10 giờ tránh lũ trên nóc nhà tắm
Sáng 11/9, chị Nguyễn Ngọc Huyền, 23 tuổi, cầm theo vật dùng cá nhân cùng ít đồ ăn đứng ở chốt chặn, chờ được lực lượng cứu hộ cho phép được trở về nhà sau khi nước lũ ở phường Quang Vinh (TP. Thái Nguyên) rút đi.
Dù cơn lũ đã đi qua nhưng trong đôi mắt Huyền vẫn không giấu được vẻ đầy âu lo về người bố của mình, bởi ông đã nhất quyết “cố thủ” tại nhà để bảo vệ tài sản của gia đình.
Nhớ lại thời khắc khoảng 12 giờ đêm, ngày 8/9, Huyền bảo, khi cả gia đình 3 người đang ngủ, dòng nước lũ chảy xiết bắt đầu tràn vào nhà làm tất cả choàng tỉnh. Nước vào quá nhanh khiến việc di dời đồ đạc lên cao trở nên vô vọng. Sau vài giờ, nước đã ngập hơn nửa thân người, Huyền cùng mẹ nhanh chân trèo lên nóc nhà tắm, ngoài trời mưa vẫn rơi như trút, còn bố cô “nhất quyết không chịu lên”.
“Tiếc của, gần như cả đêm ấy, bố em dầm mình dưới dòng lũ dữ, dùng hết sức bình sinh với hy vọng vớt vát lại được chút ít tài sản…”, đôi mắt Huyền chực khóc, nhớ lại.
Đêm ấy, nước lũ bủa vây ngôi nhà lợp fibro ximăng của gia đình Huyền. Chỉ trong chớp mắt, nước cứ tràn về ngày càng lớn, một người hàng xóm cũng không kịp thoát thân nên phải leo lên nóc nhà tắm của gia đình Huyền trú ẩn. Càng về sáng, nước dâng cao chừng gần 2m, những hàng cây trong vườn nhà Huyền đều bị nhấn chìm.
Nhà Huyền nằm sâu trong trong một con ngõ ở phường Quang Vinh, bao quanh với rất nhiều cây cối nên đến 10 giờ sáng, ngày 9/9, lực lượng cứu hộ mới tiếp cận và di dời 3 người trên nóc nhà tắm đến nơi an toàn. Riêng với bố Huyền, ông vẫn không có “ý định rời đi”. “Biết đâu nước tiếp tục lên, cuốn đi hết đồ đạc thì sao, tao ở đây giữ được ít nào hay ít đó”, ông nói với Huyền.
Tài sản quy nhất và quan trọng nhất của bố Huyền khi ông quyết định ở lại, đó là chiếc điện thoại “cục gạch”, may mắn nó vẫn còn đầy pin. “Bố phải giữ gìn và gọi thường xuyên cho con đấy. Con và mẹ đi đây”, Huyền nói với bố mình trước khi được lực lượng cứu hộ đưa đi.
Được chính quyền đưa đến một khách sạn để tránh lũ, thức ăn, nước uống… đều không thiếu thứ gì nhưng mỗi khi nhớ đến bố mình đang chống chọi với lũ, cô công nhân 23 tuổi Nguyễn Ngọc Huyền lại rớt nước mắt.
Do mưa lũ, điện lưới bị cắt, mạng viễn thông chập chờn, lúc gọi được lúc không, những thời điểm như vậy, trong tâm trí của Huyền lại tưởng tưởng về những điều xấu nhất có thể xảy ra với người bố của mình… nhưng rồi tất cả những sợ hãi, lo lắng ấy cũng trôi qua khi sáng, ngày 11/9, bố cô gọi “nước đã rút rồi con ơi!”.
“Nghe bố gọi báo tin, em mừng quá, để mẹ ở lại khách sạn rồi liền tức tốc về nhà xem tình hình bố thế nào. Điện thoại của ông cũng gần cạn sạch pin rồi”, Huyền nói với Dân Việt khi đang chờ lực lượng chức năng cho phép được về nhà.
Còn tại phường Hoàng Văn Thụ, ông Nguyễn Văn Tăng cũng đang hối hả dọn dẹp nhà cửa khi nước lũ đã rút. Ông Tăng bảo mình vẫn may mắn hơn nhiều gia đình sống ở ven sông Cầu và những hộ nhà cấp 4, bởi nước lũ dâng nhanh họ không thể chạy đi đâu được.
