Công an tỉnh Phú Thọ vừa mời một số đối tượng là chủ các tài khoản mạng xã hội lên làm việc vì đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật liên quan đến các vụ vỡ đê ở Yên Lập, bão lũ ở Hạ Hòa, sập cầu Phong Châu…
Tương tự, Công an tỉnh Hải Dương ngày 10.9 cũng đã triệu tập 5 người tung tin sai sự thật về việc “Hải Dương vỡ đê” trên mạng xã hội.
Đây chỉ là những ví dụ, bởi trong ngày 9.9, còn rất nhiều tài khoản mạng xã hội khác đăng tải, chia sẻ thông tin sai lệch về tình trạng vỡ đê, ngập lụt, thiệt hại nặng nề ở các địa phương như Quảng Ninh, Thái Nguyên… khiến người dân cả nước hoang mang.
Điều này khiến các phương tiện truyền thông chính thống rất vất vả khi phải liên tục xác minh, “đính chính” các vụ việc để trấn an dư luận.
Những chủ tài khoản này cần phải được “mời làm việc” và xử lý thật nghiêm khắc để răn đe và làm gương cho những người khác.
Trong khi nhiều địa phương đang hết sức nỗ lực xử lý các vấn đề do mưa bão, sạt lở, lũ quét hoành hành, gây mất mát lớn cả về người và tài sản, những hành vi lan truyền thông tin sai lệch không chỉ gây hoang mang dư luận mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng chống lụt bão và tình hình an ninh, trật tự.
Bên cạnh đó, trong khi đồng bào cả nước đang chung tay giúp đỡ miền Bắc bằng những hành động thiết thực, từ việc quyên góp vật chất, tiền bạc đến việc trực tiếp tham gia vào công tác cứu hộ, cứu trợ, thì lại có những người thiếu ý thức, lan truyền những thông tin sai sự thật, gây thêm nỗi lo cho cộng đồng.
Hành vi đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật trong bối cảnh này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn thể hiện sự vô trách nhiệm với xã hội.
Điều đáng nói là khi bị cơ quan chức năng mời lên làm việc, hầu hết các chủ tài khoản đều biện minh rằng bản thân khi sử dụng mạng xã hội, thấy nhiều người đăng tải thì nghĩ đó là thông tin thật nên đã đăng tải, chia sẻ lại.
Những vụ “mời lên làm việc” như thế này, đồng thời có hình thức xử lý nghiêm khắc sau đó, cũng là bài học để nâng cao ý thức của một bộ phận người dân khi sử dụng mạng xã hội.
Không lan truyền hoang tin – tin đồn thất thiệt, mà bình tĩnh kiểm chứng thông tin từ nguồn báo chí chính thống trước khi chia sẻ, cũng chính là một cách đóng góp tích cực vào công cuộc khắc phục hậu quả thiên tai.
Chỉ cần không hoang tin cũng đã là một cách chia sẻ với đồng bào đang ngày đêm oằn mình chống chọi với mưa lũ!
Nguồn: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/khong-hoang-tin-cung-la-cach-chia-se-voi-dong-bao-lu-lut-1392416.ldo