Nguy cơ phải cắt giảm việc làm và đóng cửa nhà máy tại hãng sản xuất ô tô lớn nhất nước Đức là triệu chứng của một sự bất ổn rộng lớn hơn trong nền kinh tế đầu tàu châu Âu. Những người bi quan có đúng không hay khẩu hiệu “Made in Germany” sẽ lại thống trị?
Những cải cách gây chấn động của Volkswagen có thể được coi là một phần trong những thách thức lớn hơn mà nền kinh tế Đức phải đối mặt. (Nguồn: DPA) |
Cảnh báo của Volkswagen vào tuần trước về việc cắt giảm việc làm và khả năng đóng cửa dây chuyền sản xuất tại thị trường nội địa, lần đầu tiên trong lịch sử 87 năm của hãng, đã gây chấn động khắp đất nước.
Tuy nhiên, “những đám mây đen đối” với hãng sản xuất ô tô lớn nhất nước Đức đã hình thành trong nhiều năm do chi phí sản xuất tăng vọt, nền kinh tế trong nước suy yếu sau Covid-19 và sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc. Chiến lược xe điện (EV) đang chững lại của Volkswagen đang làm trầm trọng thêm tình hình doanh thu của công ty.
Nhà sản xuất ô tô cần tiết kiệm được khoảng 10 tỷ Euro (11,1 tỷ USD) chi phí trong 3 năm tới, điều này có thể dẫn đến việc tập đoàn phải cắt giảm hàng nghìn việc làm và có nguy cơ đóng cửa một số trong 10 dây chuyền lắp ráp tại Đức.
Các đối thủ đã bắt kịp
Những cải cách đau đớn của Volkswagen có thể được coi là một phần trong những thách thức lớn hơn mà nền kinh tế Đức, trị giá 4,2 nghìn tỷ Euro, phải đối mặt. Trong đó, sự gián đoạn chuỗi cung ứng, cuộc khủng hoảng năng lượng – đặc biệt là do nguồn cung khí đốt của Nga giảm – và mất đi lợi thế cạnh tranh đã gây tổn hại đến tăng trưởng.
Ông Carsten Brzeski, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng ING tại Đức cho biết: “Volkswagen đại diện cho sự thành công của ngành công nghiệp Đức trong 9 thập niên qua. Nhưng câu chuyện này cũng cho chúng ta biết 4 năm trì trệ kinh tế và 10 năm sức cạnh tranh quốc tế suy giảm có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế như thế nào. Chúng khiến các khoản đầu tư trở nên kém hấp dẫn hơn”.
Theo Cơ quan thống kê quốc gia (Destatis), tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức đã suy giảm 0,3% vào năm 2023. Còn trong năm nay, 3 viện kinh tế hàng đầu đã dự báo con số này là 0%. Điều này trái ngược với 10 năm tăng trưởng liên tiếp mà Đức đã trải qua trước đại dịch Covid-19 – giai đoạn tăng trưởng dài nhất kể từ khi thống nhất đất nước vào năm 1990.
Thời gian đang đếm ngược?
“Quả bom tấn” Volkswagen, cùng với những tin tức tiêu cực về các gã khổng lồ công nghiệp khác của Đức – bao gồm công ty hóa chất BASF, hãng thiết bị công nghiệp Siemens và nhà sản xuất thép ThyssenKrupp – đã góp phần thúc đẩy một câu chuyện rằng, những ngày tháng tươi đẹp nhất của nước này có thể đã qua và suy thoái kinh tế là điều không thể tránh khỏi.
Bà Franziska Palmas, nhà kinh tế cấp cao về châu Âu tại tổ chức nghiên cứu kinh tế độc lập Capital Economics có trụ sở ở London (Anh) nhận định: “Thông báo của Volkswagen chắc chắn là triệu chứng của tình trạng bất ổn chung trên toàn ngành công nghiệp Đức, chứ không phải là một trường hợp riêng lẻ”.
Chuyên gia này đồng thời lưu ý rằng, sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng 7/2024 đã giảm gần 10% so với mức đầu năm 2023 và sản lượng công nghiệp có xu hướng giảm trong 6 năm qua.
Cũng như các vấn đề ảnh hưởng đến ngành ô tô của Đức, bà Palmas đã nói về việc “mất vĩnh viễn năng lực sản xuất trong ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng” kể từ cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022. Capital Economics dự báo tỷ trọng ngành công nghiệp trong GDP của quốc gia Tây Âu này sẽ “tiếp tục giảm trong thập niên tới”.
Trong khi đó, bà Sudha David-Wilp, Giám đốc văn phòng Berlin của tổ chức tư vấn German Marshall Fund nhận định, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy đã cản trở các cuộc cải cách.
