Tấn công lừa đảo trên không gian mạng vẫn tiếp tục gia tăng trong thời gian qua.
Theo thông tin từ Bộ Công an, trong tháng 8 có 815 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên cả nước thì tội phạm lừa đảo qua mạng chiếm gần 55% với nhiều thủ đoạn tinh vi như mạo danh các cơ quan đơn vị gọi điện thoại lừa gạt; giả mạo website thương hiệu, tập đoàn lớn lừa đảo đầu tư, tuyển nhân sự; lập các trang facebook có logo các trường đại học để lừa đảo học phí, lệ phí…
Theo thống kê, trong 4 tuần gần đây, địa chỉ canhbao.khonggianmang.vn do Bộ TT-TT quản lý đã tiếp nhận gần 2.900 phản ánh của người dùng về các trường hợp lừa đảo trực tuyến. Trong đó các thủ đoạn được sử dụng nhiều trong tuần qua như:
– Cung cấp dịch vụ đọc trộm tin nhắn qua mạng xã hội: đối tượng lừa đảo dùng nhiều tài khoản Facebook đăng tải thông tin cung cấp dịch vụ theo dõi, giám sát, đọc tin nhắn tài khoản mạng xã hội của người khác.
Khi có người muốn sử dụng dịch vụ, đối tượng hướng dẫn họ gửi tài khoản, báo giá và gửi tài khoản nhận phí. Sau khi nạn nhân chuyển tiền, các đối tượng chặn phương thức liên lạc.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo, đọc trộm tin nhắn là hành vi vi phạm pháp luật, người dùng tuyệt đối không sử dụng các dịch vụ có mục đích xâm phạm quyền riêng tư của người khác. Đồng thời, người dùng chỉ nên cài đặt ứng dụng từ những nguồn chính thống, sử dụng các phần mềm diệt virus và bảo mật để quét và phát hiện các phần mềm độc hại có thể đang theo dõi thiết bị của mình.
– Giả mạo website của Kho bạc nhà nước: đối tượng lập website “kbthuhoivontreo.com” giả mạo cổng thông tin điện tử của Kho bạc nhà nước, có sử dụng logo, giao diện trang chủ và hình ảnh tương tự website chính thống khiến nhiều người nhầm lẫn.
Việc tạo ra các trang giả mạo cơ quan chính thống không còn xa lạ, nhiều đối tượng sau khi lập website còn gửi email yêu cầu người nhận cung cấp thông tin hoặc truy cập website giả mạo. Tại đây, người dùng cần thông tin để đăng nhập hoặc thanh toán các khoản phí. Khi thực hiện theo yêu cầu, các đối tượng sẽ đánh cắp quyền truy cập tài khoản, số điện thoại cũng như thông tin người dùng để tiến hành các chiêu trò lừa đảo.
Do đó, người dân cần xác minh thông tin qua các nguồn chính thống, không cung cấp thông tin cá nhân cho các đối tượng chưa rõ danh tính, không truy cập vào đường link, trang web lạ.
– Chiêu thức lừa đảo nhận ghi số lô, đề qua mạng: các đối tượng mạo danh nhân viên công tu xổ số kiến thiết để nhận ghi lô, đề qua mạng xã hội. Khi khách hàng có nhu cầu, các đối tượng yêu cầu chuyển tiền và chiếm đoạt số tiền đó.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân không tham gia ghi số lô, đề dưới bất kỳ hình thức nào vì đây là hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài việc có thể bị lừa đảo, người chơi còn đối diện với nguy cơ phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo cần báo ngay cơ quan chức năng để được hỗ trợ.
– Cảnh báo về hàng giả, hàng kém chất lượng trên mạng xã hội: thay vì giap dịch trực tiếp, nhiều cá nhân và tổ chức chuyển sang hình thức trực tuyến đến bán, làm tăng nguy cơ gian lận và lừa đảo.
Theo đó, các đối tượng thường sử dụng các thủ đoạn lừa đảo tạo tài khoản ảo, làm giả hình ảnh, video nhằm thu hút người mua. Nội dung đăng tải thường là tri ân khách hàng, giảm giá số, tặng quà.. Sau khi lấy được lòng tin các đối tượng sẽ giả vờ gửi hàng và biến mất ngay khi nhận được tiền. Có trường hợp, người bán còn sử dụng thông tin thẻ tín dụng của khách hàng để chiếm đoạt tiền.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần thận trọng trước các sản phẩm không rõ nguồn gốc, giá quá rẻ so với mặt bằng chung. Người dân nên mua sắm tại các cửa hàng, trang web uy tín, kiểm tra nguồn gốc sản phẩm cũng như địa chỉ bán hàng.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/canh-bao-chieu-thuc-lua-dao-cung-cap-dich-vu-doc-trom-tin-nhan.html