt là 880 triệu và 470 triệu người dùng, các ước tính cho thấy việc sử dụng cơ sở hạ tầng di động trở thành nền tảng tiềm năng dành cho lĩnh vực giáo dục. Các sáng kiến dạy và học trực tuyến trên thiết bị di động ở khu vực này nhằm mục tiêu nâng cao trình độ giáo dục, xóa mù chữ. Nhật Bản, Bangladesh, Hàn Quốc và một số quốc gia đã và đang triển khai các dự án dạy và học trên thiết bị di động quy mô lớn cấp quốc gia. Các nước này đều thông qua chính sách tạo điều kiện sử dụng thiết bị di động trong giáo dục góp phần thúc đẩy môi trường học tập trong tương lai như Trường học thông minh ở Malaysia, FutureSchools@Singapore tại Singapore, Chiến lược xúc tiến giáo dục thông minh ở Hàn Quốc…
Tại Việt Nam, học tập trực tuyến và xây dựng môi trường học tập trực tuyến đang được nhiều trường học cả ở khối TH, THCS, THPT và GDTX, Trung cấp nghề đẩy mạnh triển khai khắp cả nước. Có rất nhiều nền tảng, ứng dụng được các nhà trường sử dụng kết hợp linh hoạt với chương trình học tại trường để đảm bảo các học sinh có thể học mọi lúc mọi nơi. Đơn cử thông qua mô hình Trường học mở KAV do Khan Academy Vietnam triển khai ở các tỉnh thành phố như Hà Nội, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Bình Dương, Kiên Giang… giáo viên và học sinh có thể dùng nền tảng Khan Academy để dạy và học hiệu quả. Các em học sinh có thể học theo lộ trình riêng và thầy cô dễ dàng đánh giá kết quả học tập thông qua AI (Trí tuệ nhân tạo).
Sử dụng AI và dữ liệu lớn (Big Data) để tạo ra các trải nghiệm học tập cá nhân hóa. Các nền tảng học trực tuyến ngày càng thông minh, tự động điều chỉnh nội dung và phương pháp giảng dạy phù hợp với nhu cầu và tiến độ của từng học sinh. Tăng cường sử dụng các công cụ tương tác, như video, bài kiểm tra trực tuyến và các trò chơi học tập khiến việc học trở nên thú vị và hấp dẫn hơn.
Dạy và học trực tuyến đảm bảo kiến thức và an toàn cho học sinh
Việt Nam hiện có gần 100 triệu dân, trong đó có hơn 20 triệu học sinh, sinh viên cùng khoảng 1,5 triệu giáo viên. Tốc độ phổ biến và thâm nhập việc dạy và học trực tuyến ở Việt Nam tăng khá nhanh trong những năm qua. Thực tế thời gian qua cho thấy, dạy và học trực tuyến là thật sự cần thiết, không còn là “giải pháp tình thế” nhằm khắc phục những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra mà còn là giải pháp tối ưu khi đối mặt với thiên tai, bão lũ.
Việc bão lũ càn quét gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều hoạt động trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo như: việc triển khai thực hiện nội dung, chương trình, kế hoạch giảng dạy và học tập (phải thay đổi, gián đoạn, phải kéo dài so với kế hoạch ban đầu); tác động đến tâm lý người học và phụ huynh học sinh (bị dao động, hoang mang); những khó khăn liên quan đến việc quản lý người học, hướng dẫn nội dung học tập,… Vì vậy, việc áp dụng dạy và học trực tuyến được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu, tận dụng được các nguồn lực xã hội giúp cho kế hoạch học tập của các nhà trường không bị gián đoạn, học sinh dừng đến trường nhưng không dừng học. Bên cạnh đó, học sinh có thể dùng các nền tảng học trực tuyến để tự học và ôn luyện ngay tại nhà để củng cố kiến thức, từ đó dễ dàng bắt kịp với chương trình học trên trường.
Hiện nay, có rất nhiều nền tảng học trực tuyến với chất lượng quốc tế, trong đó phải kể đến Khan Academy – nền tảng giáo dục chất lượng quốc tế với kho học liệu lớn về Toán, Tiếng Anh, Lập trình, Luyện thi SAT… dành cho mọi đối tượng và hoàn toàn miễn phí. Tại Việt Nam, nền tảng Khan Academy đã được Việt hóa nhiều khóa học nhằm mang đến cơ hội học tập rộng mở, miễn phí cho học sinh cả nước, không giới hạn về vùng miền hay điều kiện kinh tế.
Các lớp học trực tuyến không bị giới hạn về khoảng cách và số lượng học sinh. |
Tại trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Púng Luông – Mù Cang Chải, Yên Bái, phần lớn học sinh là dân tộc thiểu số, giáo viên và học sinh gặp nhiều khó khăn như làm việc dưới mái lán thô sơ và thường xuyên bị thiên tai và lũ lụt. Cô Kiều Thị Hường – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhận thấy nền tảng Khan Academy có thể hỗ trợ nhà trường trong việc quản lý và dạy học sinh một cách trực quan. Đồng thời hỗ trợ quá trình nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ vào giảng dạy, góp phần chuyển đổi số giáo dục tại tiểu học Púng Luông nói riêng và Mù Cang Chải nói chung nên chúng tôi sẽ cố gắng, cố gắng khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi số cũng như đem đến cho học sinh trải nghiệm học tập tốt nhất”.
Với ngôi trường Tiểu học và THCS Miền Đồi “lọt thỏm” giữa trập trùng núi Lạc Sơn, Hòa Bình, việc sử dụng Khan Academy là cả một sự nỗ lực của thầy cô bởi nơi đây thiếu thốn rất nhiều về trang thiết bị học tập. Tuy nhiên, đúng như tinh thần của cô Nguyễn Thị Bích Ngọc – Hiệu phó trường Tiểu học và THCS Miền Đồi chia sẻ: “Thương học sinh thì cố gắng khắc phục khó khăn để cho các em được học tập vui hơn, hiệu quả hơn và tiếp cận công nghệ mỗi ngày. Các em học sinh tại Miền Đồi đều rất cố gắng để học tập. Có em phải đi học từ 4 giờ sáng, mất khoảng 2-3 tiếng mới có thể đến trường. Thấy các em ham học, đặc biệt rất thích học qua video trên Khan Academy nên cô và đội ngũ giáo viên cố gắng để đồng hành.”
Có thể nói với sự thích ứng của thời đại, hình thức học trực tuyến được dự báo xu hướng phát triển mạnh mẽ và bền vững trong tương lai. Học trực tuyến đã mở ra một thời đại mới trong giáo dục, với những thay đổi sâu rộng và tầm nhìn dài hạn như: Tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng; Linh hoạt về thời gian và không gian; Phương pháp giảng dạy mới mẻ, tích hợp nhiều công nghệ; Không giới hạn, không khoảng cách, đem đến bình đẳng giáo dục cho mọi học sinh.
Nguồn: https://baoquocte.vn/day-va-hoc-truc-tuyen-tai-viet-nam-xu-the-tat-yeu-cho-giao-duc-phat-trien-ben-vung-thich-ung-tuong-lai-286072.html