Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm và Phu nhân, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 10 – 13/9/2024.
Nhân dịp chuyến thăm này, sáng 9/9, Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh đã có cuộc trao đổi với báo chí về ý nghĩa của chuyến thăm.
Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh trả lời phỏng vấn báo chí ngày 9/9. (Ảnh: Việt Đức) |
Phóng viên (PV): Xin bà cho biết về ý nghĩa chuyến thăm cấp Nhà nước lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Phu nhân tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân?
Đại sứ Khamphao Ernthavanh: Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Phu nhân tới Việt Nam từ ngày 10 – 13/9/2024 diễn ra trong bối cảnh hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào – Việt Nam, Việt Nam – Lào, đang triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng Nhân dân Lào lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII vào cuối nhiệm kỳ, chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc vào đầu năm 2026.
Chuyến thăm cũng diễn ra nhân dịp hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước kỷ niệm 47 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (18/7/1977), 62 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Lào – Việt Nam (05/09/1962), 49 năm thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và 79 năm thành lập nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Tiếp nối thành công chuyến thăm chính thức Lào của Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm vào tháng 7/2024 sau khi nhậm chức, chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Phu nhân tiếp tục củng cố quan hệ hữu nghị và đoàn kết đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào – Việt Nam.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên sẽ đánh giá lại nội dung Biên bản ghi nhớ năm 2024 giữa lãnh đạo hai nước; xác định phương hướng trọng tâm trong năm 2025 và các năm tiếp theo, chỉ đạo Chính phủ hai nước triển khai các thỏa thuận tại kỳ họp Ủy ban hợp tác Lào-Việt Nam lần thứ 46 và chuẩn bị tổ chức kỳ họp lần thứ 47 vào năm 2025.
Trong thời gian qua, mặc dù tình hình thế giới và khu vực tiếp tục thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó dự đoán, nhưng dưới sự lãnh đạo, điều hành của hai Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Chính quyền hai nước, các đoàn thể, chính quyền địa phương hai nước đã phối hợp, tích cực tổ chức xây dựng các hợp đồng, thỏa thuận, kế hoạch hợp tác,… Chuyến thăm là dịp để hai nước cùng nhìn lại những thành tựu đã đạt được trên mọi lĩnh vực hợp tác: chính trị, đối ngoại, an ninh – quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, hợp tác giữa các bộ ngành, địa phương,…
Những thành tựu đạt được trên tất cả các lĩnh vực nói trên đã góp phần quan trọng vào việc giữ gìn ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước và tăng cường mối quan hệ đặc biệt Lào – Việt, cũng như nâng cao vai trò của hai nước. Hai nước góp phần tích cực vào việc giữ gìn hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển trên thế giới và trở thành tấm gương sáng trong quan hệ quốc tế.
PV: Trong 4 ngày thăm và làm việc tại Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Phu nhân có những hoạt động gì nổi bật, thưa Đại sứ?
Đại sứ Khamphao Ernthavanh: Trong chuyến thăm 4 ngày ở Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Phu nhân có các hoạt động quan trọng tại Hà Nội, Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith có cuộc gặp với các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, gặp gỡ một số lãnh đạo địa phương, gặp gỡ các cựu chuyên gia quân sự Việt Nam giúp đỡ Lào, đại diện thế hệ thanh niên Lào và Việt Nam, thăm một số cơ sở kinh tế, di tích lịch sử và văn hóa của Việt Nam,…
PV: Đại sứ có thể chia sẻ về ý nghĩa cuộc gặp giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước của hai nước với cựu quân tình nguyện, chuyên gia, thế hệ trẻ Việt Nam và Lào?
Đại sứ Khamphao Ernthavanh: Cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo với các cựu quân tình nguyện, chuyên gia và thanh niên Lào và Việt Nam nhằm nhấn mạnh mối quan hệ giữa hai nước, tinh thần và sự hy sinh của quân tình nguyện Việt Nam và các chuyên gia tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Đây là dịp để người dân hai nước nhớ về khối đoàn kết đặc biệt Lào – Việt mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaisone Phomvihan và Chủ tịch Souphanouvong đã có công gây dựng, các thế hệ lãnh đạo và người dân hai nước kế thừa, bảo vệ qua các giai đoạn lịch sử. Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào bày tỏ lòng biết ơn, đánh giá cao sự đóng góp to lớn, sự hy sinh cao cả của quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam đối với Cách mạng Lào.
Cuộc gặp góp phần lan tỏa tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa Lào và Việt Nam – tài sản quý giá của nhân dân hai nước, là yếu tố bảo đảm cho sự độc lập và phát triển của hai nước, khích lệ thế hệ thanh niên hai nước tiếp tục trở thành những người thừa kế sứ mệnh bảo vệ và phát triển mối quan hệ giữa hai nước Lào và Việt Nam mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
PV: Dựa trên nền tảng quan hệ vững chắc giữa hai nước, nhất là sau chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Phu nhân, Đại sứ quán Lào sẽ tiếp tục triển khai những trọng tâm gì trong thời gian tới để thúc đẩy quan hệ hai nước?
Đại sứ Khamphao Ernthavanh: Sau chuyến thăm lần này, tôi và cán bộ, nhân viên Đại sứ quán sẽ tiếp tục theo dõi, liên hệ, phối hợp thúc đẩy triển khai các công việc trọng tâm để thúc đẩy quan hệ hai nước: Tiếp tục thúc đẩy các cơ quan liên quan của Lào và Việt Nam tổ chức thực hiện thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước và thỏa thuận hợp tác giữa hai Đảng, hai Chính phủ, giữa các Bộ ban ngành từ Trung ương và địa phương của hai nước đã ký kết trong năm qua; phối hợp tổ chức các cuộc gặp giữa hai Đảng, hai Chính phủ, các tổ chức quần chúng giữa hai nước theo nhiều hình thức; phối hợp công tác trên các lĩnh vực quốc phòng – an ninh, kinh tế, xây dựng, sửa chữa cơ sở hạ tầng,…
Bên cạnh đó, tiếp tục thúc đẩy cơ chế phối hợp lẫn nhau trong diễn đàn khu vực và quốc tế ngày càng có hiệu quả cao hơn; tăng cường công tác tuyên truyền và bồi dưỡng về truyền thống tình đoàn kết đặc biệt Lào – Việt Nam cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhân dân và thanh niên-thanh thiếu niên của hai nước…
PV: Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Nguồn: https://dangcongsan.vn/doi-ngoai/tiep-tuc-cung-co-quan-he-huu-nghi-va-doan-ket-dac-biet-lao-viet-nam-677148.html