(Dân trí) – Người dân hô hoán, khua tay, cố gọi thật to báo cho các chiến sĩ “Chạy đi, chạy nhanh đi”, “Lên bờ ngay đi”. Chỉ huy các lực lượng cũng ngay lập tức ra lệnh “dừng tìm kiếm, di chuyển đến nơi an toàn”.
Khó khăn khi tìm kiếm thi thể nạn nhân tại Làng Nủ (Video: Hoài Thu – Ngọc Tân)
“Chạy đi, chạy nhanh đi”, “Lên bờ ngay đi”. Những tiếng hô hoán thất kinh kèm tiếng kẻng báo động thúc giục các chiến sĩ đang tìm kiếm nạn nhân mất tích vụ lũ quét ở thôn Làng Nủ nhanh chóng rời hiện trường.
Có lẽ rất lâu rồi, chúng tôi mới nghe thấy một âm thanh từ tiếng kẻng báo động giống thời chiến đến thế.
Như một cuộc chiến!
17h ngày 11/9, khi 600 người lính quân đội, công an, dân quân tự vệ đang vén bùn, rẽ nước, lật từng cành cây để tìm thi thể nạn nhân mất tích trong vụ lũ quét kinh hoàng ở Làng Nủ, bất ngờ có cảnh báo lũ về.
Người dân hô hoán, khua tay, cố gọi thật to báo cho các chiến sĩ “Chạy đi, chạy nhanh đi”, “Lên bờ ngay đi”. Chỉ huy các lực lượng cũng ngay lập tức ra lệnh “dừng tìm kiếm, di chuyển đến nơi an toàn”.
Trời lúc đó bắt đầu mưa nặng hạt, nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhanh chóng chỉ đạo lực lượng kiểm lâm bay flycam để xác định nguy cơ lũ về. Sau khi khảo sát, nhà chức trách nhận định “không phải lũ về, nhưng xuất hiện nhiều điểm sạt lở, có nguy cơ cao”.
Theo một cán bộ huyện Bảo Yên, báo động đó xuất phát từ việc người dân bản địa nhìn thấy một túi nước bung ra từ phía thượng nguồn nên hô hoán, nhưng sau khi xác định lại, đó chỉ là một túi nước nhỏ cục bộ bị vỡ, không gây nguy hiểm.
Bối cảnh khi ấy thật giống với lời Chủ tịch UBND huyện Lào Cai Trịnh Xuân Trường nói, đó là phải coi cuộc tìm kiếm các nạn nhân lần này như một cuộc chiến, và phải có phương án rõ ràng.
Một khung cảnh khác, cũng ám ảnh không kém tiếng kẻng báo động, đó chính là tiếng thông báo “có thi thể ở đây”.
Sau nhiều giờ dầm mình dưới mưa và bùn lỏng, các tổ tìm kiếm từ dưới lòng suối, phía trên thượng nguồn và cả dưới hạ lưu nối tiếp nhau hô hoán về việc tìm thấy nạn nhân.
“Bên này tìm thấy một thi thể nhé, cho cáng sang đi”, “Trên này phát hiện một thi thể trẻ em”, tiếng thông báo của các chiến sĩ tham gia tìm kiếm dường như cũng nghẹn lại. Đau xót hơn, đó là tiếng thông báo “chỉ phát hiện một phần thi thể”.
Nghe tin thông báo ở đâu, người nhà nạn nhân mất tích lại tất tả chạy đến để nhận dạng. Họ cứ vừa đi vừa khóc, có lẽ bởi họ tin chẳng có phép màu nào xảy ra.
Phải có cảnh báo từ xa nếu lũ về
Đại tá Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chỉ huy trưởng Sư đoàn 316 (Quân khu 2) cho biết thực hiện chỉ đạo của Tư lệnh Quân khu 2, Sư đoàn 316 đã tổ chức 300 cán bộ chiến sĩ về thôn Làng Nủ, để thực hiện tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, đặc biệt với các nạn nhân đang mất tích.