Theo bà, những rắc rối của đất nước là kết quả của sự miễn cưỡng của các chính phủ trong việc thúc đẩy các cuộc cải cách cần thiết nhưng đau đớn. Một trong số các lý do là sự trỗi dậy của đảng cực hữu AfD trong thập niên qua.
Bà nói: “Những năm tháng của Thủ tướng Angela Merkel khá thoải mái và nước Đức đủ giàu có để vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19. Nhưng với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, các đảng muốn bảo đảm rằng người Đức cảm thấy an toàn về mặt kinh tế, để họ không trở thành nạn nhân của những cuộc khủng hoảng”.
Tuy nhiên, loại chiến lược này chỉ trì hoãn điều không thể tránh khỏi, vì những “cơn gió ngược” từ các đối thủ cạnh tranh có chi phí thấp hơn tiếp tục làm giảm thị phần của Đức trong “chiếc bánh” kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, các vấn đề địa chính trị ngày càng xấu đi – đặc biệt là giữa phương Tây với Nga và Trung Quốc – đe dọa tiếp tục đẩy lùi xu hướng toàn cầu hóa, trong đó Đức là nước hưởng lợi chính.
Các đại biểu tại lễ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất chip đầu tiên của tập đoàn TSMC (Đài Loan – Trung Quốc) tại châu Âu ở thành phố Dresden, phía Đông nước Đức, ngày 20/8/2024. (Nguồn: DPA) |
Lời cảnh tỉnh cuối cùng
Ông Bjeske của ngân hàng ING nhận định: “Thế giới đang thay đổi và nguồn tăng trưởng kinh tế của chúng ta cũng đang thay đổi. Các vấn đề của Volkswagen nên là lời cảnh tỉnh cuối cùng để các nhà hoạch định chính sách của Đức bắt đầu đầu tư và cải cách, đưa đất nước có thể trở nên hấp dẫn hơn một lần nữa”.
Những cải cách này vẫn chưa được thực hiện một cách chắc chắn, vì cơ chế phanh nợ của Đức (hạn chế thâm hụt ngân sách hằng năm ở mức 0,35% GDP) và vì sự tranh cãi giữa các đối tác liên minh của Thủ tướng Olaf Scholz về ngân sách liên bang năm 2025. Những điều này có nghĩa là không còn nhiều chỗ cho các biện pháp kích thích tài khóa.
Tuy nhiên, bất chấp những tin tức tiêu cực, Đức vẫn là điểm đến quan trọng cho các khoản đầu tư quốc tế. Trong 18 tháng qua, những công ty “khổng lồ” như Google, Microsoft, Eli Lily, Amazon và nhà sản xuất ô tô Trung Quốc BYD đã công bố các kế hoạch chi tiêu lớn tại quốc gia Tây Âu.
Berlin cũng đã dành riêng khoản trợ cấp khoảng 20 tỷ Euro để thúc đẩy ngành bán dẫn trong nước, đặc biệt là ở miền Đông đất nước, hỗ trợ các khoản đầu tư của nhà sản xuất chip Đài Loan (Trung Quốc) TSMC và Intel của Mỹ.
Xuất hiện hướng đi mới
Công nghệ sinh học, công nghệ xanh, trí tuệ nhân tạo (AI) và quốc phòng là những lĩnh vực đang phát triển khác của nền kinh tế Đức. Bà David-Wilp cho rằng, chính phủ có thể hỗ trợ thêm khi vạch ra chiến lược công nghiệp mới của mình.
Chuyên gia này nói: “Không phải tất cả đều bi quan và u ám. Vẫn còn những con đường phía trước để tăng trưởng. Mọi thứ cần phải trở nên tồi tệ trước khi trở nên tốt hơn, và cảm giác đổi mới này cần được khơi lại”.
Tuy nhiên, những cải cách đó có thể sẽ phải đợi đến sau cuộc bầu cử liên bang tiếp theo, dự kiến diễn ra vào tháng 9/2025, khi liên minh của Thủ tướng Scholz – bao gồm các đảng Dân chủ Xã hội, Xanh và Dân chủ Tự do (FDP) – có thể bị thay thế.
Nỗi đau hiện tại là lời nhắc nhở về tình trạng kinh tế khó khăn của Đức vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, khi nước này được mệnh danh là “kẻ ốm yếu của châu Âu”.
Dù vậy, hồi tháng 1 năm nay, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sỹ), Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho rằng, việc sử dụng biệt danh trên là không phù hợp vào thời điểm này. Theo ông, Đức thực chất là một “người mệt mỏi” cần “một tách cà phê ngon” từ những cải cách.
Nguồn: https://baoquocte.vn/noi-dau-cua-volkswagen-phan-anh-tuong-lai-nen-kinh-te-duc-nguoi-met-moi-dang-can-mot-tach-ca-phe-ngon-285933.html