Israel và Mỹ xem xét nghiêm túc, cảnh giác cao độ nhằm đối phó với kịch bản các cuộc tấn công trả đũa từ Iran. Đặc biệt, các sự kiện hồi tháng 4 khi Tehran và các nhóm chiến binh khu vực tiến hành cuộc tấn công trực tiếp đầu tiên vào lãnh thổ Israel càng có lý do giải thích cho sự cảnh giác của Mỹ và Israel về nguy cơ các cuộc tấn công tiếp theo từ phía Iran.
Tháng 8 ở Trung Đông trôi qua với dự đoán về một cuộc tấn công mới. Trong suốt tháng, các quan chức quân sự, ngoại giao cấp cao trong chính quyền Mỹ đã tới khu vực để kêu gọi các đồng minh tham gia hỗ trợ Israel trong kịch bản một cuộc chiến tranh trên diện rộng có thể xảy ra.
Liên minh chống Iran do Mỹ dẫn đầu
Ý tưởng hình thành một “mặt trận thống nhất chống Iran”, được Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trình bày trong bài phát biểu hồi tháng 7 tại Quốc hội Mỹ, đã quay trở lại chương trình nghị sự một lần nữa, nhưng lần này là do căng thẳng khu vực leo thang và “chất xúc tác” đặc biệt quan trọng từ Mỹ.
Về cơ bản, Washington phần nào đã đạt được mục tiêu của mình. Ngoài Israel, vốn là một phần của liên minh mới theo mặc định, Mỹ còn thu hút được hầu hết các đối tác chủ chốt vào liên minh, như Ả Rập Xê Út, UAE, Bahrain, Jordan và Ai Cập. “Tuyến phòng thủ” do Mỹ vạch ra bao gồm cả các lĩnh vực truyền thống, như phòng không và một số lĩnh vực mới, ví dụ như không gian mạng.
Bản thân Mỹ cũng đã thể hiện vai trò chủ chốt của mình, Washington đã triển khai 2 nhóm tác chiến tàu sân bay tới Trung Đông. Trong khi đó, những nước tránh tham gia trực tiếp vào liên minh bảo vệ Israel, như Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ, thì tích cực các hoạt động ngoại giao con thoi, kêu gọi Tehran từ bỏ các hành động trả đũa, tránh làm leo thang căng thẳng.
Ngày 27/8, Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed Bin al-Thani đã đến Tehran và hội đàm với Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian nhằm tăng cường quan hệ song phương, đồng thời thảo luận các vấn đề cấp bách trong khu vực, trong đó xu hướng xung đột giữa Iran – Israel là một trong những nội dung chính trong chương trình nghị sự.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng vẫn còn quá sớm để nói về việc thành lập một liên minh chính thức tập trung vào bảo vệ Israel. Việc không bị ràng buộc bởi bất kỳ thỏa thuận bằng văn bản mới nào khiến liên minh mà Mỹ và Israel muốn xây dựng có biên độ an toàn nhỏ hơn nhiều so với yêu cầu.
Trước hết, điều này xuất phát từ những đặc thù rất riêng của cấu trúc quan hệ khu vực Trung Đông. Sự cạnh tranh giữa các cường quốc ở khu vực để giành quyền lãnh đạo cộng thêm những mâu thuẫn, bất đồng kéo dài nhiều năm giữa Israel và các nước Ả Rập đã tạo ra sự ngờ vực giữa các nước này khi tham gia vào “mặt trận chống Iran”.
Ngay cả những nước đã thiết lập quan hệ với nhà nước Do Thái, như Jordan, Ai Cập, Bahrain và UAE cũng không thể hài lòng với đường lối chính trị và lập trường của Israel đối với người dân Palestine. Vô số vụ bê bối gián điệp ở các nước Ả Rập, trong đó có liên quan đến các cơ quan tình báo Israel, chỉ làm tăng thêm sự hoài nghi giữa các nước.
Các đồng minh khu vực của Mỹ rõ ràng cũng không muốn trở thành mục tiêu của Iran và mạng lưới các nhóm chiến binh do nước này hậu thuẫn rộng lớn ở khu vực. Hơn nữa, trong vài năm qua, các nước Ả Rập đã nỗ lực rất nhiều để thiết lập một cuộc đối thoại mang tính xây dựng với Tehran và ít nhất là giảm nhẹ căng thẳng trong khu vực. Việc tham gia vào cuộc xung đột từ phía Israel sẽ khiến những nỗ lực của họ trở nên vô ích.
Trước đây, vì lý do tương tự mà nhiều nước Ả Rập đã phớt lờ hoạt động hải quân “Người bảo vệ thịnh vượng”, nhằm chống lại lực lượng Houthi ở Yemen, đồng thời từ chối tham gia các cuộc đột kích vào cảng Hodeidah ở Yemen. Do đó, nhiều khả năng, phần lớn các bên tham gia vào liên minh bảo vệ Israel sẽ cố gắng giảm thiểu sự tham gia của mình vào việc đẩy lùi một cuộc tấn công tiềm tàng của Iran.
Vì sao Iran quyết định trì hoãn trả đũa?
Về phía Iran, Chính quyền của Tổng thống Masoud Pezeshkian có đủ lý do và cơ sở để tiến hành tấn công trả đũa nhằm vào Israel, song nhiều lần trì hoãn. Vậy điều gì giải thích cho quyết định trì hoãn của Iran?