“Trước đây khu vực này cũng thi thoảng xuất hiện lũ nhưng chưa bao giờ thấy cơn lũ mạnh và dâng nhanh như lần này”, ông Tăng nói. Trước khi bão số 3 đổ bộ, ông Tăng cũng nắm được thông tin hoàn lưu bão sẽ gây mưa lớn nên đã chuẩn bị hơn 20 bao cát phòng nước dâng vào nhà. Tưởng chừng sự lo liệu ấy đã chu toàn nhưng tất cả mọi tính toán của ông đều bất thành.
Khi nước lũ tràn qua “đê bao” bằng cát đêm ngày 8/9, tất thảy cả nhà hơn 5 người lớn, nhỏ gia đình ông Tăng đã kịp thời di tản lên tầng 2 và 3.
Vốn làm nghề kinh doanh gạo, khi lũ tràn về và dâng quá nhanh khiến ông Tăng trở tay không kịp. 50 tấn gạo nếu quy ra tiền mặt lên tới hàng trăm triệu đồng nằm trong kho cũng trôi đi theo dòng nước lũ. Mở cửa kho, ông Tăng chỉ tay về những bao gạo, nói lẩm nhẩm: “Mất thì cũng đã mất rồi, mưa lũ ập đến thì tính mạng con người là quan trọng nhất. Còn người là còn của”.
Hành quân trong đêm, đưa hàng trăm người ra khỏi lũ dữ
Đội cứu hộ với 20 xuồng và 20 thành viên của anh Hòa, trú tại xã Phúc Tân (TP. Phổ Yên) là một trong những đội có mặt gần như sớm nhất tại “rốn lũ” thuộc hai phường Quang Vinh và Hoàng Văn Thụ để cùng các lực lượng chức năng di dời người dân ra khỏi vùng ngập lụt.
“Đoàn chúng tôi đều là những người dân làm nghề sông nước trên Hồ Núi Cốc, anh em đều rất giỏi trên sông nước và có xuồng. Khi biết được thông tin một số nơi trên địa bàn TP. Thái Nguyên ngập lụt, tôi liền hô hào anh em, thuê xe ô tô chở theo xuồng máy, hành quân ngay trong đêm nhằm kịp thời đưa người dân ra khỏi vùng bị ngập lụt… tất cả vì nghĩa đồng bào”, ông Hòa nói xong rồi nhảy ùm xuống dòng nước lũ đục ngầu, cao đến tận cổ đưa người dân lên xuồng.
Trong sáng ngày 10/9, ông Hòa nói, đội đã đưa hàng trăm người dân ra khỏi vùng ngập lụt đến nơi an toàn. Với những người còn ở lại, nhóm cũng vận chuyển đến tận tay từng người chai nước, gọi mì, nến thắp sáng với tinh thần “không để ai bị đói, khát”.
Trên chiếc xuồng máy di chuyển vào các điểm ngập lụt trên phường Quang Vinh, ông Hòa nói với Dân Việt: “Đi đến đâu chúng tôi đều nhận được tình cảm của người dân. Quan trọng nhất là được thấy được họ vẫn an toàn, đủ thức ăn, nước uống qua đợt lũ này là chúng tôi vui mừng nhất rồi”.
Ngoài đội xuồng 20 thành viên, nhóm của ông Hòa còn có 50 người túc trực ở phía ngoài để chuẩn bị đồ ăn, thức uống, nhu yếu phẩm và hỗ trợ người dân vùng lũ khi cần thiết. “Khi chúng tôi khó khăn, bà con ở thành phố giúp đỡ, giờ họ khó khăn thì chúng tôi giúp đỡ lại”, ông Hòa cười tươi, nói giản dị.
Sáng ngày 11/9, sau khi nước lũ ở phường Quang Vinh và Hoàng Văn Thụ cơ bản rút gần hết, đội của ông Hòa cũng âm thầm rút đi… Những con người bình dị, tình nghĩa ấy lại trở về với công việc thôn quê như: bắt cá, nuôi trồng thủy sản, chở khách du lịch… trên lòng Hồ Núi Cốc thơ mộng, ân tình!.
Nguồn: https://danviet.vn/thai-nguyen-lu-du-qua-di-nghia-tinh-o-lai-sau-tran-lut-lich-su-20240912114925814.htm