Kho di vật quý khổng lồ
Mới đây, tại hội thảo khoa học về cụm Di tích Quốc gia chùa Trầm, chùa Trăm Gian, các nhà khoa học, nhà quản lý đều thống nhất cho rằng, việc chưa khai thác được hết giá trị của cụm di tích này là sự lãng phí một tài nguyên quý giá. Ngay từ xa xưa, cha ông ta đã ca tụng và xếp chùa Trầm, chùa Trăm Gian vào “tứ đại danh thắng” của xứ Đoài, bao gồm: chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Trăm Gian, chùa Trầm. Các ngôi chùa trong cụm di tích đều được khởi dựng từ sớm và hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên, tạo nên một sức hấp dẫn và giá trị đặc biệt về cảnh quan, kiến trúc. Đến nay, hệ thống tượng Phật cùng các di vật còn bảo lưu được trong lòng cụm di tích khá phong phú. Những di vật này dù mang niên đại khác nhau, cấu trúc khác nhau song đều có giá trị riêng.
Qua khảo cứu, TS. Phạm Quốc Quân (nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử Quốc gia) cho biết: những di vật, cổ vật hiếm quý của cụm di tích chùa Trầm, chùa Trăm Gian có số lượng “khổng lồ”. Đó là những tượng Phật, tượng thần, tượng thánh, tượng mẫu, tượng danh nhân được làm bằng gỗ và đất trộn giấy dó, sơn son thếp vàng có niên đại thế kỷ XVII-XIX. Tại chùa hang núi Trầm, hiện còn 40 pho tượng đá, to lớn về kích thước, ấn tượng về phong cảnh điêu khắc đá. Ở chùa Trăm Gian có tới 896 tấm mộc bản, được chia thành 26 bộ kinh sách. Một số mộc bản khắc hình Phật Thích Ca tọa trên đài sen thuyết pháp với hoa văn và hình ảnh rõ nét, tinh xảo.
Trong số những di vật, đáng chú ý là bệ đất nung chùa Trăm Gian, nơi đặt các tượng Phật được trang trí dày đặc hoa văn. Theo TS Phạm Quốc Quân, năm 1973, do nền chùa nứt đổ, cơ quan quản lý văn hóa cho tháo ra tu sửa, thì phát lộ trong lòng bệ còn nhiều đồ đất nung có giá trị, đó là những viên gạch hoa văn đẹp, trang trí rồng, hươu, nai, hổ, báo, voi lồng, ngựa phi… vô cùng phóng khoáng và sinh động. Ông Quân đánh giá, đây là một hiện tượng “chưa từng thấy” trong những bệ đất nung thời Mạc hiếm quý, được đếm không đủ ngón trên một bàn tay.
“Bàn về những di vật, cổ vật ở chùa Trăm Gian và chùa Trầm, chắc sẽ miên miên, vô tận. Cụm di tích chùa Trầm, chùa Trăm Gian, nếu được đầu tư kỹ lưỡng và bài bản, hứa hẹn sẽ xây dựng được những bộ hồ sơ về ký ức, về tư liệu thế giới hoặc Châu Á – Thái Bình Dương”, TS. Phạm Quốc Quân nhận định.
PGS.TS. Chu Văn Tuấn (Viện Nghiên cứu Tôn giáo) cũng cho rằng, chùa Trăm Gian là một di tích Phật giáo có lịch sử lâu đời, chứa đựng nhiều giá trị di sản văn hoá vật thể, phi vật thể. Tuy vậy, cho đến nay, những giá trị tư liệu của chùa vẫn chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ; vẫn còn khá nhiều bi ký, minh văn… chưa được hệ thống hoá, dịch thuật để cung cấp thêm những tư liệu liên quan. Nhiều di vật như tượng Tuyết Sơn, các bức tranh chạm gỗ thập điện Diêm Vương, đôi rồng đá… là những hiện vật quý giá, có giá trị nghệ thuật, lịch sử, được bảo tồn tương đối nguyên vẹn, có thể nghiên cứu, đánh giá để xem xét công nhận bảo vật quốc gia.
Nâng tầm di tích – niềm “thao thức” của giới khoa học
Tại hội thảo, các nhà quản lý đã “hé lộ” một chương trình tu bổ, tôn tạo, quy hoạch và phát huy giá trị cụm di tích chùa Trầm lên tới hơn 200 tỷ đồng. Thống nhất cao với việc đầu tư mạnh tay cho khu di tích nhưng các nhà khoa học cũng đưa ra một đề xuất đó là, cần “nâng tầm” cụm di tích này trở thành di tích quốc gia đặc biệt.
PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia cho biết, do đã chứng tỏ giá trị nổi bật ở cả hai mặt danh lam thắng cảnh và kiến trúc nghệ thuật, nên chùa Trăm Gian và chùa Trầm là 2 trong số 62 di tích được xếp hạng di tích lịch sử – văn hoá cấp quốc gia ngay từ đợt đầu tiên năm 1962. Theo ông Bài, đối chiếu với quy định của Luật Di sản văn hóa hiện nay, cụm di tích chùa Trăm Gian – chùa Trầm “đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của một di tích quốc gia đặc biệt”.
Chia sẻ quan điểm này, GS. Lê Văn Lan cũng cho rằng, chùa Trăm Gian và chùa Trầm đã được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa từ rất sớm. Nhưng giới khoa học và nhân dân vẫn có một “nỗi niềm thao thức, hồi hộp” không biết hai di tích này ở vị thế nào? Chùa Trăm Gian và chùa Trầm có được công nhận di tích quốc gia đặc biệt như nhiều di tích khác hay không? Những lộ trình, công việc cụ thể để xây dựng hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt đối với chùa Trăm Gian và chùa Trầm như thế nào?
Theo GS. Lê Văn Lan đối với việc xếp hạng chùa Trầm và chùa Trăm Gian, hiện có hai phương án, một là làm hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt “ngay và luôn”, để tạo và có những tiền đề tôn tạo nâng cấp hai khu di tích “xứng tầm và vượt tầm”. Phương án thứ hai là chưa tổ chức xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào lúc này, mà chờ đến khi việc khắc phục yếu kém, chỉnh trang, tôn tạo được hoàn tất, để “rõ ra sự xứng đáng với danh hiệu cao cấp và cao quý”.
GS. Lê Văn Lan cho biết, trong hai phương án trên, ông không thiên về phương án nào, mà đề xuất phương án thứ ba. Đó là, song song với việc triển khai hai dự án đầu tư cho chùa Trầm, chùa Trăm Gian, cần tiến hành khẩn trương làm hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, để được xét duyệt đúng vào lúc hoàn thành hai dự án vào năm 2026.
“Đây chính là nội dung công việc của hai dự án 116 tỷ đồng vào chùa Trầm và 92 tỷ đồng vào chùa Trăm Gian đều sẽ được khởi công vào tháng 9/2024 và hoàn công vào năm 2026 như bản báo cáo lập vào tháng 6/2024 đã nói”, GS. Lê Văn Lan nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Trần Đình Thành, việc xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cần xác định lại giá trị của di tích. Bởi lẽ, hồ sơ di tích năm 1962 rất đơn giản, nó không thực hiện theo Luật Di sản văn hoá cũng như không thực hiện theo Pháp lệnh về bảo vệ di tích năm 1984.
“Khi đọc bộ hồ sơ, chúng tôi thấy rằng trước tiên chúng ta phải làm rõ và xác định lại giá trị của 2 di tích. Chúng ta phải thống kê cho được các yếu tố vật chất liên quan để chứng minh tính chân xác khi xếp hạng”, ông Thành nói.
Ông Thành cho biết thêm, việc khoanh vùng bảo vệ di tích theo hồ sơ năm 1962 cũng rất mơ hồ, cho nên để quản lý tốt di tích cần có một bản đồ khoanh vùng bảo vệ tại thời điểm hiện tại.
Băn khoăn của ông Thành không phải là không có lý bởi từng có thời gian chùa Trầm bị xâm hại nặng nề. Nguyên Phó trưởng Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội Đặng Bằng cho biết, những năm 1970, do chính quyền cơ sở quản lý lỏng lẻo, chùa Trầm bị người dân phá đá nung vôi, nay nhìn lại vẫn thấy xót xa… GS. Lê Văn Lan cũng chia sẻ, dù đã là di tích quốc gia, nhưng các di tích này đã bị “phá hoại không thương tiếc”, những tượng Phật, tượng thần, tượng thánh, tượng mẫu… ở hai ngôi chùa đã từng bị xâm hại bởi những lớp sơn mới che phủ, làm mất đi tinh thần, hồn cốt và giá trị nguyên gốc của báu vật, đây là vấn đề cần được lưu tâm.
Dù vậy, TP. Hà Nội vẫn khẳng định mạnh mẽ quyết tâm khơi dậy những giá trị của các di tích, nhằm khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, để nơi đây trở thành điểm tham quan hấp dẫn. Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, ngay trong năm nay, ngành văn hoá Thủ đô cùng với huyện Chương Mỹ sẽ triển khai các bước tiếp theo, với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị tốt hơn nữa hai di tích quốc gia trọng điểm này.
T.Toàn
Nguồn: https://www.congluan.vn/ha-noi-se-nang-cap-chua-tram-chua-tram-gian-thanh-di-tich-quoc-gia-dac-biet-post311954.html