VN-Index giảm điểm phiên đầu tuần, cổ phiếu thép hút dòng tiền
Cổ phiếu thép là điểm sáng chú ý khi thu hút dòng tiền của nhà đầu tư trong phiên giao dịch sau bão.
VN-Index kết tuần từ 2 – 6/9/2024 ở mức 1.273,96 điểm, giảm 0,77%, khối lượng giao dịch trung bình đạt 566 triệu cổ phiếu/phiên và bằng 75% mức trung bình. Trên thế giới, thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận tuần giảm điểm mạnh với S&P500 giảm 4,3%, mạnh nhất kể từ tháng 3/2023. Nasdaq giảm 5,8%, ghi nhận tuần xấu nhất từ năm 2022. Thị trường lao động Mỹ tiếp tục phát tín hiệu yếu và thông tin được đưa ra ngay trước thềm họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) diễn ra vào tháng 9.
Theo báo cáo của công cụ FedWatch của CME Group, có khoảng 70% cơ hội Fed giảm 25 điểm cơ bản và 30% giảm 50 điểm cơ bản.
Diễn biến không mấy tích cực của thị trường quốc tế tuần trước cũng phần nào tác động đến chứng khoán Việt Nam. Áp lực rung lắc đã xuất hiện ngay từ đầu phiên giao dịch ngày 9/9 và điều này khiến các chỉ số lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Lực cầu ở phiên hôm nay vẫn tỏ ra yếu, nên chỉ số chính VN-Index giao dịch ở dưới mốc tham chiếu xuyên suốt phiên hôm nay.
Các cổ phiếu gây áp lực mạnh nhất đến VN-Index phiên hôm nay là nhóm “nhà” Vingroup, trong đó, VHM giảm 2,05% và lấy đi của chỉ số này đến 0,95 điểm. VIC giảm 2,13% và cũng lấy đi 0,88 điểm. Trong nhóm này, VRE là cổ phiếu “khỏe” nhất khi chốt phiên ở mốc tham chiếu.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu lớn như BID, VNM, FPT… đều chìm trong sắc đỏ và gây áp lực khá lớn lên thị trường chung. BID giảm 0,51% và cũng lấy đi của VN-Index 0,35 điểm. VNM giảm 0,8%, FPT giảm 0,6%.
Nhóm cổ phiếu bảo hiểm, chứng khoán, hàng không… đều chìm trong sắc đỏ ở phiên hôm nay.
Ở nhóm bảo hiểm, MIG giảm gần 3,9%, BVH giảm 1,8%, VNR giảm hơn 1,5%…
Tại nhóm chứng khoán, SHS là “tội đồ” khi bất ngờ giảm sâu ở phiên hôm nay. Có thời điểm SHS giảm đến trên 5% và ảnh hưởng mạnh đến tâm lý nhà đầu tư khiến hàng loạt cổ phiếu chứng khoán khác giảm giá. Chốt phiên giao dịch, SHS giảm 2,56%. Bên cạnh đó, BSI giảm 1,65%, SSI giảm 1,5%, MBS giảm 1,48%, VCI giảm 1,43%…
Top 10 cổ phiếu tác động đến thị trường chứng khoán phiên 9/9. |
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu thép có một phiên giao dịch bùng nổ trước kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ nhôm thép được đẩy lên khi khắc phục thiệt hại của bão Yagi (bão số 3). Trong đó, TVN tăng 4,44%, NKG tăng 2,6%, GDA tăng 2,6%, HSG tăng 2,26%. HPG dù có một phiên tăng điểm nhưng đà tăng không quá mạnh do vẫn chịu áp lực bán ròng lớn của dòng vốn ngoại.
HPG cũng là một trong 3 cổ phiếu hiếm hoi ở trong nhóm VN30 duy trì được sắc xanh ở phiên hôm nay. Hai cổ phiếu khác là GAS và SSB đều đóng cửa trong sắc xanh. Chốt phiên, GAS tăng 0,71% còn SSB tăng 0,56%. GAS là cổ phiếu có đóng góp tích cực nhất cho VN-Index với 0,33 điểm. HPG cũng đóng góp 0,31 điểm.
Ngoài ra, các cổ phiếu như NAB, NVL, DBC… cũng tăng giá và có đóng góp tốt cho thị trường chung. NVL tăng 1,5% lên 13.200 đồng/cổ phiếu ở phiên hôm nay.
Mới đây, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã NVL – sàn HoSE) đã công bố Nghị quyết về việc bổ nhiệm ông Dương Văn Bắc lên giữ chức Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính từ ngày 6/9. Ông Dương Văn Bắc nắm giữ vị trí Giám đốc Tài chính Novaland từ ngày 25/8/2023. Một thông tin khác là Công ty TNHH Thành phố Aqua (Aqua City) vừa công bố một số chỉ tiêu tài chính nửa đầu năm 2024 với khoản lỗ hơn 100 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái công ty này lỗ gần 204 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch VN-Index giảm 6,23 điểm (-0,49%) xuống 1.267,73 điểm. Toàn sàn có 104 mã tăng, 282 mã giảm và 85 mã đứng giá. HNX-Index giảm 1,19 điểm (-0,51%) xuống 233,46 điểm. Toàn sàn có 45 mã tăng, 90 mã giảm và 73 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,37 điểm (-0,4%) xuống 93 điểm.
FPT là cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều. |
Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt gần 498 triệu cổ phiếu (giảm 22% so với phiên cuối tuần trước), tương ứng giá trị giao dịch đạt 11.693 tỷ đồng, trong đó, giá trị giao dịch thỏa thuận là hơn 1.400 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 1.120 tỷ đồng và 423 tỷ đồng.
Khối ngoại bán ròng trở lại khoảng 480 tỷ đồng trên sàn HoSE, trong đó, dòng vốn này bán ròng mạnh nhất mã FPT với 109 tỷ đồng. MSN và HPG bị bán ròng lần lượt 79 tỷ đồng và 77 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, DGW được mua ròng mạnh nhất với 38 tỷ đồng. TCB cũng được mua ròng 36 tỷ đồng.
Nguồn: https://baodautu.vn/vn-index-giam-diem-phien-dau-tuan-co-phieu-thep-hut-dong-tien-d224428.html