TPO – Liên ngành Sử học – Khảo cổ học – Dân tộc học với 5 ứng viên, trong đó, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan – Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV), ĐHQG TPHCM là ứng viên duy nhất cho chức danh GS.
Theo danh sách ứng viên được đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) do Hội đồng GS năm 2024 công bố, có nhiều ngành, liên ngành chỉ có duy nhất 1 ứng viên cho chức danh GS.
Cụ thể, ở liên ngành Sử học – Khảo cổ học – Dân tộc học có 5 ứng viên (đây là liên ngành có ít ứng viên cho chức danh GS, PGS nhất – PV) nhưng chỉ có duy nhất 1 ứng viên cho chức danh GS đó là bà Ngô Thị Phương Lan – Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM) chuyên ngành Dân tộc học.
PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TPHCM trao quyết định bổ nhiệm lại PGS.TS Ngô Thị Phương Lan giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV |
Bà Ngô Thị Phương Lan (sinh năm 1974), quê ở xã Tân Ân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, từng tốt nghiệp đại học ngành Đông Phương học, chuyên ngành Đông Nam Á học của Trường Đại học KHXH&NV TPHCM năm 1997.
Năm 2002 bà Lan tốt nghiệp thạc sĩ ngành nhân học, chuyên ngành Nhân học văn hóa xã hội của Đại học Toronto, Canada. 10 năm sau, bà được cấp bằng tiến sĩ ngành Lịch sử chuyên ngành Dân tộc học của Trường ĐH KHXH&NV TPHCM. Đến năm 2018, bà Lan được công nhận đạt chuẩn chức danh PGS, chuyên ngành Dân tộc học.
Bà Lan từng trải qua các vị trí từ trợ giảng đến giảng viên, Phó trưởng khoa rồi Phó hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&VN TPHCM. Từ năm 2018, ở tuổi 44, bà Ngô Thị Phương Lan được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&VN TPHCM và được tái bổ nhiệm vị trí này vào năm 2023.
Bà Lan từng hoàn thành nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, đã hướng dẫn 2 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, 19 học viên thạc sĩ, hoàn thành 9 đề tài NCKH từ cấp ĐH Quốc gia TPHCM, cấp trường, cấp bộ. Bà cũng đã công bố 53 bài báo khoa học, trong đó có 5 bài trên tạp chí quốc tế có uy tín. Ngoài ra, bà Lan còn có 13 cuốn sách được xuất bản.
Hướng nghiên cứu của hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM là Nhân học, Dân tộc học kinh tế; Sinh kế tộc người – Nhân học sinh thái và môi trường; Du lịch nông nghiệp – nông thôn; Nhân học phát triển. Nữ hiệu trưởng nhận được nhiều khen thưởng của Nhà nước, các bộ ngành và các tổ chức quốc tế.
Ngoài bà Ngô Thị Phương Lan là ứng viên GS duy nhất của Liên ngành Sử học – Khảo cổ học – Dân tộc học, nhiều ngành/liên ngành khác ở vị trí chức danh GS cũng chỉ có 1 ứng viên.
Chẳng hạn, ngành Luyện kim có ông Đoàn Đình Phương hiện đang công tác tại Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Ngành Tâm lý có ông Lê Quang Sơn hiện đang là Phó giám đốc phụ trách Khoa học Công nghệ, Hợp tác quốc tế và Đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH Đà Nẵng.
Ngành Thủy lợi có ông Phạm Quý Nhân hiện đang là giảng viên cao cấp, công tác tại Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.
Ngành Cơ học có ông Trương Tích Thiện đang là giảng viên cao cấp bộ môn Cơ kỹ thuật, khoa Khoa học ứng dụng của Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM).
Ngành Dược học có ông Trần Việt Hùng – Viện trưởng tại Viện kiểm nghiệm thuốc TPHCM, đồng thời là giảng viên, Phó trưởng khoa Dược của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Ngành giao thông-vận tải có ông Bùi Tiến Thành đang là giảng viên, Trưởng khoa Công trình tại Trường ĐH Giao thông Vận tải.
Ngành Khoa học giáo dục có ông Cao Cự Giác là giảng viên, Phó Trưởng Khoa Hoá học của Trường ĐH Vinh (Nghệ An).
Ngành Luật học có ông Nguyễn Quốc Sửu đang là giảng viên cao cấp, Phó giám đốc Học viện hành chính Quốc gia.
Theo Hội đồng Giáo sư Nhà nước, năm nay có 673 ứng viên tham xét công nhận chức danh GS, PGS. Trong số này, ứng viên GS trẻ nhất là ông Trần Quốc Trung (38 tuổi), Trường ĐH Ngoại thương tại TPHCM và ứng viên PGS trẻ nhất là ông Đỗ Quang Lộc (32 tuổi), Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM).
Từ 31/8 đến 27/9, các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành xét công nhận đạt tiêu chuẩn các chức danh trên. Từ ngày 21/10 đến 3/10, Hội đồng Giáo sư nhà nước họp xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2024.
Nguồn: https://tienphong.vn/nu-hieu-truong-truong-dh-khxhnv-tphcm-la-ung-vien-giao-su-duy-nhat-nganh-dan-toc-hoc-post1672115.tpo