Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng, tuy nhiên đa phần các mô hình du lịch cộng đồng xây dựng gần đây chưa mang lại hiệu quả, các tiềm năng chưa được khai thác và phát huy xứng tầm.
Nhận định trên được đưa ra tại Hội thảo chuyên đề “Trao quyền cho cộng đồng địa phương thông qua du lịch bền vững”, vừa diễn ra trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM lần thứ 18 (ITE HCMC 2024) do Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Văn phòng hỗ trợ khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc UN Tourism và Trung tâm Trao đổi Du lịch châu Á (APTEC) phối hợp tổ chức.
Theo bà Chiaki Oya, Phó trưởng đại diện Văn phòng hỗ trợ khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc UN Tourism, du lịch dựa vào cộng đồng giữ vai trò quan trọng trong việc bảo tồn văn hóa và cải thiện sinh kế của người dân địa phương. Đây cũng đang là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho cư dân bản địa.
“Việt Nam có nhiều tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, lịch sử, văn hóa bản địa của các dân tộc, văn hóa ẩm thực phong phú của các vùng miền là cơ sở để phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng. Điều này không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương. Để du lịch cộng đồng phát triển bền vững thì sự hợp tác giữa các bên liên quan là yếu tố then chốt”, bà Chiaki Oya khẳng định.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng tại Thái Lan, ông Natthawut Chaengkrachang – đại diện Cục Quản lý du lịch bền vững (DASTA) tỉnh Nan (Thái Lan) cho biết, “CBT Thái Lan” được sử dụng như một công cụ quan trọng để lập kế hoạch và đánh giá kết quả phát triển du lịch cộng đồng ở Thái Lan. Đây là tiêu chuẩn để đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của cộng đồng trong suốt quá trình phát triển du lịch. Dựa trên cơ sở đó, cộng đồng và các đơn vị được tập huấn để có thể xây dựng năng lực và phát huy tiềm năng của cộng đồng một cách hiệu quả.
“Đặc biệt, “CBT Thái Lan” được sử dụng như một công cụ giám sát nhằm ngăn chặn những thay đổi tiêu cực không mong muốn trong cộng đồng khi giải quyết nhu cầu du lịch. Vì thế, cần có một tổ chức thực hiện phát triển các vùng du lịch cộng đồng chỉ định và thúc đẩy các điểm đến du lịch có chất lượng, đạt chuẩn để tăng trưởng bền vững”, ông Natthawut Chaengkrachang đề xuất.
Tiến sĩ Dương Đức Minh, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Du lịch và Phát triển Kinh tế (ITEDR) cho biết, nhu cầu du lịch thế giới đang thay đổi theo hướng thiết lập những giá trị mới dựa trên các giá trị về văn hóa truyền thống, giá trị tự nhiên và giá trị sáng tạo. Du lịch cộng đồng cũng là cách thức hữu hiệu để phát triển du lịch bền vững và thực hành du lịch có trách nhiệm. Để thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, cần chú trọng đến điểm nhấn của loại hình này chính là trải nghiệm văn hóa độc đáo cho du khách. Văn hóa hàng ngày chính là chất liệu quan trọng cấu thành nên những trải nghiệm độc đáo cho du khách.
Theo chuyên gia du lịch Dương Minh Bình, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty CBT Travel, đa phần các mô hình du lịch cộng đồng xây dựng gần đây chưa mang lại hiệu quả, mặc dù Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng. Ông Bình cho rằng, các mô hình homestay do người dân xây dựng hiện nay còn nặng tính tự phát, chưa được tổ chức tính toán cân nhắc bài bản và chưa đi vào thực chất. Các hình thức tổ chức hoạt động của loại hình du lịch này cũng mới dừng ở việc tham quan, hưởng thụ môi trường. Phần lớn, ít đạt được mục đích nâng cao nhận thức, giáo dục môi trường và cảm nhận nét đặc sắc, cái hay, cái đẹp trong văn hóa của cộng đồng bản địa.
“Nắm bắt nhu cầu của du khách thích sống gần gũi với người dân nông thôn, người dân ở các địa phương cứ thế mà làm, nhà này học theo nhà kia, địa phương này học theo địa phương khác… mà không có theo một sự hướng dẫn nào. Trong khi đó, để xây dựng được một sản phẩm du lịch cộng đồng chất lượng thì cần có sự sáng tạo, đó là cái đặc trưng tinh tế của các sản phẩm du lịch mang dấu ấn”, ông Bình nhấn mạnh.
“Nhằm quảng bá du lịch TP.HCM nói chung và Việt Nam nói riêng, trong khuôn khổ Hội chợ ITE HCMC 2024, Sở Du lịch TP.HCM đã tổ chức cho người mua và báo chí quốc tế tham gia các chương trình tour du lịch cộng đồng đặc sắc để trải nghiệm văn hóa, lịch sử, ẩm thực… địa phương. Trong đó, có tour trải nghiệm mô hình du lịch cộng đồng tại ấp đảo Thiềng Liềng ở xã Thạnh An, huyện Cần Giờ (TP.HCM) với các hoạt động đi xe đạp quanh đảo, tìm hiểu đời sống người dân địa phương với nghề làm muối, thư giãn liệu pháp ngâm chân với muối thảo dược, thưởng thức văn hóa thông qua các giai điệu đờn ca tài tử… và trực tiếp tham gia trồng cây gây rừng”.
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/de-du-lich-cong-dong-phat-trien-xung-tam-20240909150427624.htm