Toàn cảnh Lễ khánh thành trang trại chăn nuôi thông minh tai Ninh Bình
Trang trại chăn nuôi thông minh thuộc dự án “Thiết lập trang trại thông minh và nâng cao chuỗi giá trị chăn nuôi lợn tại Ninh Bình, Việt Nam” do Chính phủ Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại với mức kinh phí hơn 3 triệu USD.
Dự án được triển khai trong thời gian từ 2022 – 2025 do Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) làm chủ dự án phía Việt Nam, Trạm Nghiên cứu và Phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp (thôn Khe Gồi, xã Quang Sơn, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) thuộc Trung tâm nghiên cứu lợn Thuỵ Phương của Viện Chăn nuôi làm địa điểm triển khai.
Trạm Nghiên cứu và phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp là nơi lưu giữ các giống gốc và các dòng lợn ngoại có gen quý được chăm sóc bởi nguồn nhân lực phát triển và có kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh theo chuỗi. Sau khi được chăm sóc kỹ lưỡng, mỗi năm xuất bán được khoảng 4,5 – 6 nghìn con lợn giống sinh sản và 18-20 nghìn con lợn thương phẩm.
Đồng thời, đây còn là chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương trực thuộc Viện Chăn Nuôi, với hệ thống hạ tầng chăn nuôi hiện đại, còn rất nhiều dư địa để phát triển về quy mô diện tích cũng như tiến hành các nghiên cứu, thử nghiệm khoa học mới.
Được khởi công xây dựng từ tháng 7/2023, đến nay dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động; tổng diện tích là 20 ha, gồm 5 hợp phần chính: Lắp đặt mô hình trình diễn trang trại thông minh (trong đó diện tích chuồng nuôi lợn nái là 216 m2, diện tích chuồng nuôi lợn thịt là 467 m2); phát triển hệ thống phần mềm điều hành trang trại thông minh cung cấp vắc-xin, lợn giống, vật liệu chăn nuôi; đào tạo, chuyển giao công nghệ trong và ngoài nước) về chăn nuôi công nghệ cao và quản trị dữ liệu, điều hành hệ thống trang trại thông minh; xây dựng báo cáo chính sách về phát triển trang trại chăn nuôi lợn thông min; xây dựng tài liệu dự án và marketing sản phẩm của dự án.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Giám đốc dự án phía Việt Nam) phát biểu tại buổi lễ
Dự án hoàn thành sẽ giúp cung cấp thực phẩm chất lượng cao và an toàn cho người tiêu dùng, tăng năng suất và thu nhập cho nông dân thông qua ứng dụng mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh theo chuỗi giá trị nông sản. Đồng thời nâng cao năng lực trong chăn nuôi, kiểm soát dịch bệnh, lưu thông hàng hóa và quản lý dữ liệu hệ thống cho cán bộ và người dân tham gia dự án. Dự án “Thiết lập trang trại thông minh và nâng cao chuỗi giá trị chăn nuôi lợn tại tỉnh Ninh Bình, Việt Nam” được kỳ vọng sẽ tạo ra một mô hình sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch điển hình, có khả năng cạnh tranh cao, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho nông dân, đóng góp lớn vào sự phát triển của ngành Nông nghiệp nói chung và lĩnh vực chăn nuôi nói riêng.
Phát biểu tai buổi lễ, ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Giám đốc dự án phía Việt Nam) cho biết rất vui mừng với thành quả của một dự án cụ thể và có quy mô của Bộ, là dự án đầu tiên tại Ninh Bình, địa phương phát triển mạnh mẽ về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây cũng là một dự án hợp tác trọng điểm giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Bộ Lương thực, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc.
