Theo Bộ Y tế, ngập lụt sau mưa lũ là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, virus truyền bệnh phát triển, gây dịch bệnh cho người. Những dịch bệnh thường hay gặp trong mùa mưa lũ là tiêu chảy cấp, bệnh đường hô hấp, bệnh về mắt, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết. Đặc biệt, thời gian này đang xảy ra nhiều bệnh như sởi, sốt xuất huyết.
Tại Hà Nội cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 120 ổ dịch sốt xuất huyết, trong đó có 30 ổ dịch đang hoạt động. Thời tiết mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để phát sinh muỗi truyền bệnh; số ca mắc sốt xuất huyết ghi nhận có xu hướng gia tăng, một số ổ dịch kéo dài, tiếp tục ghi nhận bệnh nhân.
Theo kết quả giám sát tại một số ổ dịch vẫn ghi nhận chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ, dự báo số ca mắc có thể gia tăng trong thời gian tới.
Bệnh đường tiêu hóa (tiêu chảy do vi khuẩn E.coli, lỵ, thương hàn, tả, viêm gan A) rất dễ mắc phải do sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh, thực phẩm bị ô nhiễm. Do đó, người dân cần ăn thức ăn nấu chín và uống nước đun sôi, chọn thực phẩm an toàn, vệ sinh; khử trùng nước ăn uống, sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế để phòng bệnh đường tiêu hóa.
Các bệnh ngoài da dễ mắc do lũ lụt là nấm chân, tay; viêm lỗ chân lông; hắc lào; lang ben; ghẻ lở và mụn nhọt.
Để phòng bệnh, không tắm gội và giặt quần áo bằng nước bẩn. Nếu không có nước giếng đã được khử trùng thì phải đánh phèn hoặc lọc nước bằng cát. Không mặc áo quần ẩm ướt. Không bơi lội, tắm gội hoặc chơi đùa trong nước ngập vì nước rất bẩn, ngoài gây bệnh ngoài da, còn gây ra bệnh đường tiêu hóa do nuốt phải nước bẩn.
PGS.TS Lương Mai Anh – Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) – cho biết, để ứng phó với tình hình mưa lũ trong năm 2024, nhằm đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường, phòng tránh nguy cơ ô nhiễm môi trường từ chất thải, góp phần phòng chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe nhân dân, Cục Quản lý Môi trường y tế kính đề nghị Sở Y tế quan tâm chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai xây dựng kế hoạch vệ sinh môi trường, đảm bảo nước sạch và quản lý chất thải y tế trước mùa bão lũ; Sau khi có bão, lũ xảy ra hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị y tế cơ sở và người dân thực hiện các biện pháp xử lý môi trường; thu gom, xử lý chất thải y tế, xử lý xác súc vật chết; xử lý các giếng khoan, giếng đào, bể nước bị ngập lụt theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng và véc tơ gây bệnh tại các khu vực bị ngập sau khi nước rút; tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh chất lượng nước cấp cho ăn uống sinh hoạt từ các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung đảm bảo nồng độ clo dư theo quy định; tăng cường kiểm tra vệ sinh chất lượng nước hộ gia đình; kiểm tra giám sát việc thu gom, xử lý chất thải y tế trong các cơ sở y tế đảm bảo thực hiện theo đúng các quy định hiện hành…
Bộ Y tế khuyến cáo người dân lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, ăn thức ăn nấu chín và uống nước đun sôi; thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn…
Nguồn: https://laodong.vn/suc-khoe/bo-y-te-canh-bao-nhieu-dich-benh-co-the-bung-phat-1391230.ldo