Liên tục bơm thêm nhân lực, thiết bị
Công trường gói thầu XL02 dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Vân Phong – Nha Trang gần 1 tháng nay như có một diện mạo mới khi sản lượng thi công thay đổi từng ngày.
Thi công bê tông nhựa tại dự án cao tốc đoạn Vân Phong – Nha Trang.
Trở về văn phòng ban điều hành hiện trường sau một vòng kiểm tra các mũi thi công, kỹ sư Trần Bá Lam, Chỉ huy trưởng gói thầu XL02 (thuộc Tập đoàn Sơn Hải) cho biết, trên phạm vi đảm nhận thi công, nhà thầu đang huy động 550 nhân lực, 300 đầu máy thiết bị các loại. So với trước khi phát động thi đua, nhân lực tăng hơn 1,35 lần, máy móc thiết bị tăng gần 1,5 lần.
Sáng 18/8, từ điểm cầu chính tại dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã phát động thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc”.
Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy Đảng phải quyết liệt chỉ đạo sát sao; cả hệ thống chính trị phải vào cuộc; chính quyền phải hành động quyết liệt.
Về tổng thể, các bộ, ban, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phải thực sự vào cuộc coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ đã được giao.
Trong mọi trường hợp khó khăn, vướng mắc, các lực lượng tham gia dự án cần đồng tâm hiệp lực “chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Địa phương có nguồn vật liệu phải tích cực hỗ trợ cho địa phương khó khăn hơn, cấp trực tiếp cho chủ đầu tư, nhà thầu.
Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công nêu cao tinh thần trách nhiệm, huy động tối đa máy móc, phương tiện, tổ chức thi công khoa học, liên tục, “đã ra quân là chiến thắng”, đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm, hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được.
“Nỗ lực ngày đêm, sản lượng thi công của Tập đoàn Sơn Hải tại dự án hiện đạt hơn 75% giá trị hợp đồng, vượt hơn 10% so với kế hoạch”, ông Lam thông tin.
Ông Lê Quốc Dũng, quyền Giám đốc Ban QLDA 7 (chủ đầu tư) cho biết, sản lượng thi công toàn dự án Vân Phong – Nha Trang đạt gần 71% giá trị các hợp đồng. Trên công trường hiện đang huy động 30 mũi thi công với 1.330 nhân sự, 800 thiết bị.
Tương tự, tại gói thầu XL01 dự án đoạn Chí Thạnh – Vân Phong, 10 mũi thi công với hơn 100 đầu máy thiết bị, hơn 140 kĩ sư công nhân đang được Tổng công ty Thăng Long huy động để bứt tốc hạng mục cầu, đường.
Theo đại diện nhà thầu, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại lễ phát động thi đua, tất cả những ngày thời tiết thuận lợi đều được tranh thủ từng giờ. Giá trị thực hiện trung bình theo tuần hiện được nâng lên 8 tỷ đồng, tăng 1,5 tỷ đồng so với thời điểm trước đó.
Tại dự án cao tốc đoạn Hàm Nghi – Vũng Áng, xác định mốc về đích dịp 30/4/2025, sớm hơn kế hoạch ban đầu khoảng 6 tháng cần sự quyết tâm rất lớn, ban điều hành cùng nhà thầu, tư vấn giám sát và nhà thầu đã rà soát tiến độ các hạng mục quan trọng. Chạy đua với thời gian, 53 mũi thi công khoảng 750 xe máy thiết bị các loại đang thường trực trên công địa. Hiện, sản lượng thi công đạt khoảng 55% giá trị hợp đồng.
Tại Hà Tĩnh, ông Hồ Ngọc Loan, Phó giám đốc Ban QLDA Thăng Long (Bộ GTVT) – chủ đầu tư dự án Hàm Nghi – Vũng Áng cho biết, với mục tiêu rút ngắn tiến độ trước 8 tháng để đưa vào khai thác dịp tháng 4/2025, các nhà thầu bố trí tối đa nhân lực, máy móc, chia “3 ca, 4 kíp” thi công suốt ngày đêm. Tới thời điểm này, toàn tuyến đã đạt trên 50% giá trị hợp đồng.
Ghi nhận của PV tại khu vực miền Trung – Tây nguyên, nhà thầu cũng đang tập trung tối đa nhân lực, thiết bị để tăng tốc như tại các dự án: Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, Chí Thạnh – Vân Phong, Vạn Ninh – Cam Lộ…
Tăng tốc rút ngắn tiến độ cao tốc trục ngang
Hòa chung khí thế với đại công trường cao tốc trục dọc, tại các dự án cao tốc trục ngang, các nhà thầu cũng đang khẩn trương khắc phục khó khăn, tăng tốc tiến độ.