Phương án được Đại tá Dũng chia sẻ, là xác định từ vị trí đầu tiên nơi sạt núi xuống các hộ gia đình, tìm theo dòng lũ, từ phía trên thượng nguồn rồi tổ chức lực lượng tìm dọc dòng nước lũ đi xuống phía hạ lưu. “Tìm mét vuông nào phải kỹ mét vuông đó, cố gắng sớm đưa thi thể các nạn nhân về”, Phó Chỉ huy trưởng Sư đoàn 316 nói.
Ông cho biết khó khăn lớn nhất trong công tác tìm kiếm là hiện trường vụ sạt lở rất dài với khoảng hơn 6km, diện tích rộng và bùn rất sâu, có nơi 6-8m nên công tác tìm kiếm cứu nạn gặp không ít khó khăn.
Sau một ngày tìm kiếm, cuộc họp rút kinh nghiệm diễn ra cuối giờ chiều 11/9 ngay tại Sở Chỉ huy, với sự tham gia của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường cùng lãnh đạo huyện Bảo Yên và chỉ huy các lực lượng tìm kiếm cứu nạn.
Qua tiếng kẻng báo động lần đầu gióng lên trong cuộc tìm kiếm lịch sử này, Chủ tịch tỉnh Lào Cai lưu ý các lực lượng không được chủ quan, lơ là vì xung quanh có nhiều vị trí sạt lở, nguy cơ cao.
“Chúng ta có hai mũi tìm kiếm, lực lượng gồm cả người dân, dân quân tự vệ, công an, quân đội… Giả sử phía trên xảy ra tình huống lũ về, ở phía dưới sẽ không biết, đó là cái rất nguy hiểm”, ông Trường nói.
Chủ tịch tỉnh chỉ đạo phải có cơ chế phối hợp, điều hành cảnh báo từ xa, khi có sự cố xảy ra phải đảm bảo việc rút lui quân tìm kiếm.
Lãnh đạo chính quyền tỉnh Lào Cai đề nghị khu vực hiện trường cần có đài quan sát, chọn ở vị trí cao, có thể bố trí nhiều kẻng để tăng tính cảnh báo, bởi nếu chỉ có một chiếc kẻng, nhiều vị trí ở xa không nghe thấy.
Nói thêm về nguy cơ lũ chồng lũ, Bí thư Huyện ủy Bảo Yên Hoàng Quốc Bảo chia sẻ theo kinh nghiệm, trước lũ ống thường có quá trình tích nước, cần thời gian và cần đủ nước tích, nên có thể dùng flycam và kết hợp ống nhòm để đảm bảo dự phòng nguy cơ. Riêng ban đêm phải cắt cử người gác vì thường sẽ có tiếng động mạnh trước khi sự cố xảy ra.
“Hết ngày 11/9, còn khoảng 60 người nữa đang nằm dưới suối, rất xót xa”, ông Bảo nói.
Về phương án tìm kiếm, ông đề nghị các lực lượng trong hai ngày đầu cố gắng đi càng nhiều diện tích càng tốt, sau đó mới tiến hành tìm kiếm sâu.
“Đây coi như một cuộc chiến đấu nên phải có phương án, tối nay bàn với nhau xem sáng mai làm những gì”, Chủ tịch tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường tái khẳng định.
Ông yêu cầu không để người dân tự ý tham gia trực tiếp vào việc tìm kiếm bởi họ không được đào tạo bài bản, trong khi hiện trường vẫn là vùng cảnh báo nguy hiểm.
“Người dân tham gia, huyện phải có danh sách, tên tuổi, tính toán xem có bao nhiêu mũi tìm kiếm để bố trí người dân đi cùng hỗ trợ, tư vấn về địa hình”, ông Trường nói.
Với những người dân còn ở lại, ông Trường chỉ đạo huyện Bảo Yên cưỡng chế di dời đến nơi an toàn vì khu vực hiện tại đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Cũng chính vì lý do này, ông Trường thống nhất với phương án các lực lượng tìm kiếm cũng không nên ở lại qua đêm gần hiện trường sạt lở. Ảnh chụp vệ tinh cho thấy chi chít các điểm lỗ chỗ, báo hiệu nguy cơ sạt lở cao.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/am-anh-tieng-keng-bao-dong-lu-ve-tai-lang-nu-20240912001951460.htm