Khoai lang chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng như chất xơ, vitamin A và kali. Các chất dinh dưỡng này rất tốt cho đường ruột, mắt, hệ miễn dịch và sức khỏe tổng thể.
Dưới đây là một số lợi ích sức khỏe từ loại củ quen thuộc này, theo trang Eat This, Not That.
Tốt cho tim mạch
Trong khoai lang có chứa rất nhiều chất xơ và kali, hai dưỡng chất quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe tim.
Chất xơ có tác dụng giảm lượng cholesterol xấu trong máu, một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh tim.
Còn kali giúp điều hòa huyết áp bằng cách làm giãn các mạch máu, giúp máu lưu thông dễ dàng hơn.
Duy trì thị lực
Trong khoảng 200 gram khoai lang nấu chín cung cấp 213% giá trị hằng ngày của beta-carotene, giúp duy trì thị lực.
Beta-carotene không chỉ giúp duy trì thị lực tốt mà còn có khả năng ngăn chặn sự phát triển của các bệnh về mắt.
Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, gan chuyển đổi một số beta-carotene thành vitamin A, một chất dinh dưỡng cần thiết cho thị lực bình thường.
Kiểm soát đường huyết
Bà Sarah Alsing, chuyên gia dinh dưỡng làm việc tại Mỹ, khoai lang rất giàu chất xơ. Chất xơ làm chậm quá trình tiêu hóa để giải phóng đường vào máu đều đặn và giúp tránh tăng đột biến đường huyết.
Khoai lang còn chứa các hợp chất chống oxy hóa như flavonoid và polyphenol. Theo nghiên cứu trên tạp chí International Journal of Molecular Sciences vào năm 2021, các chất này có khả năng cải thiện khả năng hấp thu glucose của cơ thể và tăng cường hoạt động của insulin – hormone giúp điều hòa đường huyết.
Khoai lang luộc là cách chế biến giúp giữ lại nhiều chất dinh dưỡng và có chỉ số đường huyết thấp nhất. Ngược lại, khoai lang nướng, chiên có thể làm tăng chỉ số đường huyết.
Hỗ trợ miễn dịch
Một củ khoai lang nướng chứa 156% giá trị hằng ngày của vitamin A. Vitamin A đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các vi khuẩn và virus gây bệnh.
Theo Thư viện Y tế Quốc gia Mỹ, thiếu vitamin A có thể khiến hệ miễn dịch suy yếu, khiến cơ thể dễ mắc bệnh hơn.
Hỗ trợ hệ tiêu hóa
Cơ thể chúng ta không thể tiêu hóa chất xơ hoàn toàn. Thay vào đó, chúng sẽ đi đến ruột già và trở thành thức ăn cho các vi khuẩn có lợi sống ở đây.
Quá trình lên men chất xơ giúp sản sinh ra những vi khuẩn có lợi (men vi sinh) và các axit béo chuỗi ngắn (SCFA). Men vi sinh và SCFA giúp hệ vi sinh đường ruột đa dạng và khỏe mạnh.
Ai không nên ăn nhiều khoai lang?
Sỏi thận canxi oxalat là loại sỏi thận phổ biến nhất. Và khoai lang rất giàu oxalat, một chất có thể góp phần hình thành loại sỏi thận này.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, người bệnh sỏi thận nên hạn chế lượng oxalat nạp vào cơ thể mỗi ngày ở mức 50-100 mg. Trong khi đó, chỉ khoảng 100 gram khoai lang đã chứa tới 54 mg oxalat.
Nguồn: https://thanhnien.vn/them-nhieu-loi-ich-cua-khoai-lang-185240909214603083.htm