Ghi nhận trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn của các doanh nghiệp vẫn liên tục diễn ra. Nếu so với hoạt động phát hành mới chỉ diễn ra chủ yếu ở nhóm ngân hàng, các tổ chức tài chính, chứng khoán thì các doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn diễn ra ở hầu hết các nhóm ngành.
Điển hình, trong ngày 9.9, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) công bố mua lại trước hạn 2 lô trái phiếu với tổng giá trị mua lại lên đến 2.000 tỉ đồng. 2 lô trái phiếu này được phát hành vào năm 2022, dự kiến đáo hạn vào cuối tháng 8.2025. Tương tự, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB), mỗi ngân hàng mua lại trước hạn 500 tỉ đồng.
Công ty TNHH KN Cam Ranh cũng vừa mua lại trước hạn một phần lô trái phiếu KNCCH2126001, giá trị mua lại 280 tỉ đồng. Theo công bố, ngày 31.8.2028, doanh nghiệp mới phải thanh toán toàn bộ lô trái phiếu này.
Cái tên tích cực nhất trong hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn phải kể đến Công ty TNHH Saigon Glory với 95 đợt mua lại trước hạn. Mặc dù giá trị mua lại mỗi đợt chỉ ở mức khá thấp so với tổng dư nợ trái phiếu của doanh nghiệp, tuy nhiên với những động thái này cho thấy, Saigon Glory đang rất tích cực trong các hoạt động cơ cấu nợ vay.
Dù hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn của doanh nghiệp vẫn liên tục diễn ra, tuy nhiên giá trị mua lại trên thị trường giảm mạnh.
Theo dữ liệu của Hiệp hội thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 8, các doanh nghiệp đã mua lại 11.023 tỉ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 45% so với cùng kỳ năm 2023. Trong phần còn lại của năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 105.945 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 43.352 tỉ đồng, tương đương 40,9%.
Trong khi đó, các doanh nghiệp chậm trả gốc, lãi tiếp tục diễn ra, trong tháng 8, có 10 mã trái phiếu chậm trả lãi với tổng giá trị 197,5 tỉ đồng và 1 mã trái phiếu chậm trả gốc 998 tỉ đồng.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/mua-lai-trai-phieu-soi-dong-nhung-luong-mua-lai-giam-manh-1391678.ldo