Hiện Trung Quốc đã cơ bản hình thành hệ thống bảo vệ di sản văn hóa lịch sử thành thị và nông thôn đặc sắc rõ ràng, đa dạng chủng loại phong phú, số lượng lớn.
Theo Bộ Nhà ở và Xây dựng Đô thị Nông thôn Trung Quốc, hiện nước này có 142 thành phố, 312 thị trấn, 487 làng văn hóa lịch sử; 8.155 ngôi làng truyền thống và hơn 1.200 khu phố văn hóa lịch sử. Cả nước hiện có 67.200 kiến trúc lịch sử đã được nhà nước công nhận.
Trong việc xây dựng thành phố và nông thôn, Trung Quốc đã chuyển đổi quan niệm quản lý từ “phá bỏ-cải tạo-lưu giữ” thành “lưu giữ, cải tạo, phá bỏ,” giữ lại một loạt khu phố cũ, phố cổ, ngõ cũ, giữ lại nếp sống xưa.
Chính quyền Bắc Kinh cũng đã thực hiện các dự án thí điểm bảo vệ và sử dụng các kiến trúc lịch sử, tổ chức và thực hiện các dự án cải thiện môi trường toàn diện tại các khu phố lịch sử và văn hóa… Điều này không chỉ cải thiện môi trường sống, mà còn bảo vệ di sản lịch sử và văn hóa, làm cho các thành phố trở nên đặc sắc và hấp dẫn hơn.
Lãnh đạo Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị-Nông thôn Trung Quốc cho biết trong thời gian tới, bộ này sẽ tập trung vào bảo vệ, sử dụng, giám sát và xây dựng nền tảng, đồng thời hướng dẫn chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường điều tra và công nhận các kiến trúc lịch sử; đưa các kiến trúc lịch sử và di sản văn hóa thuộc nhiều loại hình, thuộc các giai đoạn lịch sử khác nhau, mang tính đặc trưng của địa phương vào Danh sách bảo vệ, nhằm đảm bảo di sản lịch sử, văn hóa quan trọng của từng thời kỳ được bảo vệ một cách có hệ thống.
Bên cạnh đó, bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc bảo vệ, tu bổ, sửa chữa và phục hồi các khu phố di tích lịch sử, văn hóa cũng như các công trình kiến trúc lịch sử; khuyến khích chính quyền địa phương sử dụng nhiều hơn các phương pháp cải tạo vi mô, để bù đắp những thiếu sót về cơ sở hạ tầng và cơ sở dịch vụ công cộng./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/trung-quoc-no-luc-trung-tu-va-phuc-hoi-cac-di-tich-lich-su-van-hoa-post975859.vnp