Dù chỉ giao dịch 3 phiên trong tuần đầu tiên của tháng 9, nhưng khối ngoại đã bán ròng tới 1.220 tỉ đồng, trong đó VPB và HPG là 2 mã bị bán mạnh nhất.
Thống kê trên sàn HOSE, 3 phiên vừa qua của tuần đầu tháng 9, khối ngoại bán ròng 2 phiên và mua ròng 1 phiên.
Tổng cộng, khối này đã bán ròng 44,45 triệu đơn vị, giá trị bán ròng đạt 1.240,37 tỉ đồng, giảm 44,53% về lượng, nhưng tăng 55,78% về giá trị so với tuần trước đó.
Trên sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 1 phiên và mua ròng 2 phiên. Tổng cộng trong tuần, khối này đã bán ròng 189.800 đơn vị, giảm 95,3% so với phiên trước; tổng giá trị mua ròng 26,92 tỉ đồng, trong khi tuần trước bán ròng 89,46 tỉ đồng.
Trên sàn HOSE, khối ngoại mua ròng mạnh nhất cổ phiếu VNM với giá trị đạt 224,7 tỉ đồng, tương đương khối lượng mua ròng đạt 3 triệu đơn vị.
Tiếp theo là cặp đôi ngân hàng TPB và CTG, trong đó CTG được mua ròng 117,58 tỉ đồng (3,3 triệu đơn vị); TPB được mua ròng 75,26 tỉ đồng (4,25 triệu đơn vị).
Ngược lại, khối này bán ròng mạnh nhất cổ phiếu VPB với khối lượng đạt 12,36 triệu đơn vị, giá trị bán ròng đạt 228,67 tỉ đồng.
Nhìn lại thị trường chứng khoán trong 8 tháng qua của năm 2024, trái với diễn biến khá khả quan của thị trường chung, giao dịch nhà đầu tư ngoại vẫn chưa cho thấy dấu hiệu cải thiện khi áp lực bán ròng mạnh mẽ được duy trì trong các tháng, ngoại trừ duy nhất tháng 1.2024 giữ được trạng thái mua ròng hơn 1.100 tỉ đồng.
Trong khi đó, tháng bán ròng thấp nhất rơi vào tháng 2 cũng đạt gần 1.500 tỉ đồng và tháng 5 là tháng bán ròng mạnh nhất với giá trị lên tới hơn 19.000 tỉ đồng.
Tổng cộng 8 tháng đầu năm, khối ngoại đã bán ròng tới hơn 64,4 nghìn tỉ đồng, tương đương hơn 2,5 tỉ USD, gấp gần 18 lần so với cùng kỳ năm ngoái; đặc biệt là vượt qua kỉ lục bán ròng của cả năm 2021 với giá trị bán ròng đạt hơn 60 nghìn tỉ đồng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khối ngoại bán ròng thời gian qua được giới chuyên gia đưa ra.
Có thể kể đến những bất ổn về kinh tế và địa chính trị toàn cầu đã tạo ra tâm lý lo ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Chính sách tiền tệ tại các quốc gia lớn, đặc biệt là Mỹ, cũng gây áp lực lớn lên dòng vốn, khiến các nhà đầu tư phải rút tiền ra khỏi thị trường.
Bên cạnh đó, hoạt động tái cơ cấu của các quỹ đầu tư cũng là một yếu tố quan trọng, khi họ bán các cổ phiếu vốn hóa lớn để tái định hướng danh mục đầu tư.
TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư DG Capital đưa ra quan điểm, việc khối ngoại bán ròng hơn 2 tỉ USD từ đầu năm đến nay là con số rất lớn và đáng lưu tâm.
Mọi người đang nhắc đến câu chuyện nếu thị trường không được nâng hạng thì khả năng cao sẽ tiếp tục bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng.
Tuy nhiên, để có thể nâng hạng thị trường chứng khoán, Việt Nam cần cải thiện tỉ lệ sở hữu nước ngoài.
Chính vì vậy, kỳ vọng yêu cầu pre-funding sẽ được chính thức loại bỏ vào quý III/2024 và FTSE sẽ nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi vào tháng 9.2025, hoặc vào tháng 3.2025. Đây sẽ là yếu tố tích cực, hứa hẹn thu hút thêm dòng vốn ngoại trong tương lai.
“Trong ngắn hạn, áp lực bán của khối ngoại sẽ giảm bớt khi các quỹ đầu tư đã hoàn tất tái cơ cấu danh mục.
Thêm vào đó, Mỹ đang trong quá trình chuẩn bị hạ lãi suất, điều này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn quay trở Việt Nam”, TS Phương nêu quan điểm.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/ly-do-khoi-ngoai-van-duy-tri-ban-rong-1390973.ldo