Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris và cự Tổng thống Donald Trump sẽ trực tiếp mặt đối mặt trên sân khấu tranh luận tối nay (giờ Mỹ), đúng 8 tuần trước cuộc đối đầu chính thức của họ trên lá phiếu. Giới bình luận nhận định là “những khoảnh khắc quan trọng có thể xoay chuyển cuộc đua năm 2024 đang vô cùng sít sao”.
Bầu cử Mỹ 2024: Cuộc đối đầu lịch sử Harris-Trump có thể xoay chuyển tình thế? (Nguồn: Getty Images) |
Cuộc tranh luận được tổ chức tại Philadelphia và bắt đầu lúc 9 giờ 00 theo giờ miền Đông nước Mỹ, cũng là lần đầu tiên Phó tổng thống và cựu Tổng thống trực tiếp gặp nhau.
Tờ Business Insider bình luận, đây là một cuộc đối đầu có rủi ro cao đối với cựu Tổng thống, vì sự xuất hiện của bà Harris có vẻ như đã biến những gì từng giống như là chiến thắng chắc chắn của ông Trump về cơ bản trở lại một cuộc chiến ngang tài ngang sức.
Trong khi, việc tham gia cuộc tranh luận có vẻ sẽ tạo đà cho bà Harris khi ông Trump đã phải rất nỗ lực để đưa ra một cuộc tấn công rõ rang, khi ông đã bị mất đi vị thế kể từ khi đương kim Tổng thống Biden rời khỏi cuộc đua và tuyên bố ủng hộ “cánh tay phải” của mình.
Một cuộc thăm dò mới công bố của Times/Siena cho thấy, ông Donald Trump chỉ còn có lợi thế một điểm so với bà Kamal Harris trong số những cử tri tiềm năng. Nhà dự báo bầu cử Nate Silver cho rằng, ông Trump là ứng cử viên được yêu thích hơn một chút để giành chiến thắng tại Đại cử tri đoàn, do đó ông gần với chiến thắng hơn.
Vậy, kế hoạch của các ứng cử viên là gì? Các cuộc thăm dò liên tục cho thấy, cử tri Mỹ hiện coi “sức khỏe” nền kinh tế là vấn đề lớn nhất trong cuộc bầu cử.
Tất nhiên, đối với cựu Tổng thống Trump, trọng tâm ghi điểm chỉ có thể là nền kinh tế, vì đây được nhận định là ưu tiên hàng đầu của cử tri, điểm mạnh của ông và cũng là điểm yếu của bà Harris.
Cuộc thăm dò mới nhất của Times cho thấy, ông Trump (55%) có lợi thế lớn so với bà Harris (42%) về việc ai sẽ có đủ khả năng xử lý, lèo lái tốt hơn những vấn đề trong nền kinh tế. Điều này đồng nghĩa chênh lệch lên đến 13% giữa hai ứng viên.
Một cuộc thăm dò của Tạp chí Phố Wall vào cuối tháng 8 cũng cho thấy, ông Trump có lợi thế khoảng 8%, khi cử tri được hỏi ai sẽ xử lý tốt nhất nền kinh tế. Ông cũng dẫn trước 5 điểm về khả năng xử lý lạm phát tốt hơn.
Biên độ chênh lệch của cựu Thống Trump có vẻ khá tốt, nhưng chúng còn lâu mới đạt được lợi thế 20 điểm mà ông từng dẫn trước Tổng thống Joe Biden về cả hai vấn đề trên vào cuối năm ngoái.
Bất chấp những kết quả khả quan của nền kinh tế trong vài tháng qua, người dân Mỹ nhìn chung vẫn không mấy mặn mà với cách vận hành của chính quyền Tổng thống Biden mà bà Harris đang giữ vai trò cấp phó. Phần lớn cử tri Mỹ cho rằng, bà Harris phải chịu một phần trách nhiệm cho việc giá cả tăng, các vấn đề phát sinh khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan và cả những vấn đề tại biên giới Tây Nam nước Mỹ.
Trước cuộc tranh luận, giới truyền thống Mỹ bình luận, theo phong cách điển hình của cựu Tổng thống Trump, hãy “chuẩn bị tinh thần” cho một số lời chỉ trích đối với đối phương. Ông Trump có thể sẽ nhắm vào những “điểm yếu” lớn nhất của bà Harris – nhấn mạnh vào những quan điểm thay đổi gần đây của bà Phó tổng thống là những lời nói không đáng tin cậy, không chân thành.
Trong khi đó, bà Harris sẽ tìm cách thiết lập và nhấn mạnh một số kế hoạch kinh tế của riêng mình. Gần đây, bà Phó tổng thống Mỹ đã thêm một loạt quan điểm chính sách vào trang web chiến dịch tranh cử, trong đó, thể hiện sự sẵn sàng thoát khỏi cách giải quyết của chính quyền đương nhiệm trong một số vấn đề lớn.
Chẳng hạn, bà Harris đã đề xuất tặng tới 25.000 USD cho những người mua nhà lần đầu, khoản tín dụng thuế tiềm năng 50.000 USD cho các chủ doanh nghiệp nhỏ và thậm chí còn bất đồng quan điểm với Tổng thống Biden khi đề xuất mức thuế thu nhập đối với người có thu nhập ít nhất 1 triệu USD chỉ là 28% – thấp hơn mức 39,6% do Nhà Trắng đề xuất.
Tuy nhiên, theo giới truyền thông Mỹ, đối với một số người Mỹ, đặc biệt là nhóm người ở Phố Wall “cuộc chiến” liên miên giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã trở thành “cơn đau đầu” hơn bất cứ điều gì khác.
Trong ngành tài chính Mỹ có rất nhiều người thẳng thắn lên tiếng ủng hộ — và cả cam kết quyên góp — đối với cả hai bên. Nhưng đối với một số nhà đầu tư vốn tư nhân và các nhà quản lý quỹ đầu cơ, việc tham gia vào “cuộc đấu khẩu” này chỉ có nghĩa là họ sẽ dành ít thời gian hơn để quản lý tiền của mình.
Cũng giống như quan điểm của một số người ở Thung lũng Silicon. Việc tranh luận liên tục về cuộc bầu cử Mỹ khiến một số người cảm thấy thất vọng, đặc biệt là vào thời điểm mà rất nhiều doanh nghiệp và công ty khởi nghiệp đang gặp khó khăn.
Tất nhiên, ủng hộ bên nào hay chọn cách “không quan tâm” là đặc quyền của cử tri Mỹ, nhưng không có nghĩa là mọi người trong ngành công nghệ và tài chính đều thờ ơ với cuộc bầu cử có tầm ảnh hưởng lớn này.
Trước những kết quả trên, cả hai ứng viên Tổng thống Mỹ đều muốn tạo sự khác biệt tại cuộc tranh luận này. Tờ Politico nhận xét, sau “tuần trăng mật” chính trị ngọt ngào, đà tăng tiến của bà Harris đã chậm lại nhưng chưa ngừng hẳn. Còn đối với ông Trump, dù trải qua một tháng rưỡi bị đánh giá là bết bát song cựu Tổng thống Mỹ vẫn cho thấy sự bền bỉ đáng gườm.
Nguồn: https://baoquocte.vn/bau-cu-my-2024-cuoc-doi-dau-lich-su-trump-harris-co-the-xoay-chuyen-tinh-the-loi-the-cua-nha-kinh-doanh-lao-luyen-co-tao-su-khac-biet-285757.html