Tính đến 10h ngày 8.9 đã có 14 người chết và 176 người bị thương do bão Yagi. Trong đó, người chết có nguyên nhân do cây gãy đổ đè trúng không nhiều, chủ yếu là do những nguyên nhân khác.
Đừng mất bình tĩnh đến mức phải tính đến việc chặt cành cây hay trồng các loại cây “be bé” cho an toàn, mà tự tin để trồng những cây phát triển thành cây lớn, tạo mảng xanh cho thành phố Hà Nội cũng như các đô thị khác.
Đối với những cây bị đổ, bật gốc, nếu có thể cứu được thì bằng mọi giá phải cứu, như chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Một cơn bão dữ như Yagi tràn qua, chắc chắn không thể tránh được tổn thất, từ công trình, nhà cửa, đường điện đến cây xanh. Chẳng lẽ có người chết vì tôn bay trúng thì không cho lợp tôn, bị ngói bay trúng thì không được lợp ngói, cây gãy đổ đè chết thì chặt hết cành và chỉ trồng cây loại nhỏ.
Sau thiên tai cuộc sống trở lại bình thường, và điều bình thường mà con người ta cần đến chính là đi trên những con phố với vòm cây xanh mát. Cây xanh không chỉ tạo nên “lá phổi” cho con người, mà còn là cái đẹp, cái điệu đàng của đô thị. Hà Nội đẹp trong mắt “ai” là vì có những hàng cây soi bóng mặt hồ.
Rất nhiều bài thơ, ca khúc về Hà Nội có dáng hình của những con phố rợp bóng cây xanh. Cho nên, phải giữ gìn và trồng mới, để hôm nay và tương lai, Hà Nội có những công viên, đường phố với nhiều hàng cây cao lớn làm nên vẻ đẹp riêng cho Thủ đô.
Có điều, cần nghiên cứu để trồng cây được nhiều hơn, chất lượng hơn, đẹp hơn. Không phải vì sợ bão mà làm cho mảng xanh non yếu đi, cây cối trơ trụi, phố phường không còn sự trầm mặc với những hàng cây cổ thụ “thâm nghiêm”.
Phải khai thác kỹ thuật trồng để cây có thể chịu đựng được gió bão. Cây xanh gãy đổ có nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố kỹ thuật trồng không đạt.
Trồng cây nhưng cây phải sống, sống khỏe, tạo mảng xanh cho đô thị, không phải trồng cho xong việc, sau khi nghiệm thu thì “sống chết mặc cây”.
Nguồn: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/cay-xanh-gay-do-do-bao-yagi-phai-phuc-hoi-mang-xanh-ha-noi-1391333.ldo