Dù “qua sông” rồi sẽ đi các phương trời nhưng bóng dáng thầy cô luôn ở một góc trân trọng trong tim mỗi chúng ta. Tôi cũng có một cô giáo tuyệt vời – cô Lâm Lệ Hà (SN 1958), giáo viên chủ nhiệm lớp chuyên văn Trường THPT chuyên Lê Khiết ở TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi niên khóa 2005-2008.
Cô giáo đa tài
Cô Lâm Lệ Hà sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Sau khi học đại học ra trường, cô được phân công về dạy tại Trường CĐ Sư phạm Quảng Ngãi – quê hương của cha cô. Sau đó, cô quay về Hà Nội học thạc sĩ rồi tiếp tục giảng dạy tại Trường CĐ Sư phạm Quảng Ngãi.
Năm 1991, Trường THPT chuyên Lê Khiết thành lập, cô Hà xin về đây dạy phổ thông vì cô thích gần gũi học trò lứa tuổi này hơn. Môi trường này phù hợp với tính cách nhẹ nhàng, tình cảm của cô.
Cô Hà rất tài năng, lại yêu văn nghệ – thể thao và các hoạt động xã hội. Tôi nhớ mãi ngày khai giảng đầu tiên khi học lớp 10 năm 2005, cô múa độc diễn bài “Cô gái mở đường” trong bộ quân phục xanh và mũ tai bèo. Bàn tay, đôi chân cô uyển chuyển, khuôn mặt nở nụ cười tươi tắn đầy lạc quan.
Ngoài giảng dạy, cô Hà còn làm Chủ tịch Công đoàn nhà trường 3 nhiệm kỳ liên tục; tham gia thường vụ Công đoàn giáo dục tỉnh, là trưởng ban nữ công 3 nhiệm kỳ cho đến lúc nghỉ hưu. Cô cũng là Trưởng Ban Văn nghệ Trường THPT chuyên Lê Khiết, dẫn dắt đội văn nghệ của trường nhiều năm đoạt giải nhất các hội thi, chương trình toàn tỉnh.
Tôi khi đó là cô học trò đen nhẻm, sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo, chưa từng rời khỏi làng. Quanh năm, tôi chỉ biết một buổi đi học, một buổi phụ gia đình chuyện đồng áng, nhà cửa. Tôi chưa từng đặt chân đến thành phố nên khi thi đậu vào trường chuyên của tỉnh thì mới lần đầu xa nhà, xa cha mẹ. Cha mẹ vì muốn kiếm tiền nuôi 4 anh em tôi ăn học mà vào Nam làm ăn từ đó.
Cô Hà được phân công chủ nhiệm lớp chúng tôi 3 năm liền. Cô chính là người mẹ hiền thứ hai của tôi suốt 3 năm cấp III. Biết cha mẹ tôi đi làm ăn xa, mỗi lần lớp họp phụ huynh, lo tôi tủi thân, cô đến bên cười nhẹ nhàng: “Với em thì khỏi cần họp cũng được”.
Thấy tôi năm nào cũng không đóng học phí đúng hạn, cô đau đáu trong lòng. Cô chưa từng hối thúc tôi phải đóng học phí. Ngược lại, cô lẳng lặng xin học bổng từ các nơi cho tôi. Năm 2006, khi học lớp 11, tôi nhận được học bổng “Học trò vượt khó”, số tiền đủ để đóng học phí cả năm học.Tôi đã khóc vì mừng. Cô đứng ở cuối phòng nghẹn ngào nhìn tôi hạnh phúc.
Tôi đã tự hứa với lòng, sau này khi đi làm có điều kiện tốt hơn, tôi cũng sẽ góp một phần nhỏ nhoi của mình để giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường. Lời hứa ấy tới nay tôi vẫn trăn trở trong lòng.
