Chúng tôi trở lại xã Mà Cooih, huyện Đông Giang trong những ngày cuối tháng , trời nắng như đổ lửa trên những cánh đồng ớt. Thời điểm này, cũng là lúc những hộ đồng bào Cơ Tu bước vào vụ thu hoạch ớt A Riêu. Dưới những rừng keo thưa thớt, những đồi ớt hiện ra xanh mướt, xen lẫn trong đó là màu đỏ của những quả ớt chín.
Người Cơ Tu gọi cây ớt có trái nhỏ này là A Riêu, có nghĩa là chim chào mào. Theo người dân địa phương, trước đây loại ớt này chủ yếu mọc trên rừng. Người dân hái về ăn, có vị cay nồng, thơm mùi vị rất riêng, nên ươm hạt trồng thử. Sau đó, nhiều bà con cùng trồng, mỗi nhà một ít, chủ yếu dùng làm gia vị hoặc ăn kèm trong các bữa ăn gia đình. Sau này, người dân bắt đầu bán ra cho những người lân cận hoặc người vùng xuôi lên đã dùng và thích loại ớt này.
Ông Ating Ben (44 tuổi, thôn Cutchơrun) cho biết: “Gia đình tôi trồng được hơn 300 cây ớt A Riêu, hiện đã cho thu hoạch tốt. Tháng 3 hàng năm, gia đình phát rẫy trỉa hạt, thời gian chăm sóc khoảng 3 – 4 tháng là bắt đầu thu hoạch. Cứ khoảng 15 ngày hái một đợt, liên tiếp trong khoảng 6 tháng thì trồng lại cây mới. Không ngờ bám nó lại đổi đời”.
Năm 2016, Hợp tác xã (HTX) Nông lâm nghiệp Mà Cooih ra đời, thu mua ớt cho bà con. Nhờ có đầu ra ổn định, nhiều hộ dân cải thiện được kinh tế từ ớt A Riêu. Ớt sau thu hoạch người dân sẽ bán cho HTX, khoảng 200.000 – 250.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Trái vụ, có lúc giá lên đến 400.000/kg. Mỗi đợt, gia đình kiếm được khoảng 13 – 15 triệu đồng.
Không chỉ ở Mà Cooih, cây ớt A Riêu đã được nhân giống và trồng đại trà ở một số xã ở huyện vùng cao Quảng Nam như Đông Giang, Tây Giang, Nam Trà My. Dù vậy, theo ông A Lăng Diên – Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Mà Cooih, ớt A Riêu trồng trên địa bàn xã vẫn đậm vị hơn, thơm hơn, khác với những nơi khác. Trong thời gian qua, cây đặc sản này đã giúp cho nhiều hộ cải thiện sinh kế, vươn lên thoát nghèo.
Từ đầu năm đến nay, HTX đã hỗ trợ cho 10 hộ dân với khoảng 10.000 cây giống, và hướng dẫn họ gieo trồng một cách hiệu quả nhất. Người dân được hỗ trợ cây giống, sau khi thu hoạch có thể bán lại cho HTX, hoặc chỗ khác nếu giá cao. Tùy thời điểm mà HTX thu mua cho bà con giá có sự dao động, hiện đang từ 180.000 – 200.000 đồng/kg.
Sau khi mua, các thành viên của HTX sẽ chế biến ớt A Riêu thành các sản phẩm, rồi bán ra thị trường với mức giá 200.000-300.000 đồng/kg, tùy sản phẩm. Riêng với ớt tươi, HTX bán ra khoảng 250.000 đồng/kg. “Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ cây giống cho những hộ đăng ký trồng, đồng thời tìm kiếm đầu ra ở những doanh nghiệp lớn hơn, qua đó giúp bà con yên tâm trồng ớt để phát triển kinh tế” – ông Diên nói.
Ông Arất Bói – Chủ tịch UBND xã Mà Cooih, cho biết: Từ một cây dại mọc trong rừng, đến nay ớt A Riêu đã trở thành sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh, góp phần rất lớn vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương. Với cây ớt A Riêu trồng xen kẽ ở dưới các rừng keo, hoặc đất đồi, mỗi hộ có thể thu nhập từ 20 – 50 triệu đồng mỗi năm tùy theo diện tích trồng, cũng như năng suất đạt được.
Ông Đỗ Hữu Tùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, cho biết: Mới đây, UBND huyện đã tổ chức Lễ hội ớt A Riêu lần thứ nhất tại Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang. “Lễ hội nhằm giới thiệu, quảng bá du lịch và sản phẩm ớt A Riêu gắn với phát triển cây dược liệu và du lịch sinh thái đến với du khách trong và ngoài tỉnh. Kích cầu điểm đến du lịch sinh thái Cổng Trời gắn với phát triển sản phẩm ớt A Riêu, tạo điều kiện kết nối tour tuyến du lịch trong thời gian tới. Đây cũng là dịp nhằm vận động các HTX, tổ hợp tác và hộ gia đình tham gia kết nối, giới thiệu sản phẩm nông sản của địa phương, đặc biệt là ớt A Riêu” – ông Tùng cho biết thêm.
Nguồn: https://daidoanket.vn/khi-nguoi-co-tu-ho-bien-cay-dai-thanh-dac-san-10290079.html