Thi công tuyến chính tại dự án cao tốc đoạn Hàm Nghi – Vũng Áng.
Đảm nhận thi công 10 cầu, gần 6km đường tại dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết, lũy kế giá trị thực hiện của đơn vị đến nay đạt gần 270/2.433 tỷ đồng.
Cùng với các mũi thi công cầu, đường, hầm Phượng Hoàng – công trình hầm xuyên núi lớn nhất tuyến đang được rốt ráo triển khai. Mục tiêu đến tháng 12/2025, hầm sẽ được đào thông, vượt kế hoạch 6 tháng.
Nỗ lực bám đuổi tiến độ, song đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết, nguồn vật liệu vẫn đang gặp khó khăn.
Theo thiết kế, gói thầu XL01 dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột sử dụng các mỏ cát Đức Anh, Hưng Vũ, Phương Tài, Đoàn Kết… Trong đó, đơn giá vật liệu cát thi công của gói thầu đang áp dụng cho mỏ cát Đức Anh. Thế nhưng, đến nay, mỏ cát này vẫn chưa được tỉnh Đắk Lắk cấp phép khai thác.
Với các mỏ cát còn lại (Hưng Vũ, Phương Tài, Đoàn Kết)… có chất lượng chưa ổn định do hàm lượng bùn sét khá cao. Để tháo gỡ, chủ đầu tư đã giao Công ty CP 484 đại diện các nhà thầu khai thác mỏ cát Sông Krông Bông theo cơ chế đặc thù.
Cung đường vận chuyển từ mỏ về gói thầu rất khó khăn dẫn đến giá cát tăng cao. Nhà thầu thực tế phải bỏ ra là 580.000 đồng/m3 so với giá dự toán là gần 370.000 đồng/m3.
Với dự án Hậu Giang – Cà Mau, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, sau lễ phát động, trên công trường hiện đang triển khai 163 mũi thi công với gần 1.900 nhân sự. 100% đều làm việc tăng ca, kíp đẩy nhanh tiến độ, bù lại khối lượng bị chậm.
Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, quá trình triển khai các thủ tục điều phối, cấp phép, nâng công suất các mỏ tại các địa phương vẫn khá chậm.
Theo đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), để hoàn thành công tác đắp gia tải đến tháng 12/2024 của các dự án khu vực này, nhu cầu cát cần gần 16 triệu m3. Tính đến tháng 8/2024, khối lượng cát còn thiếu khoảng hơn 8 triệu m3.
Dù đã xác định đủ nguồn cung nhưng công suất khai thác còn hạn chế, đạt trung bình 45.000m3/ngày (cát sông 40.000m3/ngày, cát biển 5.000m3/ngày), trong khi nhu cầu khoảng 79.000m3/ngày”.
Sớm gỡ vướng mắc mặt bằng
Với dự án Vân Phong – Nha Trang, lãnh đạo ban điều hành dự án cho rằng, vướng mắc lớn nhất hiện nay là công tác GPMB, đặc biệt là công tác di dời hạ tầng kỹ thuật.
Thi công đào hầm Tuy An trên cao tốc Chí Thạnh – Vân Phong.
“Đến nay, chỉ có công tác di dời hạ tầng kỹ thuật điện cao thế huyện Vạn Ninh có chuyển biến. Các huyện, thị xã còn lại triển khai rất chậm. Địa phương cần chỉ đạo các sở, ngành tập trung phối hợp, hoàn thành dứt điểm và GPMB trạm dừng nghỉ bàn giao cho đơn vị thi công trong tháng 9/2024”, lãnh đạo ban điều hành dự án đề xuất.
Đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, ngay sau lễ phát động thi đua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã nhanh chóng chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với chủ đầu tư, nhà thầu tháo gỡ vướng mắc GPMB. Tuy nhiên, đến nay, tiến độ GPMB ở hầu hết các dự án vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng.
Điển hình, tính đến cuối tháng 8/2024, dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 nhận bàn giao hơn 719km mặt bằng (đạt 99,7%). Phần mặt bằng còn lại chủ yếu là đất thổ cư, thủ tục di dời phức tạp và các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Đặc biệt, công tác di dời đường điện cao thế ở một số địa phương còn chậm như: Hà Tĩnh, Quảng Trị, Phú Yên, Khánh Hòa, Hậu Giang.
Với dự án Biên Hòa – Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai mới bàn giao hơn 42% diện tích mặt bằng.