Mọi chuyện đều có cách giải quyết
Cô Hà xem chúng tôi như những đứa con của mình. Cô lắng nghe mọi tâm tư, tình cảm của cả lớp. Lớp tôi 35 học sinh thì có đến 34 bạn nữ. Dẫu vậy, chúng tôi cũng nghịch không kém một lớp đông học sinh nam nào. Vậy mà tôi chưa từng thấy cô nổi nóng, tức giận với chúng tôi bao giờ.
Khi lên lớp, cô Hà không chỉ dạy kiến thức mà còn kể cho chúng tôi nghe chuyện đời. Dù cuộc sống có khó khăn, chông gai thế nào, cô vẫn dạy: “Mọi chuyện sẽ tốt đẹp, mọi chuyện đều có cách giải quyết, ta chỉ cần dùng con tim chân thành, tử tế, cuộc đời rồi cũng sẽ tử tế với ta”.
Cô Hà từng tâm sự: “Cô coi dạy học là nghề cao quý, là kỹ sư tâm hồn. Dạy học sinh không chỉ là dạy chữ mà còn dạy nhân cách làm người. Dạy học sinh hồng thắm chuyên sâu, học đi đôi với hành, phát triển nhân cách toàn diện. Dạy các em kỹ năng sống, làm người có ích cho xã hội. Dạy các em có lý tưởng sống tốt đẹp, sống cuộc đời có ý nghĩa, hạnh phúc”. Những lời chân thành ấy đã góp phần định hình tính cách của tôi cho đến bây giờ.
Tôi từng không hiểu vì sao mỗi lần nhắc về Hà Nội, ánh mắt cô Hà lại rạng ngời một niềm vui sướng, tự hào. Cô yêu Hà Nội, nhớ Hà Nội day dứt. Trở về Hà Nội là những ngày cô cảm nhận được sự thân thương và hạnh phúc. Cô bảo “Hà Nội đẹp lắm, thu Hà Nội yêu lắm”. Lúc ấy, tôi chưa một lần nghĩ rằng rồi mình cũng sẽ đi Hà Nội, yêu Hà Nội như cô…
Đã 16 năm kể từ lúc ra trường, tôi vẫn chưa có cơ hội về thăm cô Hà. Năm ngoái, khi tất cả các bạn về kỷ niệm 15 năm ra trường, cô vẫn nhớ từng gương mặt thân thương dù bao năm xa cách.
Tôi chẳng thể trở về cùng các bạn vì còn vướng bận công việc và gia đình. Tôi nhắn cho cô Hà: “Con nhớ cô quá!”. Cô vẫn còn nhớ đứa học trò nghèo năm nào: “Cô cũng thương con. Cô vẫn ở đây, khi nào con có điều kiện về quê thì chúng ta gặp nhau”.
Tôi hình dung lại khuôn mặt hiền từ của cô Hà mà thấy thương nhớ quá đỗi. Tôi thương và nhớ cô vô cùng. Tôi luôn mong một ngày được gặp lại cô để sà vào lòng cô, như đứa con xa nhà bao năm được về bên mẹ…
Lạc quan, yêu đời
Cô Hà về hưu đã lâu nên cuộc sống thảnh thơi hơn. Tôi đã kết bạn trên mạng xã hội với cô và càng thêm kính yêu, thương mến cô hơn vì lối sống tích cực, lành mạnh.
Cô Hà vẫn duy trì việc vận động. Cô tham gia các câu lạc bộ múa, nhảy, yoga để sống khỏe mạnh, vui vẻ, lạc quan, yêu đời. Xem các clip được cô chia sẻ, tôi vẫn bị đôi tay dẻo dai, khuôn mặt hiền dịu, phúc hậu thu hút như khi xem cô biểu diễn trên sân khấu nhà trường năm nào…
Nguồn: https://nld.com.vn/nguoi-thay-kinh-yeu-co-giao-chu-nhiem-nguoi-gieo-thuong-men-196240908212829194.htm