Trước hết, Iran tiếp tục tìm kiếm sự cân bằng giữa khối quyền lực bảo thủ theo đường lối cứng rắn và chính quyền theo chủ nghĩa cải cách, nhằm mục đích giảm dần căng thẳng trong quan hệ với phương Tây. Tổng thống mới đắc cử của Iran, Masoud Pezeshkian, người đã xây dựng chiến dịch bầu cử của mình dựa trên lời hứa cải thiện nền kinh tế quốc gia và đạt được việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, hầu như không muốn cắt đứt cuộc đối thoại với Mỹ vốn chưa thực sự bắt đầu.
Thứ hai, trong “Trục kháng chiến” ở Trung Đông do Tehran dẫn đầu, cuộc tranh luận gay gắt vẫn tiếp tục diễn ra về giới hạn leo thang cho phép. Iran lo ngại rằng, nếu thực hiện các hành động trả đũa trong thời điểm này có thể khiến tiến trình hòa bình ở Dải Gaza sụp đổ khi mà các cuộc đàm phán giữa Israel và phong trào Hamas đang có những tín hiệu tích cực.
Tuy nhiên, “sự im lặng” này của Tehran sẽ không làm hài lòng lực lượng Houthi ở Yemen và Hezbollah ở Lebanon, những người mong đợi những hành động quyết đoán và cứng rắn hơn từ Tehran. Cả hai nhóm đều có quyền tự chủ khá nghiêm túc và đã nhiều lần cố gắng tiến hành các cuộc tấn công lớn vào lãnh thổ Israel nhưng không mang lại nhiều thành công.
Cuối cùng, Tehran lo ngại rằng một cuộc tấn công lớn vào lãnh thổ Israel cuối cùng sẽ chỉ làm xấu đi vị thế của Iran, vì nhà nước Do Thái có quan hệ đồng minh chặt chẽ với Mỹ và sẽ cố gắng lôi kéo nước này vào cuộc xung đột với tư cách là “người chơi chính”.
Ngay cả khi tính đến khả năng có sự thay đổi ở Nhà Trắng, cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đều nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ lợi ích của Mỹ và các đồng minh chủ chốt của nước này ở Trung Đông bằng mọi biện pháp sẵn có.
Điều này có nghĩa là trong trường hợp leo thang nghiêm trọng trong khu vực, Mỹ có thể tính tới biện pháp can thiệp quân sự. Khi đó, không chỉ Iran mà cả các đồng đội của nước này trong “Trục kháng chiến” cũng sẽ bị tấn công.
Hơn nữa, các đồng minh của Washington đều có những vấn đề cá nhân cần giải quyết với một số bên ủy nhiệm. Chẳng hạn, UAE từ lâu đã mơ ước trả thù Yemen và khó có thể bỏ lỡ cơ hội để đánh bại lực lượng Houthi, nhất là khi chính quyền Tehran đang bận bảo vệ biên giới của chính mình.
Iran đang tạo áp lực và chờ đợi thời cơ?
Ngoài ra, việc Iran trì hoãn các cuộc tấn công trả đũa cũng có những ưu điểm nhất định. Tehran có thời gian để thích nghi với những thay đổi của cục diện khu vực và chuyển trọng tâm vào việc chuẩn bị tốt nhất cho các hành động tiếp theo.
Trên thực tế, giọng điệu của các quan chức cấp cao trong chính quyền Tehran cũng đã “nhẹ tông” đáng kể so với trước đây. Ngoài việc tiếp tục tạo dựng hình ảnh một quốc gia cởi mở trong đàm phán, Tehran còn có thể đóng góp tiếng nói trong giải quyết các vấn đề khu vực, như khuyến khích các nhà đàm phán đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza.
Thông qua việc trì hoãn các cuộc tấn công trả đũa, Iran đang đẩy áp lực sang cho Mỹ và Israel. Nguy cơ bị tấn công trả đũa từ Iran sẽ đặt Israel trong tình trạng căng thẳng liên tục và buộc nước này phải chi ngân sách nhiều hơn để duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu. Còn Mỹ không có cơ hội để mở rộng vòng tròn “những người bạn của Israel” trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống đang bước vào giai đoạn chạy nước rút.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã dành rất nhiều nỗ lực để đóng góp vào tiến trình bình thường hóa mối quan hệ giữa Israel và Ả Rập Xê Út, nhưng sự leo thang ở Dải Gaza và nguy cơ xung đột trên diện rộng với Iran có thể khiến những nỗ lực đó trở nên vô ích và mọi thứ quay trở lại điểm khởi đầu.
Nhiều khả năng Iran sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược trả thù trì hoãn cho đến khi tổn thất hình ảnh vượt quá lợi ích chính trị – với hy vọng rằng “mặt trận chống Iran” mà Mỹ và Israel nỗ lực xây dựng sẽ xuất hiện rạn nứt và tan vỡ ngay cả trước khi bắt đầu hoạt động trả đũa của Iran. Tehran có lý khi lựa chọn giải pháp này, bởi lẽ, rõ ràng thời gian đang đứng về phía họ.
Hà Anh
Nguồn: https://www.congluan.vn/toan-tinh-chien-luoc-cua-cac-ben-o-trung-dong-post311521.html