Ở dự án Vành đai 3 TP.HCM, trong khi TP.HCM, tỉnh Long An cơ bản hoàn thành công tác GPMB, tỷ lệ bàn giao mặt bằng tại tỉnh Đồng Nai mới đạt khoảng 40%, tỉnh Bình Dương đạt 90%.
Hay tại dự án Hòa Liên – Tuý Loan, địa phương cũng mới bàn giao được gần 90% diện tích mặt bằng dù thời gian triển khai đã diễn ra khoảng 1 năm.
“Vướng mắc trong xác định nguồn gốc đất, một số hộ dân chưa đồng thuận với phương án đền bù hoặc đang chờ di chuyển tới các khu tái định cư là những nguyên nhân chủ yếu”, đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng chia sẻ, đồng thời cho biết, Bộ GTVT đã đề nghị các địa phương huy động tối đa nguồn lực, tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc, phối hợp với Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoàn thành di dời đường điện cao thế trong thời gian sớm nhất.
Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Vành đai 3 tăng tốc
Ngày 8/9, PV có mặt tại dự án cầu Nhơn Trạch, thuộc dự án thành phần 1A Vành đai 3 TP.HCM và ghi nhận, hơn 500 công nhân, kỹ sư tập trung thi công các hạng mục trên tuyến. Theo kế hoạch của nhà thầu, giữa tháng 9 sẽ hợp long nhịp đầu tiên giữa trụ chính và trụ biên phía bờ Đồng Nai.
Ông Lê Đình Hoàng Chương, Phó giám đốc Ban điều hành dự án 1A (Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, chủ đầu tư) cho biết, cầu Nhơn Trạch đã đạt 80% khối lượng. Phần đường dẫn đã đạt khoảng 37%.
Tương tự, đoạn Vành đai 3 qua quận 9 (cũ), hàng trăm công nhân, kỹ sư, tư vấn giám sát, chủ đầu tư… cũng miệt mài ngày đêm, thi công “3 ca, 4 kíp”, xuyên lễ. Tại gói thầu xây lắp XL3, đại diện nhà thầu Định An cho biết, tổng sản lượng thực hiện đạt trên 500 tỷ đồng, chiếm 31%.
Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, dự án thành phần 1 đường Vành đai 3 TP.HCM có 14 gói thầu xây lắp và bốn gói thầu phục vụ vận hành khai thác. Tổng khối lượng thi công đạt gần 18%.
Sau rất nhiều nỗ lực của chính quyền TP.HCM và tổ công tác Chính phủ, tiến độ cấp phép mỏ cát cho dự án của ba tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre đang được đẩy nhanh. Khoảng giữa tháng 9, những sà lan cát đầu tiên từ miền Tây sẽ được đưa về công trường.
“Các đơn vị đang đảm bảo tiến độ để cuối tháng 1/2026 thông xe kỹ thuật, đến 30/4/2026 thông xe chính thức lõi cao tốc; từ tháng 6-8/2026 sẽ hoàn thành toàn bộ dự án”, ông Phúc nói.
Ông Đặng Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An, cho biết tiến độ Vành đai 3 qua địa phương đang được triển khai tốt, đạt trên 35%. Trong khi đó, đoạn qua tỉnh Bình Dương đã khởi công 4/4 gói thầu, đạt gần 14% khối lượng.
Lo ngại nhất là đoạn Vành đai 3 qua Đồng Nai đến nay vẫn còn vướng mặt bằng khá nhiều. Tuy nhiên, ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định trong tháng 9 sẽ bàn giao hết.
Tại dự án thành phần 1 cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, việc thi công đang diễn ra chủ yếu trên những đoạn đã có mặt bằng liền mạch từ phường Tam Phước (Biên Hòa) đến xã Long Đức (Long Thành). Những đoạn còn lại do chưa giao mặt bằng, công nhân chỉ có thể đúc cấu kiện tại bãi và chờ đợi.
Ông Ngô Thế Ân, Giám đốc Ban Quản lý Dự án xây dựng công trình giao thông Đồng Nai cho biết lũy kế giải ngân của dự án mới chỉ đạt trên 13% vì vướng mắc mặt bằng.
Tại dự án thành phần 2, sau lễ phát động 500 ngày đêm, tiến độ thi công đã có dấu hiệu khởi sắc. Ông Nguyễn Ngọc Hà, Giám đốc Ban quản lý dự án thành phần 2, cho biết đã đạt được 13% sản lượng, nhưng tiến độ vẫn bị ảnh hưởng do thiếu hụt mặt bằng và vật liệu.
Minh Tuệ – Mỹ Quỳnh
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/khi-the-moi-tren-cong-truong-cao-toc-192240910004603919.htm