Nhân mùa khai giảng năm học mới, các “thợ săn” học bổng chia sẻ bí quyết chinh phục các suất học bổng của trường, tổ chức, doanh nghiệp.
Lên kế hoạch học tập cụ thể
Bùi Đặng Đăng Khoa (đang theo học thạc sĩ tại khoa địa chất và dầu khí Trường đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết trong khoảng thời gian là sinh viên (của khoa kỹ thuật hóa học), bạn đã giành được hơn 10 suất học bổng cả trong và ngoài nước.
Đáng chú ý, Đăng Khoa không quá nổi trội về học lực nhưng với đam mê nghiên cứu khoa học, bạn thường xuyên có những sáng kiến khởi nghiệp mới mẻ và mong muốn lan tỏa giá trị cho cộng đồng…
“Với dự án nghiên cứu vỏ sầu riêng làm siêu tụ điện, tôi không những đạt được giải thưởng cao ở các cuộc thi Bách khoa Innovation, Hội nghị STIC, Sáng kiến Thanh niên về chuyển đổi năng lượng và đảm bảo công bằng xã hội mà còn được tài trợ đi giao lưu học tập.
Ngoài ra, tôi còn tham gia nghiên cứu các dự án như gạch xuyên thấm nước từ xỉ thải phốt pho, bánh castella bổ sung xơ từ vi khuẩn, giấy từ vỏ hàu…” – Đăng Khoa chia sẻ.
Theo Khoa, điều tiên quyết cần có đối với sinh viên là phải có đam mê, tiếp đó là phải lên kế hoạch học tập cụ thể. “Mọi hoạt động nghiên cứu, học tập và tham gia các tổ chức phi chính phủ của tôi đều xoay quanh chủ đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững” – Khoa nói.
Đạt năm kỳ học bổng, bạn Quỳnh Giang (sinh viên năm 4 Trường đại học Ngoại thương TP.HCM) chia sẻ bạn vừa vui vừa tự hào.
“Trường chỉ trao học bổng cho các bạn trong top 10%, sẽ xét GPA hệ 10 điểm và trao học bổng từ trên xuống, tôi thường ở mức 8.5 – 9.0 điểm mỗi học kỳ. Lần gần nhất tôi được học bổng 9,3 triệu đồng, số tiền này tôi dùng để đóng học phí và trang trải cuộc sống tại TP.HCM.
Tôi còn thường xuyên tham gia các cuộc thi học thuật và nghiên cứu khoa học, nếu đoạt giải cũng có thêm phần kinh phí. Ngoài ra, tôi còn đi dạy thêm nên dường như không phải xin tiền gia đình” – Giang nói.
Chia sẻ kinh nghiệm học tập, Giang cho biết trên lớp bạn chủ yếu tập trung nghe giảng, làm bài tập đầy đủ và thường xuyên xung phong phát biểu. Còn đối với các hoạt động nhóm, nữ sinh “mách nước” các bạn sinh viên nên tìm cho mình một nhóm bạn để học cùng trong suốt bốn năm, dễ làm việc nhóm và hiểu nhau hơn.
Tham gia các hoạt động ngoại khóa
Đạt GPA 8.06/10 điểm, bạn Hồ Tấn Phú (sinh viên năm 2 khoa quan hệ quốc tế Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết bạn đạt học bổng khuyến khích học tập 12 triệu đồng.
“Tôi không đặt mục tiêu phải đạt học bổng, mà chỉ mong được kết quả học tập tốt. Tôi xây dựng kế hoạch cho bản thân như tham gia lớp học đầy đủ, đọc bài, nghiên cứu bài học, chú ý nghe giảng, ghi chép lại những lưu ý của thầy cô, kết nối với bạn bè và thầy cô để học hỏi cũng như trao đổi các vấn đề cần thiết.
Quan trọng phải biết cách quản lý thời gian một cách hiệu quả, phân bố đều cho các môn học, chủ động sắp xếp thời gian học và tham gia các hoạt động khác. Đặc biệt, ở giai đoạn ôn thi không để “nước đến chân mới nhảy”. Ngoài ra, bên cạnh việc học tập thì việc tham gia các hoạt động ngoại khóa cũng rất quan trọng, điểm rèn luyện cũng là tiêu chí để xét học bổng” – Phú nói.
Theo ThS Trần Nam – trưởng phòng công tác sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, nhà trường xét học bổng đối với sinh viên có học lực khá, giỏi (GPA 7.0 điểm trở lên) và đạt điểm rèn luyện 80 điểm trở lên.
“Có rất nhiều sinh viên trong bốn năm dường như không phải bỏ tiền gia đình để đóng học phí vì các bạn có học bổng. Ngoài học bổng khuyến khích học tập còn có học bổng của doanh nghiệp, học bổng cựu sinh viên, học bổng của các tổ chức… thậm chí có những học bổng quốc tế lên đến cả chục triệu đồng.
Riêng hệ chuẩn quốc tế của trường có học phí 60 triệu đồng/ năm nhưng vẫn có rất nhiều bạn đạt loại xuất sắc nhận học bổng 66 triệu đồng/năm. Ngoài điểm tích lũy, sinh viên còn phải có điểm rèn luyện từ hoạt động nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng, chấp hành nội quy, tham gia các hoạt động xây dựng trường và những điểm thưởng khác…” – ông Nam nói.
ThS Trần Nam lưu ý tân sinh viên khi bước vào môi trường cao đẳng, đại học sẽ gặp không ít lạ lẫm, có bạn điểm đầu vào cao nhưng học tập lại khó thích nghi.
“Tân sinh viên cần có phương pháp học đại học riêng theo từng ngành, từng trường. Điểm cao còn nằm ở câu chuyện liên quan đến tư duy, ngoài thang điểm cứng nhà trường còn khuyến khích sinh viên có thêm tư duy sáng tạo, mới mẻ…
Đồng thời, tân sinh viên cần xây dựng kế hoạch hợp lý để cân bằng thời gian học tập, tham gia hoạt động xã hội, đoàn thể, rèn luyện thể thao” – ông Nam nhắn gửi.
Không phải điểm cao mới được học bổng
Ông Trần Nam cho biết có nhiều doanh nghiệp khi trao học bổng không cần sinh viên phải có điểm cao mà chỉ cần đạt được những yếu tố nhất định như điều kiện ngoại ngữ, tham gia những hoạt động tình nguyện có giá trị…
“Các tổ chức phát triển bền vững rất quan tâm đến giải pháp sáng tạo. Họ biết được rằng sinh viên khối ngành xã hội có rất nhiều sáng kiến hay và tạo được tác động nên cũng dành nhiều suất học bổng cho khối ngành này” – ông Nam nói.
Nguồn: https://tuoitre.vn/bi-quyet-san-hoc-bong-dai-hoc-20240909085628866.htm