Thôn Má Pắng, thị trấn Đồng Văn, tỉnh Hà Giang có 94 hộ dân, sinh sống tập trung thành 4 cụm, với 456 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Nhiều năm qua, phần lớn người dân vẫn chỉ biết canh tác, chăn nuôi theo tập quán, sự được mất của mùa màng đều được quyết định bởi… trời! Thiếu tính chuyên canh tập trung nên cây trồng, vật nuôi đều không thể trở thành hàng hoá. Thế nên, việc triển khai đồng bộ các giải pháp để đưa Má Pắng thoát nghèo luôn là vấn đề quan tâm nhất của chính quyền các cấp huyện Đồng Văn suốt nhiều năm qua!
Theo đó, một trong những giải pháp quan trọng được thực hiện, là phát huy vai trò của Người có uy tín trong vùng đồng bào cùng với chính quyền, các tổ chức chính trị, đoàn thể tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia thực hiện có kết quả các phong trào thi đua phát triển sản xuất; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”… để từng bước ”đuổi nghèo” và xây dựng cuộc sống mới nơi bản làng ngày càng phát triển.
Nhiều năm nay, hình ảnh anh Giàng Chứ Sửu (sinh năm 1977), Người có uy tín, cán bộ Ban Công tác mặt trận, kiêm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, với vẻ bề ngoài mộc mạc, giản dị, nhưng lúc nào cũng tất bật và hay mang theo sổ sách bên người dần trở nên quen thuộc với người dân tại thôn Má Pắng. Hơn 10 năm công tác tại cơ sở, anh Sửu luôn sát cánh cùng cán bộ cơ sở nắm vững tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, đề xuất với chính quyền các cấp quan tâm giải quyết kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc trong thôn bản này. Đồng thời, tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đoàn kết phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống văn hóa mới nơi thôn, bản.
Điển hình như, trước đây, các lễ cưới, lễ tang ở trong vùng còn tồn tại nhiều hủ tục, gây tốn kém và ảnh hưởng đến khu dân cư; nạn kết hôn cận huyết thống, tảo hôn là một vấn đề nhức nhối đã tồn tại trên địa bàn trong một thời gian dài… Để khắc phục dứt điểm các tình trạng này, anh Giàng Chứ Sửu lại cùng các tổ chức đoàn thể thông qua các cuộc sinh hoạt thôn bản, thậm chí có việc phải đến “từng ngõ, gõ từng nhà”… kiên trì tuyên truyền, giải thích cho Nhân dân, qua đó nhiều vụ việc được xử lý ngay từ khi có dấu hiệu vi phạm để sự việc không diễn biến xấu hơn. Cũng với cách làm này mà nhiều năm gần đây, ở Má Pắng không còn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Theo lời anh Sửu bộc bạch: Những năm gần đây, nhờ nguồn lực hỗ trợ từ các Chương trình mục tiêu quốc gia: Nông thôn mới; Giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I từ 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) mà đời sống văn hoá, tinh thần, kinh tế của người Mông ở Má Pắng có nhiều chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, việc thực hiện hiệu quả các hoạt động cho vay vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội, đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách khác và đồng bào DTTS trên địa bàn vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững.
“Là Người uy tín và được giao một số công việc ở thôn, tôi đã cố gắng để làm tốt công việc được giao, việc gì có lợi cho bà con là mình phải tranh thủ để thực hiện. Với việc bà con chưa hiểu, mình sẽ tìm hiểu kỹ rồi giải thích lại cho bà con”, anh Giàng Chứ Sửu cho hay.
Với suy nghĩ này, nên là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn nên anh Sửu tham gia đầy đủ các lớp tập huấn nghiệp vụ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội. Hàng tháng tham gia giao ban đầy đủ tại điểm giao dịch thị trấn, tổ chức sinh hoạt tổ, thường xuyên theo dõi kiểm tra việc sử dụng vốn vay của các hộ vay vốn… Qua đó, giúp anh nắm bắt, tiếp thu kịp thời những vấn đề liên quan đến chính sách tín dụng, để bình xét đúng đối tượng được thụ hưởng; cũng như theo dõi quá trình bà con sử dụng vốn vay đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi để góp ý kịp thời, làm sao mang lại hiệu quả cao nhất.
Được biết, hiện nay Tổ vay vốn của anh Sửu có 50 thành viên, với các chương trình vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội như: Chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và giải quyết việc làm…
Bằng nguồn vốn vay 50 triệu đồng/ hộ gia đình, nhiều mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình ra đời, mang lại hiệu quả thiết thực. Chỉ tính riêng giai đoạn 2021 – 2023, đã có 8 hộ trong thôn đã vươn lên thoát nghèo nhờ mô hình nuôi lợn thương phẩm, 15 hộ nghèo vươn lên thành hộ cận nghèo nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đồng Văn – Vàng Mí Chỏ chia sẻ: Huyện Đồng Văn có 17 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 87,75%. Toàn huyện có 225 Người có uy tín ở 225 thôn bản. Đội ngũ những Người có uy tín của huyện gồm nhiều thành phần khác nhau như: già làng, trưởng dòng họ, bí thư chi bộ, trưởng thôn, cán bộ nghỉ hưu, thầy cúng, thầy mo, thầy lang, người sản xuất kinh doanh giỏi…
Người có uy tín là những người nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hơn nữa lại am hiểu sâu sắc phong tục, tập quán của đồng bào. Họ không quản ngại khó khăn, gian khổ luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào hoạt động, phong trào thi đua ở cơ sở.
Những năm qua, Phòng Dân tộc huyện thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương các xã, thị trấn; đặc biệt là Người uy tín làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong cộng đồng các thôn, bản, cùng các lực lượng chức năng bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ và an ninh trật tự nơi biên giới; tích cực tuyên truyền vận động đồng bào xây dựng đời sống mới.
“Để động viên, khuyến khích Người uy tín phát huy vai trò, huyện luôn quan tâm triển khai thực hiện đầy đủ chính sách đối với Người có uy tín; đồng thời phát hiện biểu dương, khen thưởng kịp thời những Người uy tín tiêu biểu có thành tích xuất sắc trên cáclĩnh vực, hoạt động ở cơ sở.
Nguồn: https://baodantoc.vn/dong-van-ha-giang-nguoi-co-uy-tin-phat-huy-vai-tro-noi-thon-ban-1725783859432.htm