Phát biểu tại sự kiện, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn – Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội cho biết: “Ngày Sân khấu Việt Nam là cơ hội để những người làm nghề bày tỏ lòng biết ơn tới tiên tổ, đến các bậc tiền nhân, đã vượt qua mọi định kiến của xã hội mà sáng tạo nên một loại hình nghệ thuật sân khấu độc đáo có giá trị làm giàu cho bản sắc văn hóa, và để tri ân khán giả đã đồng hành cùng với các văn nghệ sĩ, bảo tồn, phát triển nghệ thuật sân khấu cách mạng Việt Nam.
Đồng thời, đây cũng là dịp để nhìn lại hoạt động vừa qua, để đánh giá những thành tích đã đạt được và những hạn chế yếu kém, để từ đó khắc phục, đoàn kết, phấn đấu, sáng tạo nhiều tác phẩm có nội dung tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao, góp phần xây dựng đời sống tinh thần, cổ vũ toàn dân đoàn kết, phấn đấu đưa Thủ đô xứng đáng là Thành phố sáng tạo của UNESCO”.
Tiếp nối thành công của năm 2023. Hội Sân khấu Hà Nội đã có nhiều hoạt động sôi nổi trong 9 tháng đầu năm. Năm 2024 với nhiều ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử, chính trị quan trọng của đất nước, Thủ đô; trong đó một số ngày kỷ niệm năm chẵn đó là: Kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức chuyến đi thực tế sáng tác và trao đổi nghề nghiệp cho hội viên Hội Sân khấu Hà Nội tại Điện Biên – Sơn La từ ngày 22/4 đến 24/4/2024.
Trong thời gian chỉ 3 ngày đến với những địa danh đã trở thành di tích lịch sử đặc biết quốc gia; được tiếp xúc, giao lưu nên các tác giả và thành viên trong đoàn đã có nhiều ấn tượng, xúc động, nhiều cảm xúc trong chuyến đi này. Từ đó các tác giả thể nắm bắt, tìm hiểu kỹ hơn một số nội dung mà các tác giả đã có ý tưởng hoặc qua chuyến đi thực tế nhận ra ý tưởng đó, để từ đó các tác giả tiếp tục nghiên cứu tìm tài liệu đi sâu hơn nữa về các đề tài, nội dung định viết và hình thành, xây dựng nên các tác phẩm của mình sau này.
“Hội Sân khấu Hà Nội đã tổ chức hội thảo với chủ đề ‘Thực trạng và giải pháp của lý luận phê bình sân khấu hôm nay’ đã thu được nhiều ý kiến đóng góp phát biểu từ những bài tham luận có chất lượng cao mang tính lý luận khoa học sâu sắc, thiết thực nhằm tìm ra các giải pháp, gây được ấn tượng trong giới Văn học nghệ thuật nói chung, và ngành Sân khấu nói riêng” – NSND Hoàng Tuấn cho biết.
Ngoài ra, Hội Sân khấu còn tổ chức làm thẻ hội viên và rà soát danh sách hội viên cũng như các Chi hội Nhà hát thuộc Hội Sân khấu Hà Nội. Hội còn tổ chức cho các hội viên tham dự các buổi học tập, quán triệt các Nghị quyết của Đảng và Thành phố do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức nhằm nâng cao nhận thức chính trị cho hội viên và nắm bắt được tình hình, diễn biến trong nước và trên thế giới.
Hội Sân khấu Hà Nội đã tiến hành lựa chọn và giới thiệu xét tặng thưởng các tác phẩm, công trình thuộc lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật đã được xuất bản trong năm 2023 của 2 tác giả là: Nguyễn Toàn Thắng và Trương Thị Huyền. Mỗi tác giả gửi 3 bài viết. Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội tập hợp gửi các tác phẩm đăng ký để xét tặng thưởng đến Hội đồng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương năm 2023. Bên cạnh đó, Hội còn thường xuyên tổ chức thăm hỏi các hội viên ốm đau, chia buồn với gia đình hội viên khi chẳng may lìa đời.
“Ngày Sân khấu Việt Nam là hội của ngành sân khấu cả nước, ngày Giỗ Tổ nghiệp của nghề, của những người làm sân khấu, chúng ta luôn nhớ ơn công đức của các bậc tiền bối đã để lại cho chúng ta một di sản sân khấu đồ sộ đòi hỏi chúng ta phải gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam” – NSND Hoàng Tuấn nhấn mạnh.
Nguồn: https://www.congluan.vn/ky-niem-ngay-san-khau-viet-nam-lan-thu-xiv-va-ngay-gio-to-cua-nganh-san-khau-post311536.html