Mở cửa phiên giao dịch sáng 10-9, thị trường chìm trong sắc đỏ và liên tục giảm do áp lực bán tăng mạnh, xuống quanh mức 1.255 điểm.
Đến phiên chiều, thị trường có nhiều nhịp điều chỉnh tuy nhiên kết phiên, VN-Index vẫn giảm mạnh 12 điểm, đóng cửa tại 1.255 điểm. Thanh khoản khớp lệnh trên sàn HOSE giảm, với 601,5 triệu cổ phiếu.
Rổ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 giảm 13 điểm, đóng cửa tại 1.294 điểm. Trong nhóm, chỉ có 5 cổ phiếu tăng giá, gồm VJC (+1,2%), TPB (+1,1%), MWG (+0,4%), BCM (+0,4%) và VNM (+0,1%).
Ngược lại, 24 mã đóng cửa trong sắc đỏ như SSB (-6,1%), VRE (-4,5%), TCB (-1,8%)…
Trong phiên hôm nay, cổ phiếu VNZ của Công ty CP VNG đã gây chú ý khi tiếp tục giảm mạnh 59.000 đồng/cổ phiếu (tương đương 14,9%), xuống còn 334.500 đồng/cổ phiếu. Khối lượng khớp lệnh cao đột biến, gấp hơn 80 lần so với đầu tháng 9-2024, đạt gần 36.000 đơn vị.
Đáng chú ý, đây là phiên thứ 3 liên tiếp cổ phiếu này lao dốc. So với phiên ngày 6-9, cổ phiếu VNZ đã “bốc hơi” hơn 35%, tương ứng giảm 180.500 đồng/cổ phiếu và so với đầu năm 2024, cổ phiếu VNZ giảm mạnh gần 50%.
Khối ngoại trong phiên 10-9 tiếp tục bán ròng trên sàn HOSE với giá trị 385,9 tỉ đồng, trong đó bán mạnh cổ phiếu MSN (-109,1 tỉ đồng), FPT (-104,7 tỉ đồng), VPB (-78,6 tỉ đồng)…
Ở chiều ngược lại, họ mua nhiều tại VHM (+72,8 tỉ đồng), VNM (+67,9 tỉ đồng), CTG (+50,2 tỉ đồng)…
Theo Công ty Chứng khoán VCBS, thị trường suy yếu do thiếu động lực từ lực cầu và tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khiến diễn biến điều chỉnh rung lắc tiếp diễn ở phiên hôm nay.
VCBS khuyến nghị nhà đầu tư giữ tâm lý bình tĩnh, không nên vội vàng bán ra và theo dõi sát diễn biến thị trường, kiên nhẫn đợi nhịp hồi phục để có chiến lược giao dịch đảm bảo lợi nhuận. Với diễn biến hiện tại, 1.250 điểm sẽ là vùng hỗ trợ đáng tin cậy của thị trường và xác suất cao sẽ sớm có nhịp phục hồi tại vùng điểm này.
Theo Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), VN-Index kỳ vọng sẽ sớm lấy lại nhịp tăng trong thời gian tới, từ đó mở ra cơ hội hướng đến mục tiêu quanh 1.280 điểm một lần nữa.
Nhà đầu tư có thể kỳ vọng khả năng hồi phục ngắn hạn của thị trường, đồng thời nên ưu tiên các cổ phiếu có diễn biến ổn định và thu hút dòng tiền trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, tạm thời vẫn cần cân nhắc nhịp hồi phục để chốt lời ngắn hạn hoặc cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.
Nguồn: https://nld.com.vn/co-phieu-vnz-cua-cong-ty-cp-vng-giam-manh-lien-tiep-ba-phien-19624091018034203.htm