Gửi kiến nghị đến Bộ Nội vụ, cử tri tỉnh Ninh Bình kiến nghị Bộ Nội vụ tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức theo hướng quy định cán bộ, công chức nhà nước có 4 cấp là: Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để tạo điều kiện cho công chức cấp xã yên tâm công tác, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội chung ở cơ sở.
Trả lời, Bộ Nội vụ cho biết, triển khai thực hiện Kết luận số 19 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quyết định số 2114 của Thủ tướng Chính phủ, và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ Nội vụ đang phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
“Bộ Nội vụ ghi nhận kiến nghị của cử tri tỉnh Ninh Bình để nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét về việc thực hiện thống nhất chế độ công vụ đối với cán bộ, công chức như cử tri kiến nghị” – Bộ Nội vụ cho biết.
Trong khi đó, cử tri tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ xem xét sửa đổi Điều 13, Nghị định số 115/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và Điều 18 Nghị định số 138/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức theo hướng: Bỏ quy định đối tượng công chức cấp xã khi được tiếp nhận vào làm viên chức, công chức cấp huyện phải có đủ 5 năm công tác và phải qua thi sát hạch.
Về thực hiện sát hạch khi thực hiện tiếp nhận vào công chức cấp huyện trở lên, Bộ Nội vụ cho biết, hiện nay Bộ đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP. Theo đó dự thảo Nghị định đã sửa đổi quy định theo hướng đối với các trường hợp tiếp nhận cán bộ, công chức cấp xã vào làm công chức cấp huyện trở lên không phải thành lập Hội đồng kiểm tra sát hạch.
Về tiếp nhận công chức cấp xã vào làm viên chức, theo Bộ Nội vụ thì quy định tại điểm b khoản 2 Điều 13 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP (được sửa đổi tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP), khi tiếp nhận cán bộ, công chức cấp xã vào viên chức phải thành lập Hội đồng kiểm tra sát hạch. Quy định thành lập Hội đồng kiểm tra sát hạch nêu trên nhằm mục đích đánh giá năng lực chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm được tiếp nhận do yêu cầu nhiệm vụ của vị trí việc làm công chức cấp xã và viên chức là khác nhau, theo đó, hoạt động nghề nghiệp của viên chức gắn với chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành cần phải thực hiện sát hạch để bảo đảm chất lượng đội ngũ.
Về thời gian công tác để thực hiện việc tiếp nhận, tại Khoản 4 Điều 37 Luật Cán bộ, công chức (Khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức) quy định điều kiện về thời gian công tác 5 năm trở lên để thực hiện việc tiếp nhận từ cán bộ, công chức cấp xã làm công chức cấp huyện trở lên.
Thực hiện nhiệm vụ giao, hiện nay Bộ Nội vụ đang lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) và Luật viên chức (sửa đổi). Theo đó, Bộ Nội vụ sẽ đề xuất báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi quy định để bảo đảm liên thông trong công tác cán bộ trong quá trình sửa đổi Luật Cán bộ, công chức, và Luật Viên chức.
Cử tri tỉnh Nghệ An kiến nghị, sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung để triển khai thực hiện.
Về vấn đề trên, Bộ Nội vụ thông tin đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP. Quá trình xây dựng dự thảo Nghị định được thực hiện theo hướng quy định cụ thể, không xây dựng Thông tư hướng dẫn. Đây là vấn đề mới và khó, phải vừa thực hiện, vừa đánh giá, rút kinh nghiệm từ thực tiễn.
Do vậy, trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện Nghị định, để từ đó sẽ nghiên cứu, tổng hợp trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Luật Viên chức (sửa đổi).
Nguồn: https://daidoanket.vn/nghien-cuu-sua-luat-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-10289688.html