Giải Cánh diều diễn ra khi siêu bão Yagi để lại hậu quả nặng nề, gây lũ lụt nghiêm trọng cho một số tỉnh phía Bắc, vì thế không khí trầm lắng hẳn.
UBND tỉnh Khánh Hòa, các doanh nghiệp, nghệ sĩ (theo lời kêu gọi của Hội Điện ảnh) đã quyên góp từ thiện tiền và quà, gửi đến ủng hộ đồng bào gặp khó khăn ở vùng lũ.
Trước đó, các nghệ sĩ và doanh nghiệp đã thăm và tặng quà tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Khánh Hòa và làng trẻ em SOS Nha Trang. Tất cả cho thấy tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách như truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Giải Cánh diều lần thứ 3 tổ chức tại Nha Trang trong khát vọng của Ban tổ chức để biến Nha Trang thực sự là thành phố điện ảnh, trong bối cảnh nguồn kinh phí thiếu hụt trầm trọng, để lo cho trên 500 đại biểu có thể tham dự giải, Hội Điện ảnh Việt Nam đã phải nỗ lực rất nhiều, huy động nhiều nguồn lực xã hội hóa. Và nhìn chung, mọi việc đã diễn ra suôn sẻ và thành công.
Hội thảo “Điện ảnh Việt Nam từ khi đất nước thống nhất: 50 năm – một chặng đường” mang tính chuyên môn cao, có giá trị học thuật, đưa ra nhiều giải pháp có tính khả thi.
Đêm trao giải tại Nhà hát Đó dù còn một số sơ suất nhỏ đã diễn ra suôn sẻ, tiếc là đoàn làm phim “Mai” đang bận cho một dự án khác nên lên sân khấu nhận giải thay mặt đoàn chỉ có diễn viên Phương Anh Đào.
Năm nay, Hội hợp tác với TikTok lần đầu tiên trao giải cho nam nữ diễn viên yêu thích được khán giả bình chọn qua TikTok là nét mới đáng chú ý cũng như thêm tặng thưởng cho phim truyện đầu tay xuất sắc nhất – “Hai muối” của đạo diễn Vũ Thành Vinh; phim phản ánh đề tài lãnh tụ – “Vầng trăng thơ ấu” – đạo diễn Hồ Ngọc Xum, phim phản ánh đề tài văn hóa dân tộc – “Hồng Hà nữ sĩ” – đạo diễn Nguyễn Đức Việt và “Sáng đèn” – đạo diễn Hoàng Tuấn Cường.
Ngoài ra là giải Nữ diễn viên triển vọng cho Anh Đào trong “Hồng Hà nữ sĩ”.
Sự đăng quang của “Mai” ở hạng mục phim truyện điện ảnh cùng với đó là giải biên kịch, thiết kế mỹ thuật và giải nữ diễn viên chính cho phim, tiếp tục khẳng định Trấn Thành đang trở thành ông vua số 1 của phòng vé phim Việt cũng như điện ảnh Việt đang cân bằng hơn trong việc hướng tới 1 phim vừa nghệ thuật vừa có doanh thu cao.
“Đào, Phở và Piano” của Phi Tiến Sơn – 1 phim lịch sử bi tráng lại là phim Nhà nước duy nhất gây “sốt” phòng vé trong nhiều năm trở lại đây giành Cánh diều bạc quá xứng đáng. Trong khi “Móng vuốt” của Lê Thanh Sơn thoạt nhìn gây bất ngờ khi giành giải bạc nhưng xét kỹ cũng là sự hợp lý cho việc tôn vinh một phim Việt hiếm hoi đi vào thể loại sinh tồn với phần kỹ xảo về động vật khá ấn tượng.
Giải nam diễn viên chính cho Quyền Linh trong phim “Hai muối” như một sự tưởng thưởng, một lời động viên cho một gương mặt gạo cội của điện ảnh Việt sau 20 năm mới tái xuất màn bạc. Trong khi giải nữ diễn viên chính cho Phương Anh Đào trong phim “Mai” thực sự xứng đáng cho một vai diễn nhiều biểu cảm.
Lĩnh vực phim truyện truyền hình, không nằm ngoài dự đoán với sự “thống trị” của Trung tâm Phim truyền hình – Đài truyền hình Việt Nam với giải vàng thuộc về “Gặp em ngày nắng” và 2 giải bạc cho “Cuộc đời vẫn đẹp sao” và “Gia đình mình vui bất thình lình”, chỉ có giải bạc thứ ba thuộc về “Đi về phía lửa” là của Công ty TNHH Truyền hình số Vệ tinh Việt Nam (K+). Mảng phim tài liệu, phim khoa học, Điện ảnh Quân đội nhân dân thắng giòn giã với 1 Cánh diều vàng cho phim tài liệu (phim “Linh ảnh” – đạo diễn Nguyễn Quang Quyết), 1 bằng khen phim tài liệu cùng giải cá nhân Cánh diều vàng cho đạo diễn xuất sắc phim tài liệu và 1 Cánh diều bạc cho phim khoa học…
Các giải thưởng đã trao, liệu những cánh diều vàng, bạc sẽ tiếp tục đi xa đến đâu và có khả năng hội nhập quốc tế mạnh mẽ không, để câu slogan “Đam mê tỏa sáng” của Cánh diều 2024 thực sự mang nhiều ý nghĩa.
PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú – Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nói: Giải Cánh diều là ngày hội lớn của những người làm điện ảnh và truyền hình cả nước, khác với LHP quốc gia chỉ dành cho điện ảnh hay Liên hoan truyền hình toàn quốc là sân chơi của truyền hình.
Nguồn: https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/dieu-bay-trong-gio-1392873.ldo