Xuất hiện nhiều sự cố đê điều
Do mực nước sông Tích lên cao, bờ bao sông Tích tại nhiều xã trên địa bàn huyện Thạch Thất đã bị tràn. Đáng chú ý, tại xã Đồng Trúc còn ghi nhận tình trạng sạt lở 5m bờ bao Gò Sui.
Tại huyện Thanh Oai, trong ngày 11/9 đã ghi nhận hai vị trí bị sạt lở mái đê tả Đáy. Trong đó, cung sạt tại vị trí K31+680 đến K31+760 hiện tại đã ổn định, còn cung sạt tại vị trí K29+500 đến K29+590 có phát sinh thêm.
Trên hệ thống sông Nhuệ thuộc huyện Phú Xuyên cũng xảy ra sụt lún mái đê phía hạ lưu thôn Đồng Tiến (xã Phượng Dực) dài 168m. Cùng với đó là tình trạng trượt, sạt mái đê phí hạ lưu thôn Trung Lập (xã Tri Trung) dài 70m.
Cũng tại xã Hồng Minh (huyện Phú Xuyên), chính quyền địa phương ghi nhận sạt mái và mặt đê phía thượng lưu thôn Đông dài 200m; sạt mái phía hạ lưu ở xã Vân Từ dài 30m và mặt đường bê tông bờ sông Nhuệ nứt dài 25m.
Trong khi đó tại huyện Chương Mỹ, ảnh hưởng của mưa lớn đã khiến đê bao Gò Khoăm (xã Mỹ Lương) xuất hiện mạch đùn, mạch sủi dài khoảng 100m, có nguy cơ mất an toàn. Trên tuyến đê Tả Tích đoạn qua xã Ngọc Liệp (huyện Quốc Oai) cũng đang hiện tượng bị rạn nứt dọc mặt đê khoảng 50m, sâu gần 60cm.
Ngay sau khi các sự cố về đê điều xảy ra, chính quyền các địa phương đã tập trung huy động nguồn lực, nhân lực, phương tiện để xử lý giờ đầu kịp thời. Hiện nay, các vị trí bị sạt lở, nứt vỡ, hư hỏng đều đã được kiểm soát an toàn.
Lãnh đạo huyện, xã chịu trách nhiệm an toàn đê
Hiện nay, tình hình mưa lũ trên địa bàn Hà Nội đang diễn biến hết sức phức tạp. Số liệu quan trắc cho thấy, mực nước các sông hiện đang ở mức cao. Trong khi sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy đang trên báo động 2 và đang tiếp tục lên, thì mực nước sông Tích, sông Bùi, sông Cầu, sông Cà Lồ vẫn trên báo động 3.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội, công tác tuần tra, canh gác đê tại một số địa phương hiện nay còn chủ quan, chưa nghiêm túc theo quy định. Điều này dẫn đến những nguy cơ khôn lường về mất an toàn đê điều.
Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, để đảm bảo an toàn đê điều, chủ động ứng phó với những diễn biến bất lợi của mưa lũ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, sáng 12/9, TP Hà Nội đã có văn bản đề nghị các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê.
Theo đó, TP Hà Nội đề nghị các địa phương tổ chức lực lượng, tăng cường công tác kiểm tra, tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều theo quy định của Luật Đê điều và hướng dẫn của Bộ NN&PTNT tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN; kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố thiên tai ngay từ đầu theo phương châm “4 tại chỗ”.
Các địa phương tập trung kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các điếm canh đê trên địa bàn quản lý; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để có thể tổ chức thường trực trên điếm. Đồng thời, rà soát bổ sung trang bị các dụng cụ, số sách và hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội tuần tra, canh gác…
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội cũng đề nghị lãnh đạo UBND các quận, huyện, thị xã chịu hoàn toàn trách nhiệm trước UBND TP Hà Nội nếu để xảy ra sự cố mất an toàn đê điều do không thực hiện việc tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều theo quy định của pháp luật.
Để bảo đảm an toàn cho các tuyến đê và khu dân cư ven sông, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp thuỷ lợi tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo không bơm tiêu nước ra 3 con sông: Nhuệ, Bùi, Tích. Mực nước các con sông này hiện vẫn đang ở trên mức báo động 3, nguy cơ mất an toàn còn rất cao.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/lu-cac-song-van-tren-bao-dong-ha-noi-lo-giu-an-toan-cac-tuyen-de.html