Nhà trường, như là một xã hội thu nhỏ cũng không thể đứng ngoài xu thế toàn cầu ấy. Chúng ta biết, công cụ chủ yếu để ứng dụng số hóa trong dạy học và hoạt động giáo dục của học sinh chủ yếu là sử dụng các thiết bị, điện thoại thông minh, máy Ipad, máy tính bảng và máy tính bỏ túi.
Số hóa giúp việc hỗ trợ học tập cá nhân hóa, nâng cao năng lực tự chủ, tự học của học sinh. Ứng dụng học tập tương tác, trò chơi học tập, giáo dục, thông qua các video hay âm thanh tốt, giúp cho hoạt động học và giáo dục trở nên sinh động, hấp dẫn và cuốn hút, nhất là học sinh nhỏ tuổi. Hiện tại có rất nhiều các ứng dụng học tập để học ngoại ngữ hay làm quen, nhập môn môn học rất có giá trị trong việc hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy và học; việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo-AI (GenAI, ChatGPT) sẽ nâng cao quá trình dạy học, cá nhân hóa quá trình học tập rất cao. ChatGPT thực sự là cỗ máy AI khổng lồ có vai trò như một siêu tư vấn cho quá trình học tập trải nghiệm của học sinh.
Số hóa giúp học tập ở mọi lúc, mọi nơi, không giới hạn bởi không gian hay thời gian. Truy cập thông tin liên quan tới kiến thức nhanh chóng và đầy đủ, từ đó tiết kiệm thời gian, giúp giảm thiểu việc in ấn, sử dụng sách vở dưới dạng giấy (bản cứng). Máy tính bỏ túi cũng giúp học sinh tiết kiệm thời gian khi thực hiện các phép tính số học và đại số cũng như tra công thức, biểu mẫu nhanh chóng.
Cùng đó, giúp tăng cường sự giao tiếp, hợp tác giữa giáo viên, học sinh và cha mẹ các em, một cách nhanh chóng và cho số đông học sinh. Giúp theo dõi sự chuyên cần và tiến bộ hay đánh giá học tập thường xuyên của cá nhân học sinh.
Có thể nói, việc sử dụng các thiết bị ứng dụng số hóa trong giáo dục không chỉ là cải thiện chất lượng học tập mà còn giúp học sinh phát triển các kỹ năng cần thiết cho tương lai trong một thế giới ngày càng phụ thuộc vào công nghệ. Và mặt tích cực là xu thế không thể đảo ngược.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất và cũng là thách thức là rất khó quản lý được khi học sinh tham gia vào môi trường ứng dụng số hóa. Tiêu cực tới mức học sinh “gây nghiện công nghệ”, làm giảm khả năng sáng tạo, giảm tương tác xã hội, thiếu kết nối với người thân và bạn bè. Chính sự xao lãng và lãng phí thời gian trên các ứng dụng, trò chơi hoặc mạng xã hội có thể khiến hiệu suất rèn luyện kỹ năng sống và học tập suy giảm và sa sút. Đó là chưa kể tới ảnh hưởng xấu sức khỏe về mắt, cột sống, cơ xương, về chất lượng giấc ngủ, về tình trạng lo âu, trầm cảm, căng thẳng hoặc cô lập xã hội do thiếu tương tác mặt đối mặt với người khác.
Do đó, cần có phương pháp khả thi để quản lý học sinh khi các em tham gia vào xu thế công nghệ trong tương lai. Việc cần nhất là tăng cường giáo dục để thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi hành vi của học sinh. Đặc biệt gia đình và nhà trường phải có sự liên kết chặt chẽ để quản lý các em. Rèn luyện phong cách sống của học sinh trong môi trường công nghệ, cần làm từ rất sớm, để các em có kỹ năng làm chủ bản thân, sống có trách nhiệm và thông minh trong môi trường ứng dụng số hóa.
Nguồn: https://daidoanket.vn/de-hoc-sinh-khong-nghien-cong-nghe-10290187.html