Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng.
Phát triển nguồn nguyên phụ liệu ngành dệt may – da giày là rất cần thiết
Dệt may và Da giầy là hai ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu luôn tăng trưởng qua các năm, mức tăng bình quân trên 10%/năm. Theo báo cáo của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và tạp chí World Footwear, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu da giầy lớn thứ hai và xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ ba thế giới.
Trong 06 tháng đầu năm 2024, dù vẫn chịu ảnh hưởng lớn của suy giảm kinh tế toàn cầu, tổng kim ngạch xuất khẩu 02 ngành vẫn đạt gần 30 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam; và tạo ra gần 5 triệu công ăn việc làm, chiếm 22% lao động ngành công nghiệp Việt Nam.
Báo cáo của Cục Công nghiệp cho thấy, mặc dù, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may – da giầy chiếm tỷ lệ cao trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, nhưng giá trị đóng góp của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn hạn chế. Thực tế cho thấy, ngành dệt may – da giầy Việt Nam vẫn tập trung ở khâu gia công, tạo giá trị gia tăng thấp. Nguồn nguyên, vật liệu và phụ kiện chủ yếu nhập khẩu từ thị trường ngoài nước (Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước ASEAN khác).
Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, 06 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu nguyên phụ liệu nhóm ngành dệt may – da giầy sơ bộ đạt 13,42 tỷ USD, tăng 14,11% so với cùng kỳ năm 2023 (Trong đó, vải đạt 7,24 tỷ USD; xơ sợi dệt các loại đạt 1,28 tỷ USD; Bông các loại đạt 1,49 tỷ USD; NPL dệt, may, da, giày đạt 3,41 tỷ USD).
Ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp – cho rằng, việc phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu có thể gây ảnh hưởng lớn tới tình hình phát triển chung của toàn ngành thời gian tới, khi nhiều nhiều quốc gia trên thế giới (Hoa Kỳ, EU) hướng tới mục tiêu Net Zero 2050 đang đặt ra các quy định khắt khe về kiểm soát nguồn cung, bắt buộc sản phẩm đáp ứng tỷ lệ xuất xứ nội khối cao. Hiện nay để mặt hàng dệt may – da giầy tận dụng lợi thế về miễn giảm thuế nhập khẩu vào các thị trường Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (như EVFTA), quy định về quy tắc xuất xứ đã đi vào thực thi.
“Điều này đang tác động lớn cho doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI sản xuất hướng tới xuất khẩu tại Việt Nam. Do đó, việc phát triển nguồn nguyên phụ liệu ngành dệt may – da giày là rất cần thiết”- ông Tuấn Anh đánh giá.
Tháng 12 năm 2023, Hiệp hội Da – Giầy – Túi xách Việt Nam và Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Công Thương về việc xin ý kiến chủ trương xây dựng Trung tâm giao dịch phát triển nguyên, phụ liệu ngành thời trang Việt Nam.
Việc xây dựng Trung tâm này phù hợp với định hướng phát triển nguồn cung nguyên, phụ liệu ngành dệt may, da giầy tại Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 29/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giầy Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2035 và Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 06/8/2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Dự kiến, Trung tâm sẽ được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa.
Thời gian qua, Cục Công nghiệp đã làm việc với hai Hiệp hội và cho ý kiến về việc hoàn chỉnh chi tiết Đề án thành lập Trung tâm như việc thống nhất tên gọi, vị trí, quy mô, hình thức, nguồn vốn, đánh giá tác động, … Dự kiến trong tháng 10, các Hiệp hội sẽ triển khai đoàn khảo sát, học hỏi kinh nghiệm Trung Quốc và các quốc gia khác đã xây dựng thành công mô hình này để hoàn thiện Đề án đảm bảo phù hợp với thực tế và vận hành hiệu quả trong tương lai.
Cũng tại hội nghị, ông Trương Văn Cẩm – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho rằng sự cần thiết thành lập Trung tâm nguyên phụ liệu phục vụ ngành thời trang. Trung tâm này sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp chủ động chuyển theo hình thức xuất khẩu cao hơn thay vì gia công chủ yếu, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may trong nước phát triển, dễ rà soát nguồn gốc, phục vụ ngành thời trang trong nước trước khi vươn ra thế giới…
Tuy nhiên, theo ông Cẩm, việc đề xuất thành lập trung tâm không phải là vấn đề mới, song đến nay việc triển khai vẫn chưa thành công. Đơn cử, một số doanh nghiệp đã đầu tư, xây dựng nguyên phụ liệu nhưng chưa thu được kết quả cao, có đơn vị phải đóng cửa sau một thời gian hoạt động.