Theo ông Toản, Chính phủ Việt Nam hiện đang rất quan tâm đến vai trò của Bộ NN-PTNT trong định hướng phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh gắn với chuyển đổi số trong các lĩnh vực của nền kinh tế. Do đó, việc đưa trang trại chăn nuôi lợn thông minh đi vào hoạt động không chỉ minh chứng cho mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa Việt Nam và Hàn Quốc mà còn khẳng định những định hướng của Việt Nam là đúng đắn, nhận được sự ủng hộ và quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Bên cạnh đó, dự án mở ra cơ hội cho các HTX, nông dân, cơ quan quản lý, doanh nghiệp chia sẻ, học tập nhiều kinh nghiệm, bài học thực tiễn trong quá trình triển khai mô hình đầu tiên của Bộ về chăn nuôi thông minh. Tuy mới chỉ là mô hình thí điểm nhưng nó mang những giá trị tiếp cận từ gốc (giống) để đảm bảo được hàng hóa ra thị trường đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và giai đoạn tiếp cận thị trường hậu dự án, đặc biệt tại thị trường đồng bằng sông Hồng và Hà Nội. Theo ông Toản, những bài học, kinh nghiệm quý báu từ phía Hàn Quốc sẽ là tiền đề để triển khai hiệu quả các dự án tiếp theo của Bộ.
Ông Lee Sung Ho, Giám đốc Dự án phía Hàn Quốc phát biểu
Ông Lee Sung Ho, Giám đốc Dự án phía Hàn Quốc đánh giá, việc đưa công nghệ trang trại thông minh vào trang trại mẫu ở tỉnh Ninh Bình được mong chờ sẽ đem lại ba giá trị lớn là: góp phần vào việc sản xuất thịt lợn chất lượng cao, an toàn; giảm chi phí sản xuất, công việc cho người lao động; tăng năng suất chăn nuôi, nâng cao năng suất sinh sản của lợn, giảm tỷ lệ thải loại ở lợn, tăng hiệu quả sử dụng thức ăn chăn nuôi.
Việt Nam là quốc gia đứng thứ năm thế giới về quy mô chăn nuôi lợn và số lượng các doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn đang ngày càng gia tăng. Tiêu thụ thịt lợn chất lượng chất lượng cao của Việt Nam cũng ngày một tăng do sự phát triển của nền kinh tế. Trong khi đó, hiện tại, chi phí để sản xuất thịt lợn tại Hàn Quốc rất cao. Người tiêu dùng Hàn Quốc đang chi 3 USD để mua 1 kg thịt lợn. Chính vì vậy, Hàn Quốc đang phải nhập khẩu thịt lợn từ nhiều quốc gia khác nhau. Do đó, thông qua dự án lần này, ông Lee Sung Ho hi vọng bằng việc áp dụng công nghệ trang trại thông minh, các doanh nghiệp chăn nuôi lợn của Việt Nam có thể xuất khẩu thịt lợn chất lượng cao và an toàn sang Hàn Quốc cũng như nhiều nước trên thế giới.
Ông Lee Sung Ho cũng đề xuất được tiếp tục hợp tác với Bộ NN-PTNT cho nhiều dự án trong tương lai. Trước hết là trao đổi dữ diệu trang trại chăn nuôi lợn thông minh giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Bên cạnh đó, hợp tác công nghệ giữa doanh nghiệp trang trại thông minh của Hàn Quốc với một doanh nghiệp thiết bị chăn nuôi lợn của Việt Nam. Đồng thời, thành lập khu vực chăn nuôi lợn chuyên sản xuất với mục đích xuất khẩu ở những vùng có điều kiện thuận lợi về sản xuất và phân phối. Đây là một hướng đi khả thi nếu lựa chọn được khu vực an toàn trong phòng dịch và trao đổi trước về những điều kiện phòng dịch của nước nhập khẩu.
Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, chăn nuôi công nghệ cao là một trong những giải pháp quan trọng đã được đưa vào trong Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Nó cũng là mục tiêu quan trọng để đảm bảo thông qua giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong đó có công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường để tăng năng suất, chất lượng, đảm bảo sản phẩm chăn nuôi đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Theo ông Chinh, dự án “Thiết lập trang trại thông minh và nâng cao chuỗi giá trị chăn nuôi lợn tại Ninh Bình” với sự hỗ trợ của phía Hàn Quốc sẽ là một mô hình điểm để từ đó nhân rộng thêm nhiều dự án khác, tăng tường hơn nữa sự hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong tương lai.
Đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam; lãnh đạo Ban quản lý dự án Hàn Quốc và lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã bấm nút chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động trang trại chăn nuôi thông minh.
Nguồn: https://www.mard.gov.vn/Pages/khanh-thanh-trang-trai-chan-nuoi-thong-minh-tai-ninh-binh.aspx