Theo đó, để khắc phục tình trạng cây xanh gãy đổ sau bão số 3, ổn định cuộc sống sinh hoạt cho Nhân dân, đảm bảo ATGT, đảm bảo VSMT, cảnh quan, mỹ quan đô thị trên địa bàn Thành phố, Sở Xây dựng đề nghị các sở: GTVT, TN&MT, GD&ĐT, VH&TT, Y tế, TT&TT; UBND các quận, huyện, thị xã Sơn Tây và các Ban quản lý dự án thành phố Hà Nội, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chức năng, UBND cấp xã chủ động triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo của UBND Thành phố tại Văn bản số 2963/UBND-ĐT ngày 8/9/2024 theo phân cấp quản lý.
Tập trung quán triệt tất các đơn vị ưu tiên thực hiện có hiệu quả theo phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “ba sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả); Tập trung khẩn trương phối hợp giải tỏa cây xanh các khu vực trọng tâm như: các trục đường chính, các tuyến đưa đón đoàn khách quốc tế, các trụ sở cơ quan T.Ư, ngoại giao, bệnh viện, trường học, 4 quận: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa…
Phối hợp cùng Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội – Sở Xây dựng và các đơn vị quản lý, duy trì cây xanh tổ chức phân luồng giao thông tại các vị trí giải tỏa cây xanh đổ ngang đường gây cản trở giao thông; Chỉ đạo các đơn vị duy trì VSMT phối hợp thu dọn cành lá, cành cây, đảm bảo vệ VSMT, đảm bảo mỹ quan đô thị trên toàn địa bàn, đặc biệt là các vị trí vừa thực hiện giải tỏa cây xanh.
Đôn đốc, kiểm tra các trụ sở cơ quan, bệnh viện, trường học đóng trên địa bàn chủ động xây dựng phương án giải tỏa, chằng chống, trồng thay thế (nếu có) đối với cây xanh trong khuôn viên trụ sở, cơ quan đảm bảo an toàn; Kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư khu đô thị trên địa bàn chủ động giải tỏa cây gãy đổ do các chủ đầu tư quản lý, vận hành và trong khuôn viên cơ quan, nhà ở của các tổ chức cá nhân trên địa bàn quản lý theo phân cấp.
Các ban quản lý dự án của Thành phố chủ động rà soát, kiểm tra cây xanh trong phạm vi dự án và các khu vực quản lý để có phương án xử lý giải tỏa, chống dựng, thay thế… kịp thời, phù hợp, đúng quy định.
Giao Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội căn cứ năng lực của các đơn vị trúng thầu được giao thực hiện công tác quản lý, duy trì hệ thống cây xanh, thảm cỏ trên địa bàn Thành phố để giao nhiệm vụ thực hiện giải tỏa cây gãy, đổ, chống dựng, thu hồi gỗ, củi phù hợp với tiến độ yêu cầu của Thành phố.
Với những trường hợp cần tập trung đảm bảo tiến độ có thể huy động các phương tiện, thiết bị hỗ trợ từ các đơn vị trong và ngoài ngành do Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội chủ động điều tiết, điều hành trực tiếp; Với các trường hợp phát sinh, vướng mắc, khó khăn vượt thẩm quyền trong quá trình thực hiện, kịp thời báo cáo Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của UBND Thành phố.
Chủ động phối hợp cùng UBND các quận để rà soát, thống nhất vị trí đào trên vỉa hè để trồng lại và trồng thay thế, bổ sung cây xanh đảm bảo cảnh quan, mỹ quan đô thị; Xây dựng kế hoạch trồng lại, trồng bổ sung cây xanh đô thị tại các vị trí bị gãy, đổ không thể khắc phục; các cây trồng lại, trồng bổ sung cần đảm bảo về chủng loại, kích thước, đảm bảo kỹ thuật và chất lượng trồng, thời gian chăm sóc (lưu ý hệ thống cột chống phải chắc chắn để đảm bảo an toàn khi có gió, bão xảy ra và không ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng, phát triển của cây xanh.
Đối với cọc chống tạm thời sử dụng cọc chống từ các cây thu hồi tại nút giao cầu Vĩnh Thịnh để làm cọc chống cho các cây xanh trồng mới và cây có thể chống dựng tại chỗ trên địa bàn Thành phố). Tổng hợp báo cáo Sở Xây dựng kết quả thực hiện trước ngày 20/9/2024 để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố.
Cũng tại văn bản này, Sở Xây dựng yêu cầu các Công ty TNHH MTV: Công viên cây xanh Hà Nội, Công viên Thống Nhất, Vườn thú Hà Nội; các Công ty Cổ phần: Tư vấn đầu tư xây dựng Hà Thành, Xây dựng dịch vụ và thương mại 68, Môi trường và công trình đô thị Sơn Tây, đô thị Việt Úc tập trung điều tiết, giải tỏa ngay hệ thống cây gãy, đổ do bão số 3 gây ra. Căn cứ khối lượng cây gãy, đổ để rà soát, cân đối khả năng thực hiện của đơn vị theo tiến độ yêu cầu.
Trường hợp cây xanh bị gãy, đổ có khối lượng lớn không thực hiện đảm bảo tiến độ yêu cầu, báo cáo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội để điều động, bổ sung đơn vị tham gia hỗ trợ xử lý đảm bảo tiến độ yêu cầu. Chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố, Sở Xây dựng và các cơ quan có thẩm quyền về tiến độ thực hiện.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-day-nhanh-tien-do-xu-ly-cay-xanh-gay-do-do-bao-so-3.html