Do vậy, từ kinh nghiệm của một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, ông Trương Văn Cẩm kiến nghị cơ quan chức năng hỗ trợ các doanh nghiệp về cơ chế chính sách, nguồn lực, đất đai giúp các doanh nghiệp ổn định đầu tư, chuyển giao công nghệ cũng như đẩy mạnh việc giao dịch giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã xác định dệt may – da giầy là hai trong số 7 ngành công nghiệp ưu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển ngành trong giai đoạn sắp tới, cần có những giải pháp đột phá để nâng cấp chuỗi giá trị ngành nhằm tạo ra những lợi ích bền vững. Để làm được điều này, cần phải thúc đẩy phát triển hoạt động của thị trường cung ứng nguyên phụ liệu theo hướng quy mô, chuẩn hóa và minh bạch. Từ đó giúp các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao tính năng động, hiệu quả, có cơ hội vươn lên và tham gia vào chuỗi cung ứng ngành.
Trên cơ sở đó, ông Thuấn kiến nghị xây dựng khu trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu và đổi mới sáng tạo ngành thời trang Việt Nam tại Bình Dương.
Đẩy mạnh xây dựng đề án một cách cụ thể
Tại hội nghị, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh, da giày- dệt may Việt Nam đã có chỗ đứng quan trọng trên bản đồ thế giới, tuy nhiên giờ đang chịu sự cạnh tranh từ nhiều nước, đặc biệt những thách thức từ xu hướng tiêu dùng xanh, quy định mới của một số thị trường nhập khẩu. Chúng ta không thể gia công mãi được mà cần làm chủ nguồn nguyên phụ liệu và các khâu thiết kế…
Việc xây dựng Trung tâm thương mại quốc tế và phát triển nguyên, phụ liệu ngành thời trang là vấn đề đáng lẽ phải làm từ rất lâu nhưng giờ vẫn chưa làm được. Vì thế, chúng ta cần đẩy mạnh triển khai nhanh việc xây dựng đề án một cách cụ thể, gồm các giai đoạn hoạt động, kiến nghị cơ chế chính sách…
Về nhiệm vụ cụ thể, Thứ trưởng Phan Thị Thắng giao cho Hiệp hội Da giày là cơ quan chủ trì, kết hợp với Hiệp hội Dệt may và các hiệp hội khác viết Đề án rõ ràng hơn. Trong đó chia ra các giai đoạn cụ thể (tiền khả thi, nghiên cứu mô hình, định hướng…) và xác định rõ về thẩm quyền của hiệp hội, các Bộ ngành có liên quan, địa phương. Về nguồn lực, đề nghị Hiệp hội Da giày chủ động. Về cơ chế chính sách đào tạo nguồn nhân lực cần nghiên cứu rõ và kỹ để đề xuất thêm những chính sách phù hợp.
“Hiện nay Bộ Công Thương có hệ thống các trường, việc đào tạo ra nguồn nhân lực không hề khó nhưng đào tạo như thế nào và phối hợp với các địa phương ra sao, điều này rất cần đề xuất cụ thể“- Thứ trưởng nhấn mạnh.
Sau khi có Đề án cụ thể, rõ ràng, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết, sẽ giao cho Cục Công nghiệp là đơn vị chủ trì, các Vụ thị trường trong nước, ngoài nước, cùng với Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Cục phòng vệ thương mại,… tập hợp lại các góp ý để sớm thành lập Trung tâm.
“Bộ Công Thương sẵn sàng đồng hành cùng Hiệp hội để phát triển Trung tâm này” – Thứ trưởng nhấn mạnh, đồng thời đề nghị Hiệp hội có đề xuất về Nhóm nghiên cứu hoặc Tổ nghiên cứu để làm việc với Cục Công nghiệp (đơn vị chủ trì) 1 cách có hiệu quả.
Về phía các Thương vụ nước ngoài, cần góp ý, đề xuất các mô hình làm tốt của nước bạn và tham mưu cho nước nhà để sớm phát triển Trung tâm thương mại quốc tế và phát triển nguyên, phụ liệu da giày, túi xách và dệt may.
Cũng tại hội nghị, các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã chia sẻ mô hình tương tự của các nước, hiệu quả và cách thức vận hành ra sao, cơ chế chính sách hỗ trợ của nhà nước, sự tham gia của các nguồn lực khác như thế nào; khả năng hỗ trợ, phối hợp của Thương vụ đối với việc xây dựng và vận hành mô hình Trung tâm này ở Việt Nam.
Chia sẻ kinh nghiệm của các nước, bà Dương Phương Thảo – Tham tán thương mại Việt Nam tại Italia cho biết, ngành thời trang made in Italy được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới bởi yếu tố ổn định truyền thống của ngành vì nghề dệt may đã có truyền thống từ lâu đời, họ xây dựng những doanh nghiệp gia đình nhỏ tạo thành một mạng lưới tập trung tại nhiều vùng trên cả nước. Bên cạnh đó Chính phủ Italia rất chú trọng đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ máy móc, giúp kết hợp nghề thủ công với tính đổi mới sáng tạo theo xu hướng, góp phần nâng cao chất lượng và sản xuất quy mô lớn.
Chính phủ nước này cũng thúc đẩy kết nối các thành phần khác nhau trong chuỗi sản xuất và thương mại bán lẻ tại các vùng trên cả nước tạo nên một một hệ thống kết nối chặt chẽ, nâng cao danh tiếng của những sản phẩm “made in Italy”. Các trường đào tạo dạy nghề sẽ bao gồm cả chương trình phổ thông. Học sinh học nghề được tuyển sinh từ cấp 3 và sau khi học xong cấp 3 các học sinh này sẽ được định hướng nghề nghiệp để theo học tiếp chuyên sâu theo khả năng của từng học sinh: như chuyên về kỹ năng thiết kế đồ họa, hoặc chuyên về mảng dệt hoặc nhuộm màu… Tất cả các trường nghề đều có liên kết với các công ty thời trang để thực hiện các đơn hàng thực tế và khả năng việc làm sau khi ra trường.
Tại Hoa Kỳ, ông Đỗ Ngọc Hưng – Tham tán Thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng ủng hộ việc xây dựng Trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu để thúc đẩy sản xuất nguyên phụ liệu trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm thời trang Việt Nam; đồng thời thúc đẩy xuất khẩu dệt may, da giày.
Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, hiện, Hoa Kỳ không có trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu và các hiệp hội trong ngành cũng không có chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp trong giải quyết nguồn nguyên phụ liệu bền vững. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang chủ động đẩy mạnh đa dạng các nguồn cung nguyên phụ liệu đầu vào để thích ứng với môi trường kinh doanh và quy định đang thay đổi.
Khảo sát của Hiệp hội Công nghiệp thời trang Hoa Kỳ vừa công bố vào tháng 7/2024 cho biết, các công ty thời trang Hoa Kỳ đã xây dựng được cơ sở tìm nguồn cung ứng đa dạng hơn về địa lý. Năm 2024, các doanh nghiệp đã tìm nguồn cung ứng sản phẩm may mặc từ 48 quốc gia, tăng so với 44 quốc gia vào năm 2023. Các công ty thời trang quy mô hơn 1.000 nhân viên đã tìm nguồn cung ứng từ 10 quốc gia trở lên, công ty vừa và nhỏ có 100-1.000 nhân viên thường tìm nguồn cung ứng quần áo từ 6 quốc gia trở lên.
“Khi tìm kiếm nguồn cung cho ngành thời trang, các doanh nghiệp Hoa Kỳ cân bằng nhiều yếu tố và thực tế không có cơ sở tìm nguồn cung ứng nào “hoàn hảo” và vượt trội ở mọi tiêu chí…” – Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ thông tin và cho biết thêm, hiện nay, theo các doanh nghiệp Hoa Kỳ, các nhà cung cấp châu Á nói chung là có tính cạnh tranh về chi phí tìm nguồn cung ứng và tính linh hoạt về giao hàng và quy mô đơn hàng, tuy nhiên, rủi ro tuân thủ xã hội tương đối cao.
Từ thực tế các hoạt động hỗ trợ của các hiệp hội trong lĩnh vực dệt may, dày dép, thời trang cũng như thực tế các doanh nghiệp Hoa Kỳ, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đề nghị về nguyên phụ liệu, các doanh nghiệp vẫn cần chủ động trong việc tìm kiếm và sử dụng nguồn cung có khả năng truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu về tính bền vững và trách nhiệm xã hội.
Về thành lập trung tâm cung ứng của ngành, ông Đỗ Ngọc Hưng cũng đề nghị các hiệp hội trong ngành công nghiệp dệt may, da giày thời trang căn cứ thực tiễn, dự báo xu hướng tương lai, xác định chức năng, vị trí mô hình của trung tâm cung ứng cho ngành thời trang đảm bảo trung tâm hình thành, hoạt động hiệu quả, có khả năng thích ứng với sự thay đổi rất nhanh của ngành này từ công nghệ, mô hình chuỗi sản xuất,quản lý, cũng như các yêu cầu cao từ thị trường, người tiêu dùng, các quy định của các nước nhập khẩu.
Nguồn: https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/hoat-dong-cua-lanh-dao-bo/de-an-thanh-lap-trung-tam-thuong-mai-quoc-te-va-phat-trien-nguyen-phu-lieu-nganh-thoi-trang.html